Tin ngân hàng ngày 15/4: Tiền gửi của Techcombank tăng trưởng gần 14%
Tin ngân hàng ngày 14/4: ACB lãi trước thuế 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ Tin ngân hàng ngày 13/4: Lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ giảm mạnh trong tháng 3 |
Tiền gửi của Techcombank tăng trưởng gần 14%
Tổng số dư tiền gửi tại Techcombank tính đến 31/12/2022 đạt khoảng 358.400 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, tiền gửi có kỳ hạn đạt 225.900 tỷ đồng, tăng tới 44,9% so với cùng kỳ và số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 132.500 tỷ đồng. Đặc biệt, tiền gửi quý IV tăng 32,3% so với quý trước.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng huy động vốn toàn ngành giảm năm thứ 4 liên tiếp, đạt khoảng 6%, mức tăng trưởng này được Techcombank nhìn nhận là bộ đệm cho tăng trưởng tín dụng năm 2023.
Mức tăng trưởng của số dư tiền gửi có kỳ hạn phần nào cho thấy kế hoạch hành động của ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn trong nước khi chi phí đi vay từ thị trường quốc tế bị tác động kép. Theo đại diện Techcombank, điều này cũng thể hiện sự tin tưởng khách hàng vào thương hiệu và an toàn hệ thống, cũng như hoạt động của Techcombank.
"Trước những biến động của thị trường, Techcombank đã quyết liệt định hình và tìm ra hướng đi phù hợp để không chỉ hỗ trợ tăng trưởng năm 2022 mà còn tạo bộ đệm để sẵn sàng vượt qua thách thức 2023", đại diện Techcombank chia sẻ thêm.
Với việc gia tăng số dư tiền gửi có kỳ hạn năm qua, tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của nhà băng này ở mức 28,8%, thấp hơn so với giới hạn mới 34% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tổng tài sản của ngân hàng đạt 699.000 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng.
Eximbank muốn bán hết cổ phiếu quỹ
Trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đề xuất bán toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu quỹ. Đây là lượng cổ phiếu được ngân hàng mua từ năm 2014 đến nay.
Dựa theo Nghị định 155/2020, Eximbank được quyền quyết định chọn một trong 2 phương án xử lý là bán cổ phiếu quỹ hoặc dùng cổ phiếu quỹ làm cổ phiếu thưởng.
Lãnh đạo ngân hàng nói rằng mới phát hành xong cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ, do đó Hội đồng quản trị lựa chọn phương án xử lý bán cổ phiếu quỹ là phù hợp.
Cổ phiếu EIB trên thị trường đang tiến về vùng giá quanh 20.000 đồng. Tạm tính theo thị giá này, số tiền ngân hàng có thể thu về khoảng 120 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch năm 2023, Eximbank đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 35%. Dư nợ cấp tín dụng tăng 12,3% lên trên 16.000 tỷ đồng và tổng tài sản mở rộng 13,5% để chạm mốc 210.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tối đa 1,6%.
Tổng giám đốc Trần Tấn Lộc đánh giá kế hoạch năm nay tính toán rất kỹ, có tính đến bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều biến động như hiện nay.
"Chúng tôi có những phương án để đạt được mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ", ông Lộc khẳng định và tiết lộ lợi nhuận quý I đã đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú nói thêm nhiệm kỳ này đã tái cấu trúc mạnh mẽ, xử lý nhân sự, nâng cao hình ảnh và tái cơ cấu toàn bộ các mảng. Lãnh đạo ngân hàng tự tin hoàn thành kế hoạch năm và kết quả quý I đang đi đúng lộ trình.
Về nguồn vốn, nhà băng tư nhân này dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 17.470 tỷ đồng, huy động vốn từ thị trường 1 và 2 đạt 165.000 tỷ, tăng trưởng 11%.
Eximbank có kế hoạch trích 2.655 tỷ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức. Theo đó, ban lãnh đạo trình phương án phát hành 265,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 18 cổ phiếu mới).
Thời gian thực hiện trong năm 2023, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Vốn điều lệ sau chia cổ tức sẽ đạt mức tối đa 17.470 tỷ đồng.
Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua với tỷ lệ tán thành cao trên 97%.
Co-opBank bổ nhiệm bà Phạm Thị Hồng Minh làm Tổng giám đốc
Ngày 12/04/2023, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) đã tổ chức Lễ công bố bổ nhiệm nhân sự cấp cao kiện toàn các chức danh Ban điều hành Co-opBank từ nguồn cán bộ được quy hoạch tại chỗ.
Theo đó, bà Phạm Thị Hồng Minh - Thành viên HĐQT Co-opBank được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Co-opBank.
Đồng thời, Co-opBank cũng bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc đối với ông Tô Hoài Thanh - Giám đốc Co-opBank chi nhánh Quảng Bình và ông Nguyễn Văn Giang - Trưởng phòng Phòng Kế toán Ngân quỹ. Ngoài ra, Ngân hàng cũng bổ nhiệm lại chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Phó Tổng giám đốc Co-opBank..
Co-opBank tiền thân là Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được thành lập ngày 05/08/1995 và năm 2013 được chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam vào năm 2013 theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của Co-opBank là 49,799 tỷ đồng, tăng 1.33% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ cho vay là 31,185 tỷ đồng, tăng 4,987 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 19.04%) so với đầu năm.
VietinBank - Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam 3 năm liên tiếp
Mới đây, tại Lễ trao giải sản phẩm, dịch vụ (SPDV) tài chính xuất sắc toàn cầu năm 2023 do The Asian Banker tổ chức, VietinBank đã được vinh danh Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam. Đây là mốc son ghi dấu ấn lần thứ ba liên tiếp VietinBank giành được giải thưởng danh giá này.
VietinBank - Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam 3 năm liên tiếp |
Giải thưởng được The Asian Banker tổ chức thường niên với mức độ uy tín và minh bạch cao nhằm ghi nhận và tôn vinh các tổ chức tín dụng và cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực tài chính. Giải thưởng là nền tảng để xây dựng tiêu chuẩn hoạt động của ngành Tài chính - Ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi. Năm 2023, đã có hơn 100 tổ chức tín dụng trên thế giới tham gia Giải thưởng SPDV tài chính xuất sắc của The Asian Banker.
Tại Việt Nam, VietinBank đã xuất sắc vượt qua nhiều ứng cử viên sáng giá để chinh phục Hội đồng Giám khảo của The Asian Banker bằng chất lượng SPDV. Với điểm số được đánh giá vượt trội, The Asian Banker đã trao tặng VietinBank Giải thưởng Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam. Cũng với điểm số này, VietinBank đã lọt vào Top 10 Ngân hàng SME tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Tiếp tục định hướng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam trước nhiều thách thức bất ổn; ngay từ đầu năm 2023, VietinBank đang cung cấp cho khách hàng (KH) DN vừa và nhỏ (SME) bộ giải pháp cùng SPDV trọn gói. Bằng hoạt động đó, VietinBank đã đáp ứng mọi nhu cầu của DN SME trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiêu biểu là năm 2023, trước dự đoán tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, VietinBank đã liên tục tung ra nhiều giải pháp và chương trình ưu đãi hỗ trợ DN SME. Đó là gói giải pháp SME Simple hỗ trợ DN siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng với thủ tục, hồ sơ, quy trình được tinh gọn. Bên cạnh đó cũng có thể kể đến gói tín dụng ưu đãi trong 6 tháng đầu năm - SME UP với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng và lãi suất chỉ từ 7%/năm.
Giải thưởng Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam 3 năm liên tiếp là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ DN SME của VietinBank trong 35 năm qua.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 15/4: Tiền gửi của Techcombank tăng trưởng gần 14%