Tin ngân hàng ngày 1/3: Lãi suất tiền gửi tiếp tục hạ nhiệt
Tin ngân hàng ngày 28/2: Người về hưu có thể được vay vốn lên đến 500 triệu đồng Tin ngân hàng ngày 27/2: Cần đồng bộ giải pháp xử lý nợ xấu |
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt, mức lãi suất cao nhất 9,5%/năm chỉ còn lại số ít.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo tìm hiểu, kể từ giữa tháng 2 đến nay các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiết kiệm. Techcombank giảm mạnh lãi suất kể từ ngày 18/2. Lãi suất cao nhất giảm từ 9,2% xuống còn 8,7% (tương đương mức giảm 0,5%) ở kỳ hạn 24 tháng.
GPBank giảm lãi suất tiết kiệm từ ngày 14/2/2023. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm từ 9,5% xuống 9,1%. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm từ 9,3% xuống 8,9%.
Đến cuối tháng 2, với kỳ hạn 12 tháng, có 7 ngân hàng áp dụng lãi suất 9,5%, gồm Bảo Việt Bank, Đông Á Bank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, PVCombank, SCB, Việt Á Bank. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất ghi nhận được tới thời điểm hiện tại.
Xếp sau nhóm 9,5%/năm, các ngân hàng NCB, Bắc Á Bank, MSB, Saigonbank trả lãi 9,4 - 9,45%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngoài ra, còn có nhiều ngân hàng khác niêm yết lãi suất từ 9%/năm trở lên cho kỳ hạn 12 tháng: là PVComBank, OCB, VPBank, VietBank, HDBank, ABBank, GPBank, OceanBank, VietcapitalBank, LienVietPostBank.
Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi cao nhất thị trường ghi nhận tại SCB và PVCombank là 9,5%/năm. Top 10 nhà băng trả lãi cao nhất đều trên mức 9%/năm.
Tại kỳ hạn 3 tháng, nhiều ngân hàng trả lãi 6%/năm, duy trì ổn định suốt thời gian qua.
4 ngân hàng TMCP Nhà nước niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thấp nhất ở mức 7,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và trên 8% đối với hình thức gửi tiền online. Trong đó, Agribank và Vietcombank đang là hai ngân hàng duy trì lãi suất huy động mức thấp nhất thị trường.
Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng đang rục rịch giảm lãi suất cho vay. Tuần trước, các ngân hàng MB, Sacombank, Techcombank, SeABank...đã thông báo dành các gói tín dụng ưu đãi cho nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Mới đây, Agribank cũng thông báo giảm lãi suất cho vay bất động sản, mức giảm tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, lãi suất được giảm không thấp hơn mức cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.
Yêu cầu kiểm tra thông tin “Ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo”
Ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công văn số 1251/VPCP-KTTH yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra thông tin “Ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo”.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ nhận được Báo cáo số 96/2023/TTĐT ngày 20/2/2023 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ báo cáo về thông tin, báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về "Ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo" theo báo điện tử Zing News ngày 19/2/2023.
Bài báo thông tin: Chỉ trong nửa đầu tháng 2, hàng loạt ngân hàng như Agribank, VietinBank, BIDV, NCB, Sacombank... liên tục rao bán các khoản nợ, tài sản đảm bảo để thu hồi và xử lý nợ xấu. Trong đó, tài sản được mang ra đấu giá chủ yếu là bất động sản. Đáng chú ý, bên cạnh các khoản nợ có giá trị lớn từ vài trăm tỉ cho tới cả nghìn tỉ đồng, các nhà băng còn rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo với giá trị chỉ từ vài chục nghìn đồng.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra thông tin trên.
16 ngân hàng cam kết cho 64 doanh nghiệp vay khoảng 11.000 tỉ đồng lãi suất từ 7%/năm
Ngày 28-2, UBND TP HCM đã tổ chức Hội nghị Đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp với chủ đề: "Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển".
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị, cùng sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban ngành, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, các hiệp hội ngành nghề, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức và khoảng 400 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Phản ánh tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang phải vay vốn với lãi suất khá cao và khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp trong hội đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy % và trong hội có doanh nghiệp "đang phải khóc vì lãi suất cao". Có doanh nghiệp khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất thì biên độ cộng thêm tới 4,8%/năm khiến lãi suất cho vay sau điều chỉnh tăng cao.
"Một vài doanh nghiệp khác ngân hàng đã cam kết giải ngân nhưng khi doanh nghiệp đã mở thư tín dụng, hàng nhập về cảng nhưng vốn chưa giải ngân kịp khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí kho bãi…" - ông Tống kể. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị nhà nước có chính sách để sớm hạ nhiệt lãi suất.
Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn, chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp năm nay tiếp tục có sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại. Cụ thể, tại hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp ngày 28/2, có 16 ngân hàng thương mại tại TP HCM đã ký cam kết cho 64 doanh nghiệp vay 11.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung, dài hạn 10%/năm.
Trước đó, năm 2022, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã giải ngân đạt 568.340 tỉ đồng cho 32.500 khách hàng, tăng 16,65% so với năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận định cần nhiều cuộc đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp, không phải để chỉ trích mà hiểu nhau để cùng hợp tác, đồng hành. Các cơ quan ban ngành của thành phố cũng cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, không chỉ có các ngân hàng.
Cấp room tín dụng 2023 cho các ngân hàng
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mục tiêu này nhỉnh hơn đôi chút so với định hướng ban đầu của năm 2022 (14%). Thậm chí nếu điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, room tăng trưởng tín dụng của MSB năm nay được cấp là 13,5% tăng so với năm 2022 là 9,5%. Đây cũng là ngân hàng duy nhất được cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2022.
Còn lại các ngân hàng: HDBank được cấp room là 11% giảm so với 15% của năm 2022. Tương tự, ACB là 9,8% so với năm 2022 là 10%; VIB là 9,5% so với năm ngoái là 10%; TPBank là 9,1% thấp hơn so với năm 2022 là 11,5%; VPBank và MBB cùng ở tỉ lệ là 9% so với năm trước là 15%...
Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011. Hàng năm, NHNN thường dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý I, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành.
Trong năm 2022, NHNN cũng đã cấp room tín dụng ban đầu cho các ngân hàng vào quý I và có 3 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong những tháng cuối năm.
NHNN cho biết, cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng TCTD; trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của TCTD, NHNN sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01.
Cũng theo NHNN, việc thông báo và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng TCTD căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng TCTD đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung).
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 1/3: Lãi suất tiền gửi tiếp tục hạ nhiệt