Tin bất động sản ngày 27/9: Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Ciputra
Tin bất động sản ngày 26/9: Làm thế nào để giải quyết vấn đề thiếu nhà ở xã hội? Tin bất động sản ngày 25/9: Hà Nội kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm Luật Đất đai ở huyện Hoài Đức |
Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Ciputra
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu đô thị Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra) giai đoạn III, tỷ lệ 1/500 tại loạt ô đất quy hoạch ký hiệu CT05, CT06, NT01, TH02 thuộc địa bàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). Tổng diện tích các ô đất đề xuất điều chỉnh quy hoạch khoảng 84.301m2.
Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Ciputra/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong đó, ô đất ký hiệu CT05, diện tích 31.442m2, điều chỉnh chức năng từ đất ở cao tầng (chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại) thành đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại văn phòng kết hợp nhà ở cao tầng, đỗ xe) ký hiệu CT05-HH. Điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các ô đất thành mật độ xây dựng 35%, tầng cao 40 tầng.
Ô đất ký hiệu CT06, diện tích 28.187m2, điều chỉnh chức năng từ đất ở cao tầng (chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại) thành đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại văn phòng kết hợp nhà ở cao tầng) ký hiệu CT06-HH. Điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các ô đất thành mật độ xây dựng 35%, tầng cao 40 tầng.
Ô đất nhà trẻ, mẫu giáo ký hiệu NT01, diện tích 9.038m2 điều chỉnh thành đất mầm non và trường liên cấp (tiểu học - THCS) có ký hiệu NT01-LC. Công trình xây dựng hợp khối với chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc gồm: mật độ xây dựng 40%, tầng cao 5 tầng (khối mầm non) và 6 tầng (khối tiểu học - THCS).
Ô đất trường học ký hiệu TH02, diện tích 15.634m2, điều chỉnh thành trường liên cấp (THCS - THPT) ký hiệu TH02-TH có diện tích 14.034m2 và đất cây xanh ký hiệu TH02-CX có diện tích 1.600m2. Điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc ô đất trường học thành: mật độ xây dựng 40%, tầng cao 6 tầng.
Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn II, tỷ lệ 1/500 tại một số ô đất thuộc quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm.
Theo đó, nhiều ô đất nhà ở cao tầng tại khu đô thị này được điều chỉnh thành các ô nhà ở thấp tầng.
Cụ thể, các ô đất ký hiệu I.B.26-NO, I.C.36-NO, tổng diện tích khoảng 40.000 m2 có chức năng là đất nhà ở cao tầng được điều chỉnh thành các ô đất nhà ở thấp tầng ký hiệu TT-01 - TT-19; ô đất ký hiệu I.B.29-NO, diện tích hơn 35.400 m2 có chức năng là đất nhà ở cao tầng điều chỉnh chức năng thành nhà ở thấp tầng ký hiệu TT-20 - TT-37 có tổng diện tích khoảng 27.850 m2 và đường nội bộ có diện tích hơn 7.570 m2...
Đồng Nai mở bán hơn 1.000 hồ sơ dự án nhà ở xã hội
Từ ngày 5/10/2023 đến hết ngày 16/1/2024, Công ty Cổ phần Kinh doanh nhà Đồng Nai sẽ tiếp tục mở bán hồ sơ mua dự án nhà ở xã hội A6-A7, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Dự án Nhà ở xã hội A6-A7 có tổng cộng 348 căn nhà ở xã hội để bán với diện tích từ 43,8-65,8m2 và 87 căn nhà ở xã hội cho thuê có diện tích 49,8-62,2m2. Theo tiến độ, đầu năm 2025 dự án hoàn thành và bàn giao nhà.
Dự kiến giá bán sẽ dao động ở mức khoảng 19,8 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm chi phí bảo trì). Đối với giá cho thuê nhà ở xã hội khoảng 110.000 đồng/m2 (đã bao gồm thuế GTGT).
Sau khi ký hợp đồng, trong vòng 15 ngày, người mua sẽ đóng 30% giá trị hợp đồng. Số tiền còn lại được chia làm 6 đợt để đóng cho đến khi bàn giao căn hộ (dự kiến tháng 4/2025).
Được biết, hiện TP Biên Hòa có khoảng 7 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, có 2 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại phường Tân Hòa và phường Long Bình Tân.
UBND TP Biên Hòa đang thực hiện các thủ tục để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Một số dự án nhà ở xã hội từ quỹ đất 20% nhà ở thương mại tại các phường: Bửu Long, Phước Tân… cũng đang được các chủ đầu tư xúc tiến thực hiện.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2025 được tỉnh phê duyệt hồi tháng 5, Đồng Nai sẽ dành hơn 700ha đất để đầu tư xây dựng 66 dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Tổng mức đầu tư ước tính cần khoảng 10.155 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án hơn 4.800 tỷ ở Tây Hồ Tây sắp niêm yết cổ phiếu
Mới đây, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) cho biết đã chính thức trở thành công ty đại chúng từ ngày 20/9 vừa qua.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, lãnh đạo của Taseco Land từng chia sẻ định hướng niêm yết cổ phiếu công ty trong năm 2023.
Cũng tại đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023, Taseco Land cho biết đang triển khai và nghiên cứu đầu tư gần 30 dự án với quỹ đất trên 2.000 ha tại Hà Nội và các tỉnh thành tiềm năng khác, bao gồm bất động sản đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản khu công nghiệp.
Taseco Land tiền thân là Công ty CP đầu tư bất động sản An Bình được thành lập năm 2009 với vốn điều lệ 06 tỷ đồng. Đây là một đơn vị thành viên của Công ty CP Tập đoàn Taseco (Taseco Group) - một tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ phi hàng không và khách sạn, đầu tư tài chính.
Hiện, Taseco Land có vốn điều lệ 2.700 tỷ đồng. Trên thị trường bất động sản, Taseco Land được biết đến với các dự án như Tòa nhà NO2-T1 (hay dự án An Bình Complex), Tòa nhà NO1-T4, Tòa nhà NO3-T6 tại Khu đoàn Ngoại giao (Hà Nội); Khu nhà ở thấp tầng thuộc Khu đô thị mới Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ và căn hộ chung cư Alacarte Hạ Long; Khu đô thị kết hợp công viên cây xanh Green Park (Móng Cái, Quảng Ninh)...
Taseco Land cũng đang đầu tư dự án Landmark 55 thông qua công ty con là Taseco Invest. Đây là tổ hợp khách sạn 55 tầng và tòa tháp văn phòng 37 tầng nằm tại Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Dự án có quy mô 23.600 m2, tổng mức đầu tư 4.810 tỷ đồng.
Năm 2023, Taseco Land đặt mục tiêu kết quả kinh doanh hợp nhất doanh thu 3.418 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 641 tỷ đồng, tương ứng tăng 21% và 26% so với kết quả thực hiện năm 2022, cổ tức dự kiến chia tỷ lệ 15%.
Tính đến ngày 31/5/2023, công ty có 344 cổ đông, toàn bộ cổ đông của Taseco Land là nhà đầu tư trong nước.
Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Taseco (Taseco Group) là cổ đông tổ chức lớn nhất sở hữu 72,49% vốn. 343 cổ đông cá nhân còn lại nắm giữ 74,27 triệu cp, tương ứng 27,51% vốn.
Hà Tĩnh quy hoạch khu vực đô thị cửa ngõ phía Nam thành phố quy mô 120 ha
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu xây dựng xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, tỷ lệ 1/2.000 (giai đoạn 1).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, quy hoạch phân khu xây dựng xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, tỷ lệ 1/2.000 (giai đoạn 1) có diện tích hơn 120 ha, với phía Bắc giáp sông Rào Cái; phía Nam giáp thôn Bình Lý, xã Thạch Bình; phía Tây giáp sông Rào Cái; phía Đông giáp thôn Bình Yên, xã Thạch Bình.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng hợp lý quỹ đất.
Bên cạnh đó, tạo động lực phát triển đô thị phía Nam thành phố Hà Tĩnh, góp phần xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan đô thị văn minh; đáp ứng nhu cầu về phát triển đô thị, công trình công cộng, thương mại, đất ở cho thành phố; làm cơ sở pháp lý lập quy hoạch chi tiết và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Quy hoạch phân khu xây dựng xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, tỷ lệ 1/2.000 (giai đoạn 1) có tính chất là khu vực đô thị cửa ngõ phía Nam thành phố Hà Tĩnh, kết hợp xây dựng mới và chỉnh trang đô thị, có hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố Hà Tĩnh.
UBND thành phố Hà Tĩnh chịu trách nhiệm bố trí nguồn vốn lập quy hoạch; tổ chức phê duyệt dự toán chi phí khảo sát, lập quy hoạch; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xã Thạch Bình theo quy định.
Sở Xây dựng tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn UBND thành phố Hà Tĩnh triển khai thực hiện theo đúng quy định; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các nội dung liên quan.
Nguồn:Tin bất động sản ngày 27/9: Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị Ciputra