Tin bất động sản ngày 23/3: Hà Nội sắp đấu giá 59 lô đất ở ngoại thành
Tin bất động sản ngày 22/3: Bốn dự án sắp triển khai tại quận Thanh Xuân, Hà Nội Tin bất động sản ngày 21/3: Hải Dương kiến nghị thu hồi hơn 200 ha đất |
Hà Nội sắp đấu giá 59 lô đất ngoại thành, khởi điểm cao nhất gần 50 triệu/m2
Cụ thể, Công ty đấu giá hợp danh Số 5 Quốc gia vừa ra thông báo đấu giá đất của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn. Cụ thể là quyền sử dụng 22 thửa đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (đợt 6), diện tích các thửa đất từ 89,1 - 200m2/thửa.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong đó, 22 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 45 - 49,7 triệu đồng/m2 (thửa đất 200m2 có giá khởi điểm gần 10 tỉ đồng). Mục đích sử dụng đất là đất ở với thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài. Hình thức, phương thức đấu giá đất là bỏ phiếu kín trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên, bước giá 100 nghìn đồng/m2. Buổi đấu giá đất được tổ chức lúc 8h30 ngày 15.4 tại hội trường UBND huyện Sóc Sơn.
Tại huyện Thạch Thất, Công ty đấu giá hợp danh Số 5 Quốc gia cũng đã có thông báo đấu giá đất 37 thửa đất tại các xã Bình Phú, Dị Nậu và Đại Đồng.
Cụ thể, 15 thửa đất tại xã khu Lỗ Đòng - Bồ Cóc, xã Đại Đồng với mức giá khởi điểm từ 21,5 triệu đồng/m2 - 23,8 triệu đồn/m2. Diện tích các thửa đất từ 130 - 150m2.
21 thửa đất tại khu Đầu Cầu Dưới, thôn Thái Hoà, xã Bình Phú với giá khởi điểm từ 33,1 triệu đồng/m2 - 36,8 triệu đồng/m2. Diện tích các thửa đất từ 88 - 144m2.
1 thửa đất tại khu đấu giá xã Dị Nậu, diện tích 144m2, giá khởi điểm 47,7 triệu đồng/m2.
Mục đích sử dụng đất các thửa đất nói trên là đất ở nông thôn với thời gian sử dụng ổn định lâu dài. Hình thức, phương thức đấu giá đất là bỏ phiếu kín trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên, bước giá 200.000 đồng/m2. Thời gian tổ chức đấu giá là 8h30p ngày 7.4.2023.
An Giang kêu gọi đầu tư hạ tầng 4 khu công nghiệp
Nhằm tạo quỹ “đất sạch”, sẵn sàng mặt bằng phục vụ cho thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng và lợi thế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh An Giang đang kêu gọi đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng 4 khu công nghiệp (KCN) tập trung trên địa bàn tỉnh. Đây là các dự án nằm trong danh mục dự án trọng điểm ưu tiên mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025.
Đó là Dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Bình Hòa mở rộng, địa điểm xây dựng tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, có tổng diện tích đất là 120 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.044 tỷ đồng.
Dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hội An, xã Hội An, huyện Chợ Mới, có diện tích đất là 100 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 950 tỷ đồng.
Dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Xuân Tô, thị xã Tịnh Biên, có diện tích đất là 100 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 2.500 tỷ đồng.
Dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Định Thành, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, quy mô diện tích đất 275 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng.
Tất cả 4 KCN trên đều kêu gọi đầu tư theo hình thức đầu tư 100% vốn doanh nghiệp để đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
Các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh An Giang được quy hoạch ở những vị trí thuận lợi, tiếp giáp các trục giao thông thủy - bộ huyết mạch nội tỉnh và liên vùng, thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa; kết nối giao thương giữa tỉnh An Giang với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và Campuchia.
Hơn nữa, do nằm trên vùng nguyên liệu nông - thủy sản dồi dào, các KCN của An Giang có lợi thế thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang, hiện nay tỉnh đã xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh và thành lập 3 KCN, và 1 KCN đã có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, 2 KCN đã đi vào hoạt động (KCN Bình Hòa, KCN Bình Long) thu hút được 29 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 7.237 tỷ đồng.
Đà Nẵng thu hồi, tổ chức bán đấu giá đối với 44 cơ sở nhà, đất
UBND TP. Đà Nẵng vừa có quyết định thu hồi nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị để giao Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà quản lý thực hiện tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá.
Cụ thể, TP. Đà Nẵng thu hồi đối với 44 cơ sở nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại với tổng diện tích đất 30.891,6 m2; tổng diện tích nhà 14.666,8 m2.
Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà đất dôi dư, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu thực hiện hạch toán giảm tài sản trên sổ sách kế toán theo đúng chế độ kế toán; cập nhật vào phần mềm quản lý tài sản nhà nước tại đơn vị và báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định .
Sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý cơ sở nhà, đất tổ chức bàn giao, Sở Tài chính chịu trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện bàn giao lại cho Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà.
UBND TP Đà Nẵng giao Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà quản lý và lập thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đối với các cơ sở nhà, đất này.
Trong danh sách thu hồi nhà, đất để tổ chức đấu giá, huyện Hòa Vang chiếm số lượng lớn với 37 cơ sở nhà, đất chủ yếu do UBND các xã (Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Sơn…) và các trường mầm non, trường tiểu học quản lý, sử dụng; quận Sơn Trà và Liên Chiểu đều có 2 cơ sở nhà, đất do trường mầm non quản lý. Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà (thuộc Sở Xây dựng) có 2 địa chỉ nhà đất tại phường Bình Thuận (quận Hải Châu) và phường Thanh Khê (quận Thanh Khê) cũng được thu hồi.
Hiện trạng sử dụng đối với 44 cơ sở nhà, đất đều là nhà, đất trống; riêng có 1 địa chỉ nhà đất do Trường tiểu học Hòa Bắc (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đang quản lý được tận dụng sân làm bãi chứa vật liệu của Trạm bơm và đập dâng Nam Mỹ thuộc Nhà máy nước Hòa Liên.
Hòa Phát đặt mục tiêu đến năm 2033 có 10 khu công nghiệp
Trong báo cáo thường niên năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát cho biết, kế hoạch năm 2023 sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng (Hưng Yên) với diện tích quy hoạch 216 ha. Kế hoạch trong 10 năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp hiện nay đang có.
Hòa Phát đặt mục tiêu có 10 khu công nghiệp trong 10 năm tới/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở - khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Cũng theo báo cáo của Tập đoàn, năm 2022, lĩnh vực bất động sản hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao. Các khu công nghiệp Hòa Phát đạt tỷ lệ lấp đầy gần như toàn bộ diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Hòa Phát tham gia vào bất động sản được khoảng 20 năm với 2 lĩnh vực chính là bất động sản khu công nghiệp (KCN) và BĐS đô thị. Tuy nhiên, mảng BĐS KCN đã ghi nhận nhiều dấu ấn với các dự án đang được khai thác như KCN Phố Nối A (600 ha), KCN Yên Mỹ II (giai đoạn 1; 97,5ha) - Hưng Yên; KCN Hòa Mạc - Hà Nam (131 ha)...
Ở mảng bất động sản nhà ở đô thị, Hòa Phát đã đầu tư xây dựng các dự án ở Hà Nội như Khu phức hợp Mandarin Garden 1 (2,5 ha) tại quận Cầu Giấy, Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (1,3 ha), Khu chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh, tại quận Hoàng Mai, Chung cư Hòa Phát 257 Giải Phóng, quận Đống Đa...
Ngoài ra, công ty cũng đang phát triển một dự án khu đô thị lớn - Khu đô thị Bắc Phố Nối tại Hưng Yên với diện tích 262 ha.Hòa Phát có mục tiêu trở thành top 3 công ty bất động sản (BĐS) lớn nhất Việt Nam. Mảng BĐS cũng được xác định đem lại doanh thu, lợi nhuận chủ lực cho tập đoàn, chỉ đứng thứ 2 sau thép.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 23/3: Hà Nội sắp đấu giá 59 lô đất ở ngoại thành