Tin ngân hàng ngày 14/12: Vietcombank thay đổi dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/1/2024
Tin ngân hàng ngày 13/12: Tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà, thấp nhất dưới 6%/năm Tin ngân hàng ngày 12/12: Nhóm nào có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh? |
Vietcombank thay đổi dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/1/2024
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) vừa thông báo điều chỉnh biểu phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua tin nhắn SMS từ ngày 1/1/2024.
Theo đó, ngân hàng sẽ chính thức dừng gửi tin nhắn biến động số dư với các giao dịch có giá trị dưới 50 nghìn đồng.
Vietcombank thay đổi dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/1/2023/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đối với dịch vụ SMS chủ động, ngân hàng sẽ tính phí theo số lượng tin nhắn phát sinh trong tháng. Nếu dưới 20 tin nhắn/tháng/số điện thoại, phí dịch vụ là 10.000 đồng/tháng/số điện thoại. Trên 20 tin nhắn/tháng/số điện thoại, Vietcombank thu phí theo số lượng tin nhắn thực tế phát sinh trong tháng với mức phí 700 đồng/tin nhắn. Các mức phí này chưa bao gồm VAT.
Trước đó, Vietcombank áp dụng 10.000 đồng/tháng/số điện thoại cho phí SMS chủ động. Đây là dịch vụ nhận thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ quốc tế, lịch trả gốc vay, lãi vay… qua tin nhắn SMS.
Như vậy, nếu khách hàng phát sinh trên 20 tin nhắn, số phí dịch vụ phát sinh sẽ cao hơn 10.000 đồng. Chẳng hạn, nếu khách hàng phát sinh khoảng 100 tin nhắn, tiền phí dịch vụ SMS chủ động trong tháng lên tới 77.000 đồng (đã bao gồm VAT).
Vietcombank cũng cho biết, nếu không có nhu cầu tiếp tục sử dụng dịch vụ SMS chủ động, khách hàng có thể soạn tin nhắn theo cú pháp VCB CD HUY gửi 6167 và tải ứng dụng (APP) VCB Digibank để chuyển sang nhận thông báo biến động số dư qua ứng dụng miễn phí.
Đáng chú ý, Vietcombank cho hay, để đồng hành cùng khách hàng, trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/03/2024, Vietcombank miễn phí 1 tháng dịch vụ nhận tin nhắn SMS chủ động đối với các khách hàng không có nhu cầu tiếp tục duy trì và thực hiện hủy dịch vụ. Mỗi khách hàng được miễn phí 1 lần duy nhất vào tháng hủy dịch vụ (trường hợp khách hàng đăng ký sử dụng lại dịch vụ SMS chủ động tại bất cứ thời điểm nào, Vietcombank sẽ thực hiện thu phí theo biểu phí có hiệu lực tại thời điểm khách hàng đăng ký lại thành công).
Hơn 564 triệu cổ phiếu VietinBank sắp về tài khoản nhà đầu tư
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) vừa thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết từ 4,805 tỷ cổ phiếu lên gần 5,37 tỷ cổ phiếu. Trước đó, VietinBank đã hoàn thành việc phát hành thêm hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 11,74% từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020.
Số cổ phiếu này dự kiến được chuyển giao cho cổ đông trong tháng 1/2024 và không bị hạn chế chuyển nhượng.
Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ tăng VietinBank đã tăng lên 53.700 tỷ đồng,đứng thứ ba trong nhóm Big4, cao hơn Agribank và thấp hơn BIDV, Vietcombank.
Theo VietinBank, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.
Được biết, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016. Cụ thể, ngân hàng sẽ dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ đơn vị. Với tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 22,96%, vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.
Về việc phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận riêng lẻ sau thuế là 16.379 tỷ đồng, ngân hàng sẽ trích 5% cho quỹ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và hơn 2.300 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi. Sau khi trích các quỹ bắt buộc, lợi nhuận còn lại là 11.521 tỷ đồng sẽ được dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chuẩn bị thực hiện quy định mới về thủ tục hành chính lĩnh vực ngân hàng
Ngày 14/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ký quyết định số 2183/QĐ-NHNN về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng thực hiện tại bộ phận một cửa thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN chính thức có hiệu lực thi hành
Theo đó, Cơ quan Thanh tra giám sát thuộc NHNN thực hiện một số thủ tục gồm: thủ tục đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần; thủ tục đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài; thủ tục đề nghị cấp giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đơn vị này cũng thực hiện thủ tục chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp tại ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.
Quyết định số 2183 cũng có quy định về kế hoạch đầu tư tài chính cho công nghệ thông tin trong đề án thành lập ngân hàng. Theo đó, hệ thống công nghệ thông tin phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại và các quy định của NHNN.
Về khả năng áp dụng công nghệ thông tin, trong quyết định nêu rõ: thời gian thực hiện đầu tư công nghệ; loại hình công nghệ dự kiến áp dụng; dự kiến cán bộ và khả năng của cán bộ trong việc áp dụng công nghệ thông tin; bảo đảm hệ thống thông tin có thể tích hợp và kết nối với hệ thống quản lý của NHNN nước để cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý của NHNN./.
Lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng 10% năm 2024
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa có báo cáo phân tích ngành ngân hàng 2024. Theo VCBS, lợi nhuận ngân hàng năm 2023 sẽ đi ngang, một số ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận âm. Năm 2024, lợi nhuận trước thuế toàn ngành tăng khoảng 10%, nợ xấu khó đột biến.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo dự báo của các chuyên gia phân tích VCBS, năm 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì mức 12%. Tăng trưởng tín dụng vẫn chịu áp lực từ nền kinh tế và thị trường bất động sản chậm phục hồi, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hạ nhiệt xuống mức thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, đặc biệt là tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Danh mục TPDN của các ngân hàng dự kiến duy trì ổn định. NIM đi ngang hoặc tăng nhẹ trong 2024 khi chi phí vốn được cải thiện, tuy nhiên lãi suất cho vay tiếp tục chịu áp lực giảm khi các ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng chất lượng tốt. Tiềm năng mở rộng NIM thuộc về nhóm khách hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA.
Nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng năm 2023 vẫn trong tầm kiểm soát nhờ các thông tư và chính sách hỗ trợ.
“Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận toàn ngành ngân hàng giảm tốc đi ngang trong năm 2023 và có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng trong 2024 với mức tăng trưởng khoảng 10%, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm”, báo cáo phân tích của VCBS nhận định.
Trong bối cảnh này, triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng được đánh giá đang ở mức phù hợp thị trường với định giá P/B toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 18% so với mức trung bình 5 năm.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 14/12: Vietcombank thay đổi dịch vụ SMS Banking từ ngày 1/1/2024