Tin bất động sản ngày 24/9: Những dự án nào trên “đất vàng” ở Hà Nội bị thu hồi?
Tin bất động sản ngày 23/9: Nhiều lô đất ven Hà Nội đấu giá khởi điểm chỉ từ 1 triệu đồng/m2 Tin bất động sản ngày 22/9: Yêu cầu rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai |
Những dự án nào trên “đất vàng” ở Hà Nội bị thu hồi?
Mới đây, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã chỉ đạo rà soát, thu hồi một số dự án chậm tiến độ để lấy quỹ đất xây dựng trường học công lập tại các điểm bức xúc về trường học công lập.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, Dự án xây dựng trường học tại ô đất TH1 Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy - quận Thanh Xuân); tại 94 Lò Đúc, 63 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng; tại ô đất ký hiệu số 5 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy; tại địa điểm xây dựng trường mầm non công lập số 209 Tây Sơn, số 102 Trường Chinh, quận Đống Đa.
TP Hà Nội cũng thống nhất chấm dứt, dừng thực hiện đối với các dự án đầu tư, gồm: Dự án tòa nhà hỗn hợp dành một phần để bán tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm; dự án khu đô thị sinh thái Đại Thịnh tại các xã: Mê Linh, Văn Khê và Đại Thịnh, huyện Mê Linh; dự án khu đô thị mới Việt Á tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh; dự án khu đô thị BMC Thăng Long tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh; dự án khu nhà ở cao cấp Phương Viên tại các xã: Thạch Đà, Đại Thịnh, Văn Khê, Tam Đồng, huyện Mê Linh; dự án khu đô thị Quang Minh Bắc và dự án khu đô thị Quang Minh Nam tại huyện Thường Tín...
Ngoài ra, Hà Nội cũng thu hồi 7 dự án tại huyện Thạch Thất với tổng diện tích hơn 185 ha. Trong đó có 6 dự án tại xã Tiến Xuân và một dự án thuộc xã Yên Bình. Hai xã này từng thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, từ ngày 1/8/2008 được sáp nhập về Hà Nội, thuộc huyện Thạch Thất. 7 dự án đều được ký quyết định giao đất năm 2008, trước khi sáp nhập vào Hà Nội.
Theo Ông Nguyễn Minh Tấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách hằng năm khoảng 20.000-28.000 tỉ đồng, chiếm 15%-18% tổng nguồn thu ngân sách thành phố. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức 3.179 đoàn thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác quản lý đất đai. Qua thanh tra, thành phố đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỉ đồng và hơn 1.855 ha đất, kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt 465,2 tỉ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc.
Bình Dương khởi công thêm dự án nhà ở xã hội gần 1.000 căn hộ
Ngày 23/9, tỉnh Bình Dương đã khởi công xây dựng thêm khu nhà ở xã hội với quy mô gần 1.000 căn hộ tại phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Khu nhà ở xã hội có tên An Sinh được xây dựng trên khu đất có diện tích 2,7 ha, với 6 khối nhà cao 12 tầng với 978 căn hộ, tổng diện tích sàn hơn 83.000 m2.
Tại lễ khởi công, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương luôn hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với hàng loạt dự án. Thời gian tới, việc phát triển nhà ở xã hội tại Bình Dương sẽ có sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp bất động sản tư nhân.
Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ cung ứng căn hộ cho người lao động tại Bình Dương với mức giá vừa phải để thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Hiện tại, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch, bố trí thêm quỹ đất, phê duyệt cho nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia triển khai các dự án nhà ở xã hội. Thời gian tới, nhiều khu nhà ở giá rẻ quy mô lớn sẽ tiếp tục được xây dựng để tạo không gian sống tốt hơn cho người lao động ngoại tỉnh đến Bình Dương làm việc.
Trước đó, Bình Dương đã giao cho Tổng công ty Becamex IDC thực hiện giai đoạn đầu đã xây dựng được 47.500 căn hộ nhà ở xã hội. Hiện Becamex IDC tiếp tục mở rộng giai đoạn tiếp theo với tổng số 118.234 căn hộ ở khu vực đông công nhân lao động như thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng,…
Ngày 21/9 cũng tại Bình Dương, dự án nhà ở xã hội cao 30 tầng, gần 1.000 căn hộ tại phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An được Công ty cổ phần tập đoàn Lê Phong (doanh nghiệp tư nhân) ký kết hợp tác phát triển dự án. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý 4-2023.
Tính đến ngày 30/6/2022, Bình Dương đã đưa vào sử dụng 25 dự án nhà ở xã hội độc lập trên diện tích 140 ha với gần 1,4 triệu m2 sàn xây dựng, cung cấp trên 34.000 căn nhà ở xã hội.
Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Bình Dương cần khoảng 62.000 căn hộ với tổng diện tích gần 3 triệu m2 sàn để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hơn 117.000 người lao động. Giai đoạn 2026 – 2030, Bình Dương xây dựng thêm 2,7 triệu m2 sàn, đáp ứng nhu cầu cho 108.000 người.
Bà Rịa-Vũng Tàu thu hồi đất khu công nghiệp bỏ hoang
Ngày 23/9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quy định về thu hồi đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.
Theo đó, trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ đã giao kết trong hợp đồng thuê đất thì doanh nghiệp phải báo cáo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (đối với dự án trong khu công nghiệp), Sở Công Thương (đối với dự án trong cụm công nghiệp, làng nghề) tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập đoàn kiểm tra. Sau khi có kết quả, đoàn kiểm tra có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý.
Sau khi có kết luận của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định thu hồi diện tích đất vi phạm của bên thuê đất, thuê lại đất và giao cho doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, sử dụng và cho các nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất đối với diện tích đất Nhà nước đã thu hồi của bên thuê đất, thuê lại đất có vi phạm.
Nếu bên thuê đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) nhưng không giao nộp bản gốc khi bị thu hồi đất thì Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy sổ đỏ đã cấp; chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định; lập danh sách sổ đỏ đã bị hủy gửi Sở Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai để thông báo công khai trên Trang thông tin điện tử.
Đối với trường hợp sổ đỏ đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có trách nhiệm thông báo cho tổ chức tín dụng xử lý hợp đồng thế chấp và nộp lại sổ đỏ đã cấp theo quy định.
Trường hợp bên thuê đất của chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trước ngày 1/7/2014 mà không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng 36 tháng so với tiến độ sử dụng đất đã giao kết trong hợp đồng thuê đất thì doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Đồng Nai quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Amata mở rộng
Tại kỳ họp, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành đã trình bày các báo cáo thẩm tra và tờ trình về phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Amata mở rộng, TP Biên Hòa.
Đồng Nai quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Amata mở rộng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Khu công nghiệp Amata hiện hữu có diện tích khoảng 513ha, khu vực đề xuất mở rộng dự kiến có diện tích 27,2ha nằm ở phía Đông Bắc của khu công nghiệp. Hiện nay, Khu công nghiệp Amata có tỉ lệ lấp đầy là 100%, giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư thứ cấp.
Căn cứ vào quy hoạch phân khu B4 của TP Biên Hòa, Công ty CP Amata Việt Nam đề xuất quy hoạch mở rộng khu công nghiệp với cơ cấu sử dụng đất gồm 18,5ha đất công nghiệp; 5,4ha đất cây xanh; 3,3ha đất giao thông, bến bãi. Sau khi mở rộng, Khu công nghiệp Amata có diện tích hơn 540ha. Trong đó, đất công nghiệp cho thuê khoảng hơn 362ha còn lại là đất làm hạ tầng kỹ thuật, trồng cây xanh...
Theo Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đã được UBND tỉnh phê duyệt thì TP Biên Hòa sẽ tiếp tục tiến hành mở rộng 4 khu công nghiệp là Tam Phước, Amata, Giang Điền, Hố Nai giai đoạn 2. Trong đó, có 2 khu công nghiệp Giang Điền và Hố Nai thuộc địa bàn H. Trảng Bom,
Đất khu công nghiệp tại TP Biên Hòa được duyệt gần 1.800 ha, năm 2022 đề xuất tăng thêm gần 800 ha, cao hơn khoảng 151 ha so với quy hoạch được duyệt. Nguyên nhân là do chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 và điểm công nghiệp Tân Hiệp chưa thực hiện được nên vẫn tính trong chỉ tiêu hiện trạng đất công nghiệp.
Ngoài ra, từ nay đến năm 2030, TP Biên Hòa sẽ đưa vào quy hoạch sử dụng đất gần 200 ha để phát triển cụm công nghiệp nhằm ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư trong nước vào triển khai các dự án sản xuất nhiều ngành nghề.
Trong 5 năm tới, Đồng Nai sẽ chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để triển khai hàng loạt dự án về hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch, thương mại dịch vụ.
Nguồn: Tin bất động sản ngày 24/9: Những dự án nào trên “đất vàng” ở Hà Nội bị thu hồi?