Tin ngân hàng ngày 10/5: Tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền về
Tin bất động sản ngày 10/5: Sơn La khuyến cáo loạt dự án chưa được phép huy động vốn Tin ngân hàng ngày 9/5: Tăng cường quản lý hoạt động đại lý thu đổi ngoại tệ |
Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi hút tiền về
Số liệu của Tổng cục Thống kê đến 25/3, huy động vốn từ dân cư và tổ chức của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Ảnh minh họa |
Theo thông tin đưa ra tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước gần đây, đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5 điểm % so với cuối năm ngoái.
Theo giới phân tích, ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút lượng tiền gửi.
Với làn sóng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, các chuyên gia cho rằng, lãi suất đã chạm đáy và sẽ đi lên.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra dự báo về sự tăng nhẹ trở lại của lãi suất tiết kiệm.
Nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra dự báo, mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhiều khả năng đã tạo đáy và có thể nhích nhẹ trong thời gian còn lại của năm.
Lãi suất huy động được các nhà phân tích tại Wigroup dự báo sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong nửa cuối năm nay.
Các chuyên gia của Chứng khoán MB (MBS) dự báo cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
"Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50-70 điểm cơ bản, quay về mức 5,1-5,3% trong nửa sau năm 2024", MBS nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho rằng, lãi suất sẽ nhích lên nhưng không nhiều. Theo ông Hưng, lãi suất sẽ tăng 1%/năm, còn bình thường chỉ 0,3-0,5%/năm.
Đồng quan điểm, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, cũng cho rằng, mức tăng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều, dù khả năng lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý.
Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh kiểm soát chi
Kho bạc Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ thanh toán chi trả cá nhân qua tài khoản tại 2 ngân hàng là BIDV và Agribank.
Kho bạc Nhà nướccho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng Đề án chi trả trợ cấp cho các đối tượng an sinh xã hội từ nguồn ngân sách nhà nước qua tài khoản an sinh gắn với mã định danh mở tại Kho bạc Nhà nước để theo dõi số ngân sách đã chi cho từng đối tượng theo quy định.
Bên cạnh đó sẽ, triển khai thí điểm dịch vụ thanh toán chi trả cá nhân qua tài khoản tại 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Kho bạc Nhà nước cho biết, 4 tháng đầu năm đã thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư công đạt hơn 111 nghìn tỷ đồng.Theo đó, trong chi thường xuyên, lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2024,Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát ước đạt 307.125 tỷ đồng, bằng 24,2% dự toán chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Với chi đầu tư, tính đến ngày 30/4 lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 là 111.017,7 tỷ đồng, bằng 16,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 657.601,7 tỷ đồng), bằng 15,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND Tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 696.343,5 tỷ đồng).
Cụ thể, vốn trong nước thanh toán là 109.035,1 tỷ đồng (bằng 17,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước; bằng 16,1% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước); vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua Kho bạc Nhà nước là 1.982,6 tỷ đồng (bằng 9,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước).
Khởi tố thêm 4 đối tượng trong đường dây "nhân viên ngân hàng mua bán giấy tờ giả"
Ngày 9/5, Công an quận Đống Đa đã khởi tố thêm 4 đối tượng liên quan gồm Trần Quốc Hiếu (SN 1988, trú tại Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) và Lê Mai Giang (SN 1988, trú tại Chi Lăng, Lạng Sơn) về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tồ chức; Bùi Tấn Hoàng (SN 1999, trú tại An Thịnh, Văn Yên, Yên Bái) và Mai Văn Khánh (SN 1992, trú tại Quy Kỳ, Định Hóa, Thái Nguyên) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo tài liệu điều tra, Trần Quốc Hiếu đã liên hệ đặt mua sao kê và hợp đồng lao động giả của Nguyễn Hữu Hoàng nhằm mục đích mở thẻ tín dụng cho khách hàng. Hiếu đã mua với giá 2 triệu đồng/một tờ sao kê và 500.000 đồng/một tờ hợp đồng lao động.
Tổng số tiền Hiếu mua giấy tờ giả là 15 triệu đồng. Sau khi đặt mua giấy tờ giả, Hiếu đã mở thành công 5 thẻ tín dụng ở ngân hàng LPBank, hưởng lợi số tiền 107 triệu đồng.
Đối với Bùi Tấn Hoàng và Mai Văn Khánh là khách hàng được Hiếu hỗ trợ mua giúp giấy tờ để "làm tròn" hồ sơ. Hiếu đã mở thành công cho Hoàng một thẻ tín dụng 80 triệu đồng, còn Khánh nhận được một thẻ tín dụng 80 triệu đồng.
Sau khi sử dụng giấy tờ giả để mở thành công hai thẻ tín dụng, các đối tượng này đã sử dụng hết tiền, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, không thực hiện trả lãi và gốc theo quy định.
Còn Lê Mai Giang đã mua giấy tờ giả của Nguyễn Hữu Hoàng và sử dụng để đăng ký vay tín chấp mở 12 thẻ tín dụng đứng tên 8 trường hợp với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Giang chỉ thông báo với khách hàng ½ số tiền trong các khoản tín dụng đã mở thành công, số còn lại Giang chiếm đoạt, tức khoảng gần 800 triệu đồng.
Trước đó, Cơ quan điều tra Công an quận Đống Đa đã khởi tố bị can đối với Lê Hữu Hoàng và 9 đối tượng về các hành vi Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Quá trình điều tra mở rộng vụ án đã làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của 4 đối tượng nên trên.
Hiện Công an quận Đống Đa đang tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định
Giải ngân 174.000 tỷ đồng từ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, sau 4 tháng linh hoạt triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các ngân hàng đã giải ngân 174.000 tỷ đồng vốn tín dụng, cho hơn 42.000 khách hàng.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (tổng số vốn đăng ký gần 510.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay ngắn hạn ưu đãi khoảng 4%/năm) của 17 ngân hàng trên địa bàn đăng ký từ đầu năm, đã giải ngân đạt 174.000 tỷ đồng, chiếm 34% quy mô gói, cho hơn 42.000 khách hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, với việc tổ chức chương trình theo cụm, khu vực các quận, huyện gắn với số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã tiếp cận chính sách và được hỗ trợ về vốn, lãi suất; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; giải ngân các gói tín dụng ưu đãi… được thuận lợi hơn.
Riêng việc tổ chức chương trình từ hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp kết hợp giữa quận 3, 10 và Tân Bình, tổng số tiền cho doanh nghiệp vay hỗ trợ đạt 7.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo cụm, khu vực còn nâng cao hiệu quả quản lý, cũng như công tác phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh với Sở Công Thương, UBND các quận, huyện và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố; vừa tiết giảm thời gian vừa tiết giảm chi phí tổ chức.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 10/5: Tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền về