Tin ngân hàng ngày 1/3: Thêm nhiều nơi điều chỉnh lãi suất tiết kiệm
Tin ngân hàng ngày 29/2: VietinBank thanh lý nhà đất thế chấp món nợ 1.500 tỷ Tin ngân hàng ngày 28/2: Một số nhà băng “ngược dòng” tăng lãi suất trở lại |
Thêm loạt ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm
Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) chính thức điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp kể từ ngày 29/2/2024.
Ảnh minh họa |
Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất của ngân hàng NCB, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp là 5%/năm, cho kỳ hạn 18 tháng-36 tháng với hình thức lĩnh lãi cuối cùng, giảm 0,2 điểm %.
Ở kỳ hạn 6-13 tháng, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất từ 4,05-4,6%/năm, cũng giảm trung bình 0,2-0,4 điểm %.
Đối với khách hàng cá nhân, mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18-60 tháng, giảm 0,15 điểm % so với lần điều chỉnh hồi đầu tháng 3.
NCB áp dụng lãi suất huy động các kỳ hạn 1-5 tháng từ 3,3-3,5%/năm, giảm 0,6 điểm %. Đây là kỳ hạn giảm sâu nhất. Lãi suất huy động các kỳ hạn 6-8 tháng được NCB giữ ở mức 4,55%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng là 4,65%/năm, giảm trung bình 0,15 điểm %.
Trước đó, ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm của ngân hàng CBBank đang áp dụng, mức lãi suất cao nhất là 4,8%/năm cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, giảm 0,4 điểm % so với lần điều chỉnh gần nhất.
Mức lãi suất thấp nhất là 3,5%/năm cho kỳ hạn 1-2 háng, giữ nguyên so với lần thay đổi gần đây. Ở kỳ hạn 3-5 tháng, mức lãi suất giữ nguyên 3,7%/năm. Tuy nhiên đối với kỳ hạn 6 tháng - 12 tháng, mức lãi suất giảm trung bình 0,4 điểm %/
Trong khi đó, HDBank lại "ngược dòng", điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất của ngân hàng HDBank, mức lãi suất cao nhất hiện là 5,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng, cao hơn 0,1 điểm % so với lần điều chỉnh trước. Trong khi đó, ở kỳ hạn 24-36 tháng, mức lãi suất cũng tăng 0,1 điểm % lên 5,5%/năm.
Đối với kỳ hạn 15 tháng, lãi suất áp dụng là 5,6%/năm, tăng 0,1 điểm %.
Từ kỳ hạn 1-5 tháng, 6 tháng, 7-11 tháng và 12 tháng, lãi suất giữ nguyên so với kỳ hạn trước. Mức lãi suất tương ứng là 2,95%/năm; 4,6%/năm; 4,8%/năm.
Đáng chú ý, đối với các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, HDBank sẽ áp dụng mức lãi suất 7,7%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng và 8,1%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng.
Trước đó, một số ngân hàng đồng loạt công bố điều chỉnh lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, trong đó có cả những "ông lớn" như MB, Techcombank, VPBank... Ngoài ra còn có các ngân hàng khác như SeABank, Sacombank, BVBank…
SCB tiếp tục đóng cửa phòng giao dịch
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa có thông báo chấm dứt hoạt động của phòng Giao dịch Nam Kỳ Khởi Nghĩa - chi nhánh Bến Thành (TP HCM) sau khi đã đóng cửa loạt phòng giao dịch hồi đầu năm.
Theo đó, phòng Giao dịch Nam Kỳ Khởi Nghĩa - chi nhánh Bến Thành có địa chỉ tại số 225 Bis Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM đã chấm dứt hoạt động (giải thể) từ ngày 23/2.
Phòng giao dịch Nam Kỳ Khởi Nghĩa là phòng giao dịch thứ 6 bị đóng cửa trong năm 2024. Trước đó, từ 3-5/1/2024, SCB đã đóng cửa 5 phòng giao dịch tại TP HCM và Đà Nẵng.
SCB khẳng định mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB.
Trước thời điểm bị kiểm soát đặc biệt vào tháng 10/2022, SCB có một hội sở chính, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Tuy nhiên, sau khi vụ án Vạn Thịnh Phát bị khởi tố, SCB bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt và ngân hàng liên tục đóng cửa, dừng hoạt động các điểm giao dịch. Đến nay, nhà băng này chỉ còn 89 điểm giao dịch.
Cụ thể, SCB chi nhánh TP HCM đã đóng cửa 32 phòng giao dịch, Hà Nội đóng 7 phòng giao dịch, Hải Phòng đóng 1 phòng giao dịch, Nghệ An đóng 1 phòng giao dịch, Bình Định đóng 1 phòng giao dịch, Đồng Nai đóng 1 phòng giao dịch, Đà Nẵng đóng 5 phòng giao dịch, Gia Lai đóng 1 phòng giao dịch, Long An đóng 1 phòng giao dịch, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng 1 phòng giao dịch, An Giang đóng 1 phòng giao dịch.
MSB chốt ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền tham dự ĐHCĐ
Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị phê duyệt tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền tham dự Đại hội là 08/03/2024.
Theo kế hoạch được phê duyệt trong Nghị quyết, MSB dự kiến tổ chức đại hội cổ đông lần thứ 32 vào ngày 10/4/2024 tại Hà Nội. Dự kiến đại hội sẽ thông qua các báo cáo hoạt động kinh doanh, thành tựu của năm 2023, kế hoạch kinh doanh trong năm 2024 và các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông, đồng thời bầu bổ sung 02 thành viên Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ VII (2022 - 2026).
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, MSB đã có kết quả kinh doanh khá lạc quan. Theo đó, tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của MSB đạt hơn 267 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đạt 22,43% thuộc nhóm cao nhất ngành. Tổng tiền gửi khách hàng tại ngày 31/12/2023 là trên 132 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số dư CASA chiếm 26,54% tổng huy động vốn, đứng top 4 thị trường.
Tổng thu nhập thuần hoạt động của MSB năm 2023 đạt xấp xỉ 12,3 nghìn tỷ đồng trong năm qua, tăng 15% so với năm 2022. Thu nhập lãi thuần đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,6 nghìn tỷ. Lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối cũng tăng nhẹ 7% so với năm trước, đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.
Kết thúc 2023, tổng thu thuần hoạt động của MSB tăng trưởng 15%, cao hơn mức 9% của chi phí hoạt động, đưa chỉ số chi phí/doanh thu (CIR) của Ngân hàng xuống mức 39,16%, thấp hơn 2,23 điểm % so với cuối năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.830 tỷ đồng.
Giải ngân 900 tỷ đồng tín dụng mua máy tính và thiết bị trực tuyến cho học sinh
Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân hơn 900 tỷ đồng chương trình tín dụng chính sách vay mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Ảnh minh họa |
Chương trình tín dụng chính sách vay mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến thực hiện theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ và sẽ chính thức chấm dứt từ 30/3/2024.
Quyết định 09 được ban hành trong giai đoạn nhu cầu học tập trực tuyến tăng cao do các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Quyết định 09, đối tượng vay vốn bao gồm học sinh các cấp đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và sinh viên đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam đáp ứng các điều kiện.
Điều kiện được hưởng là các học sinh, sinh viên chưa có máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (có bố hoặc mẹ hoặc bố và mẹ mất do dịch Covid-19).
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 02/2024/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định 09, có hiệu lực thi hành từ cuối tháng 3/2024.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 1/3: Thêm nhiều nơi điều chỉnh lãi suất tiết kiệm