Tin ngân hàng ngày 28/2: Người về hưu có thể được vay vốn lên đến 500 triệu đồng
Tin ngân hàng ngày 27/2: Cần đồng bộ giải pháp xử lý nợ xấu Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Các tổ chức tín dụng không “áp” chỉ tiêu bán bảo hiểm với nhân viên |
Người về hưu có thể được vay vốn lên đến 500 triệu đồng
Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) tiếp tục triển khai "Tín dụng Hưu trí" - một trong những sản phẩm tiên phong dành cho khách hàng tuổi Hưu của LienVietPostBank.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo Lãnh đạo Ngân hàng, đây là sản phẩm tín dụng đặc trưng của LienVietPostBank, được ngân hàng xây dựng và triển khai từ năm 2014 trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu, thói quen giao dịch riêng của khách hàng hưu trí trên hệ thống Chi nhánh, PGD của ngân hàng.
Theo đó, khách hàng tuổi hưu có thể vay vốn với hạn mức lên tới 500 triệu đồng với mức lãi suất vô cùng cạnh tranh, thời hạn vay dài đến 5 năm, độ tuổi cho vay tối đa được mở rộng lên tới 75 tuổi.
Đặc biệt, để thuận lợi và an toàn cho các khách hàng đang vay Tín dụng Hưu trí, LienVietPostBank còn cung cấp sản phẩm thẻ ATM Hưu trí với nhiều ưu đãi lớn giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian, dễ dàng nhận lương dù ở bất cứ nơi đâu và chủ động trong việc thanh toán khoản vay cũng như giao dịch thường ngày.
"Với sản phẩm Tín dụng Hưu trí, chúng tôi mong muốn cung cấp cho khách hàng gói giải pháp tài chính tiện ích để bổ sung nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp khách hàng là người cao tuổi có thể tự chủ tài chính sau khi về hưu, chủ động khi tiếp tục tham gia sản xuất kinh doanh tại gia đình hoặc cùng con cháu, hoặc chỉ đơn giản nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hợp pháp như xây sửa nhà, mua sắm, hỗ trợ con cái…", lãnh đạo LienVietPostBank cho biết.
Đặc biệt, với lợi thế mạng lưới phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước, khách hàng độ tuổi hưu của ngân hàng Bưu điện Liên Việt tại tất cả khu vực vùng sâu, vùng xa có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại, an toàn một cách nhanh chóng và thuận tiện.
"Khác với trước đây khi mọi người phải ra phòng giao dịch lấy số, xếp hàng, điền rất nhiều loại giấy tờ mới có thể hoàn thành thủ tục vay vốn, LienVietPostBank có chính sách riêng dành cho người cao tuổi có thể dễ dàng để tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng với thủ tục đơn giản, nhanh chóng và không cần phải đi lại nhiều lần do việc cung cấp sản phẩm được ngân hàng tư vấn cung cấp tại các phòng giao dịch của ngân hàng và tại các điểm chi trả lương hưu trên địa bàn cả nước", lãnh đạo này cho biết.
Tăng mức đệm vốn để đảm bảo an toàn cho các ngân hàng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%) của các ngân hàng đang ở mức thấp.
Cụ thể tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đạt 12,29%; còn khối NHTM có vốn nhà nước đạt 9,04%.... Các mức này chỉ nhỉnh hơn một chút so với quy định tối thiểu tại Basel II.
Duy nhất có nhóm ngân hàng nước ngoài có hệ số CAR đạt 18,61% (tương đồng so với mức bình quân trong khu vực).
Theo Chứng khoán VNDirect, hệ số CAR đã ghi nhận cải thiện tốt trong những năm gần đây, khi các ngân hàng đang từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai.
Hiện có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II, trong đó, 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Một số ít ngân hàng đã bắt đầu chuyển sang đáp ứng những tiêu chuẩn của Basel III. Những động thái này sẽ giúp các ngân hàng quản trị rủi ro và vốn hiệu quả hơn.
Mặc dù đã có những cải thiện nhưng bộ đệm vốn của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.
Các chuyên gia tài chính Việt Nam cho rằng, CAR của các ngân hàng tại Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực. Chưa kể các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, trong khi các NHTM Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel 2.
Mức đệm vốn của các tổ chức tín dụng ở mức thấp sẽ làm hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực từ các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng vốn của các ngân hàng, đặc biệt các NHTM có vốn nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.
Chí vì bộ đệm vốn của các ngân hàng Việt Nam còn thấp, ngoài việc đảm bảo hệ số CAR, thì các chuyên gia tài chính cho rằng, việc tăng vốn là nhu cầu bức thiết của các ngân hàng trên con đường hướng tới mức Basel III.
Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng củng cố được tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, cũng như có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Hơn 568 nghìn tỷ đồng lãi suất thấp được giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp tại TPHCM
Chiều ngày 27/2, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại TPHCM trong năm 2022, có 13 ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đăng ký gói tín dụng ưu đãi, với quy mô đạt 434.280 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thông qua chương trình này, các NHTM đã giải ngân đạt 568.340 tỷ đồng, bằng 131% gói tín dụng ưu đãi đăng ký từ đầu năm và tăng 16,6% so với năm 2021. Điều này cho thấy, chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp khi tiếp cận được vốn tín dụng với lãi suất cho vay thấp ở mức cho vay ngắn hạn VND khoảng 6%/năm và trung, dài hạn khoảng 10%/năm.
Cũng theo ông Lệnh, số tiền giải ngân để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2022 tăng so với gói tín dụng các NHTM cam kết là nhờ sự nỗ lực, trách nhiệm và sẻ chia của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, cùng với sự chủ động, sáng tạo trong phối hợp tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Cụ thể, NHNN chi nhánh TPHCM đã phối hợp Sở Công Thương, UBND các quận - huyện và TP Thủ Đức tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chuyên đề: hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất… đã mang lại hiệu quả cao, tính lan tỏa và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Đơn cử như việc ký kết trực tiếp tại hội nghị trên địa bàn các quận - huyện và TP Thủ Đức trong năm 2022 đạt 11.416 tỷ đồng, gồm hỗ trợ vốn lãi suất thấp và cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn giúp doanh nghiệp tại các địa phương vượt qua khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, trong năm qua, ngành ngân hàng thành phố đã phối hợp với Sở Du lịch TPHCM, Sở NN-PTNT TPHCM và các quận - huyện và TP Thủ Đức, tổ chức 12 hội nghị đối thoại và kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, tháo gỡ và xử lý trực tiếp cho 938 doanh nghiệp phản ánh khó khăn và có nhu cầu về vốn, nhưng tiếp cận vốn tín dụng gặp khó (số liệu lũy kế đến nay).
Nam A Bank đặt mục tiêu lãi trước thuế 2,400 tỷ đồng trong năm 2023
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, UPCoM: NAB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ 2023 với các kế hoạch kinh doanh, niêm yết, tăng vốn và phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, NAB đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 205,000 tỷ đồng, tăng 15.4% so với đầu năm.
Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 155,000 tỷ đồng, tăng 12.8% so với đầu năm.
Dư nợ vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 132,000 tỷ đồng, tăng 10.4% và đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.
Trong năm 2023, NAB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2,400 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm trước. Mức lợi nhuận này được tính toán dựa trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đạt được kế hoạch đề ra và phù hợp với quy định của NHNN, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định.
NAB cũng đề ra giải pháp chuyển đổi mô hình kinh doanh sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ, nhằm tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng cơ cấu thu nhập. Đảm bảo thu nhập dịch vụ tăng 1.7-1.8 lần/năm, từng bước đưa tỷ lệ thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập đạt mốc 16-17% vào năm 2025.
Tối ưu hóa việc sử dụng room tín dụng tập trung vào nhóm khách hàng bán lẻ và thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, nâng dần tỷ trọng cấp tín dụng xanh theo chủ trương của NHNN.
HĐQT NAB cũng trình ngân sách hoạt động (thù lao, thưởng, các chi phí khác) của HĐQT, BKS trong năm tài chính 2023 là 3% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của năm 2023, tối thiểu 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 từ mức 6,564 tỷ đồng lên 10,564 tỷ đồng.
Đồng thời, HĐQT trình phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2023 thêm 2,116 tỷ đồng từ việc phát hành hơn 211.6 triệu cp để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 25%. Vốn điều lệ được tăng từ mức 8,464 tỷ đồng lên 10,580 tỷ đồng.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 28/2: Người về hưu có thể được vay vốn lên đến 500 triệu đồng