Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Thanh tra chỉ ra loạt sai phạm tại dự án Hà Nội Center Point của Hacinco
Tin bất động sản ngày 25/6: Quảng Ninh đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án Monbay Vân Đồn gần 1 tỷ USD Tin bất động sản ngày 24/6: Hà Nội trình danh mục nhà đất phải di dời khỏi nội thành vào tháng 7 |
Thanh tra chỉ ra loạt sai phạm tại dự án Hà Nội Center Point của Hacinco
Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7-CC (Hà Nội Center Point - 27 Lê Văn Lương, Hà Nội) do Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) làm chủ đầu tư.
Thanh tra chỉ ra loạt sai phạm tại dự án Hà Nội Center Point của Hacinco |
Theo tìm hiểu của PV, ngày 21/5/2004, UBND TP.Hà Nội có quyết định lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu ô đất 3.7-CC có địa chỉ là 27 - Lê Văn Lương là nhà ở cho thuê; mật độ xây dựng là 26,8%, cao 15-17-21 tầng.
Đến tháng 10/2008, UBND TP.Hà Nội có quyết định điều chỉnh ô đất 3.7-CC là ô góc tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy thành nhà ở cao 15-25 tầng. Đây là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Tháng 8/2013 và tháng 8/2015, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có các văn bản điều chỉnh ô đất 3.7-CC từ nhà ở thành hỗn hợp gồm văn phòng dịch vụ và nhà ở cho thuê; tăng mật độ xây dựng từ 26,8% lên 52%; tăng tầng cao từ 25 thành 32 tầng. Đây là điều chỉnh không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, làm phát sinh thêm dân số.
Theo kết luận thanh tra mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ: “Như vậy, UBND TP.Hà Nội 1 lần điều chỉnh; Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, đã điều chỉnh từ đất công cộng Thành phố thành nhà ở cho thuê, thành nhà ở, rồi thành hỗn hợp (văn phòng dịch vụ và nhà cho thuê), mật độ xây dựng từ 26% thành 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người”.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, trên giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng TP Hà Nội cấp ghi: “Hệ số sử dụng đất, màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng theo TMB, PAKT được Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận tại Văn bản 1608/QHKTP4 ngày 7/5/2014, nhưng Văn bản 1608/QHKT-P4 không có các nội dung này nên không có cơ sở cho việc triển khai xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng. Vi phạm điều 4 Nghị định 64/2012/NĐ-CP; Mẫu 4 Phụ lục 1, Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng”.
Về quản lý thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt, theo giấy phép xây dựng, kết luận thanh tra của Thanh tra bộ Xây dựng cũng chỉ ra: chủ đầu tư xây dựng sai giấy phép xây dựng là lắp dựng thêm 1 thang máy từ tầng 1 lên tầng 3, thay đổi vị trí phòng ban quản trị, vi phạm luật Xây dựng 2014.
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra, đây là trách nhiệm của UBND TP Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Đồng thời, đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.
HUD đề xuất tài trợ quy hoạch Khu nhà ở sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng gần 300 ha tại Lâm Đồng
Vừa qua, UBND thành phố Bảo Lộc phát đi Công văn số 1201/UBND-VP chỉ đạo giải quyết đề nghị của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà và Đô thị về việc nghiên cứu khảo sát và tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu 1/2000 tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, UBND thành phố Bảo Lộc giao phòng Tài chính - Kế hoạch là đầu mối, phối hợp với phòng Quản lý đô thị làm việc với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà và Đô thị để chuẩn bị nội dung, đề xuất thời gian làm việc với UBND thành phố và các sở, ngành có liên quan về việc tiếp nhận, sử dụng kinh phí tài trợ, tổ chức lập quy hoạch xây dựng, đô thị trên địa bàn.
Việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, định hướng quy hoạch chung và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040 và nhu cầu kinh phí hiện nay của địa phương.
UBND thành phố Bảo Lộc đề nghị Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà và Đô thị cử đầu mối liên hệ, phối hợp làm việc với phòng Tài chính-Kế hoạch và các phòng ban, đơn vị liên quan, để UBND thành phố sớm có kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2022.
Trước đó, ngày 7/6/2022, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) có văn bản số 1787/HUD-ĐT gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng về việc nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại thành phố Bảo Lộc.
Tại văn bàn này, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà và Đô thị (doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng) cho biết, hiện đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc hiện đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị được phê duyệt. Đồng thời tỉnh Lâm Đồng đang rà soát danh mục các khu vực cần lập quy hoạch để kêu gọi tài trợ kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Vì vậy, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà và Đô thị đề xuất được nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu nhà ở sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, quy mô từ 100 - 300 ha, làm cơ sở để đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư và bổ sung vào danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để kêu gọi đầu tư.
Quảng Bình quy hoạch xây dựng Đồng Hới thành đô thị du lịch
Sáng 23/6, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị để nghe báo cáo Đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Đồng Hới và vùng phụ cận giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.
Quảng Bình quy hoạch xây dựng Đồng Hới thành đô thị du lịch |
Theo báo cáo đồ án, phạm vi lập quy hoạch bao gồm TP Đồng Hới và khu vực phụ cận gồm các xã: Lương Ninh, Quán Hàu, một phần xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh), Lý Trạch, Nhân Trạch, một phần xã Nam Trạch (Bố Trạch). Diện tích phạm vi quy hoạch khoảng hơn 21.255ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2045 khoảng 300.000-350.000 người.
Trên cơ sở phân tích các phân khu chức năng đã hình thành; các chức năng còn thiếu hoặc chưa phát triển tương xứng, quy hoạch TP Đồng Hới và vùng phụ cận được định hướng phát triển toàn diện trên 4 hướng: hướng Đông du lịch biển; hướng Nam đô thị chất lượng cao; hướng Tây gắn với cao tốc Bắc-Nam phát triển đô thị nông nghiệp, logistic, công nghệ cao; hướng Bắc gắn với phụ cận sân bay, ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Đồ án cũng quy hoạch cụ thể 8 phân khu gắn liền với 4 hướng phát triển đô thị, đưa ra các giải pháp thực hiện; các nội dung điều chỉnh về quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật so với quy hoạch cũ năm 2012.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nhấn mạnh đồ án quy hoạch Đồng Hới phải bảo đảm quy mô, tầm vóc, định hướng phát triển lâu dài trong tương lai và không gian đô thị theo hướng hiện đại. Đồng thời, đồ án phải bảo đảm giữ gìn được các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của thành phố hoa hồng; bảo đảm an ninh - quốc phòng; khai thác tối đa thế mạnh không gian biển và 2 bên bờ sông Nhật Lệ, không gian sinh thái để phát triển bền vững.
Ông Thắng cũng chỉ đạo, cần phải rà soát, bố trí hợp lý các khu chức năng, các công trình hạ tầng; bố trí thêm các khu công viên cây xanh, rừng trong thành phố; bảo đảm các yêu cầu về phương án sử dụng đất; bảo đảm về hạ tầng giao thông; thoát nước, chống ngập, cảnh quan, môi trường sinh thái... đáp ứng sự phát triển và các tiêu chí của một đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Làm rõ việc chuyển nhượng dự án Gold Sea
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh ký công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Sở Tài chính, UBND TP Vũng Tàu làm rõ việc công nhận quyền sử dụng đất cho Công ty theo đề xuất tại văn bản số 4264/STNMT-CCQLĐĐ ngày 30/6/2021 của Chi cục Quản lý đất đai - Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. UBND tỉnh giao các Sở ngành, địa phương thống nhất phương án xử lý, tham mưu UBND tỉnh theo đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo làm rõ quá trình triển khai, việc cho phép chuyển nhượng dự án; Sở KH&ĐT đánh giá tính pháp lý của các văn bản chủ trương liên quan đến dự án theo quy định pháp luật tại thời điểm chấp thuận, gửi về Sở TN&MT tổng hợp.
Được biết, dự án chung cư thương mại Biển Vàng Vũng Tàu trước đây có tên thương mại là Gold Sea, do Công ty Cổ phần Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu (tên hiện nay là Công ty cổ phần bất động sản và Đầu tư VRC) làm chủ đầu tư.
Đến gần cuối năm 2015, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận cho Công ty cổ phần Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần Thương mại du lịch Vũng Tàu - Sài Gòn. Thương vụ chuyển nhượng này được thông tin có giá vào khoảng 120 tỉ đồng.
Dự án được Công ty Cổ phần Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu khởi công từ năm 2010. Tuy nhiên, đến tháng 12/2015, dự án Gold Sea chỉ mới xong 2 tầng hầm và đến phần sàn tầng 1.
Đến năm 2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Vũng Tàu - Sài Gòn đầu tư dự án chung cư thương mại Biển Vàng Vũng Tàu tại số 172 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu.
Theo văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án chung cư thương mại Biển Vàng Vũng Tàu được đầu tư xây dựng thành chung cư thương mại với diện tích xây dựng dự kiến khoảng 4.060 m2, tổng mức đầu tư khoảng 350 tỉ đồng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 38.250,5 m2 (không tính sàn mái và tầng hầm).
Thanh Hóa sắp có thêm quần thể đô thị nghỉ dưỡng hơn 373 ha
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có văn bản về việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 quần thể đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá, sau khi nhận được công văn của Văn phòng Tỉnh uỷ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ về việc này.
Thanh Hóa sắp có thêm quần thể đô thị nghỉ dưỡng hơn 373 ha |
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Hoằng Hoá tổ chức lập quy hoạch dự án nói trên với diện tích lập quy hoạch khoảng 373,7 ha. Trong khi đó, Sở Xây dựng Thanh Hóa có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Hoằng Hoá thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định.
Cuối năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng đô thị Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa đến năm 2030. Theo đó, khu vực này sẽ là một trong những trọng điểm du lịch biển của Thanh Hóa với các loại hình du lịch nghỉ mát, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ; là trung tâm dịch vụ thương mại, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy - hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
Theo quy hoạch này, đô thị Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa đến năm 2030 có phạm vi toàn bộ các xã Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Trường và một phần các xã Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoằng Phong. Tổng diện tích quy hoạch là 2.600 ha, quy mô dân số hiện trạng khoảng gần 28.000 người, dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 60.000 người.
Định hướng phát triển không gian, cải tạo đô thị theo hướng tây và nam, kết nối với TP Sầm Sơn để hình thành dải du lịch ven biển từ Hải Tiến đến Nghi Sơn.
Đồng thời, dựa trên các liên kết hiện có gắn kết phát triển du lịch biển với các thành phần kinh tế khác của đô thị để phát triển toàn diện kinh tế đô thị Hải Tiến và khu vực các xã ven biển còn lại, hướng tới việc hình thành đô thị loại 4 gồm 8 xã ven biển Hoằng Hóa trong tương lai sau năm 2030. Theo đó, hình thái đô thị được xây dựng theo hướng ven biển, phát triển mô hình du lịch, sinh thái bền vững.