Tin ngân hàng ngày 16/12: Phấn đấu giảm lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm
Tin ngân hàng ngày 15/12: Tăng lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở từ năm 2023 Tin ngân hàng ngày 14/12: LienVietPostBank giảm lãi suất vay vốn cho khách hàng doanh nghiệp |
Phấn đấu giảm lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm
Ngày 15/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tại hội nghị, Hiệp hội Ngân hàng cho biết đã tổ chức cuộc họp để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có Công văn số 454/HHNH-PLNV ngày 09/12/2022 báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả cuộc họp và kiến nghị Thống đốc một số giải pháp hỗ trợ các NHTM liên quan đến hỗ trợ thanh khoản từ nay đến hết Tết nguyên đán 2023, đồng thời thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).
Theo Hiệp hội Ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)…
Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng. Theo các ngân hàng có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm.
Cụ thể, một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng (do người dân có hiện tượng thiếu niềm tin vào NHTMCP quy mô nhỏ nên có xu hướng gửi tiền đến các ngân hàng có vốn nhà nước), chứ không hẳn gặp vấn đề thanh khoản;
Đồng thời, giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó. Các NHTM có quy mô vừa và nhỏ buộc phải thực hiện giao dịch tiền tệ có tài sản đảm bảo như GTCG để đáp ứng nhu cầu thanh khoản hàng ngày, tuy nhiên, khối lượng GTCG sẵn có để phục vụ cho nhu cầu trên không nhiều.
VPBank giảm lãi suất cho vay tới 1,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa phát đi thông tin giảm lãi suất cho vay để chia sẻ những khó khăn chung của thị trường và doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp SME hiện chiếm tới gần 90% tổng doanh nghiệp hoạt động trên toàn quốc.
Theo đó, VPBank giảm lãi suất cho vay tới 1,5% cho khách hàng doanh nghiệp SME, áp dụng với cả các khoản vay ngắn và trung hạn.
Ngân hàng kỳ vọng mức lãi suất ưu đãi sẽ hỗ trợ khách hàng bổ sung nguồn vốn phát triển kinh doanh, theo đó giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Bên cạnh chương trình cho vay khách hàng doanh nghiệp SME, VPBank cũng đồng thời triển khai chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng cá nhân với mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Khách hàng cá nhân sẽ được hưởng mức giảm trừ lãi suất 1,0%/năm trên mức lãi suất áp dụng tại Quyết định ban hành biểu lãi suất cho vay dành cho sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh có tài sản đảm bảo của ngân hàng.
Trong khi thị trường khó huy động vốn hoặc phải huy động vốn với chi phí cao thì VPBank đã liên tiếp ký kết thành công nhiều khoản vay vốn quốc tế có giá trị cao, giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng gia tăng của khách hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và phát triển. Có thể kể tới khoản vay trị giá 500 triệu USD (gần 12,5 nghìn tỷ đồng) ký với 5 định chế tài chính lớn như ADB, SMBC, ANZ… và khoản giải ngân trị giá 150 triệu USD (gần 3,7 nghìn tỷ đồng) từ IFC.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 3/2022, lợi nhuận trước thuế (PBT) hợp nhất của VPBank tăng trưởng tích cực, đạt hơn 19,8 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ
Năm 2023, lợi nhuận ngân hàng khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như năm 2022
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán ACBS, chi phí dự phòng các ngân hàng sẽ bắt đầu gia tăng kể từ quý 4/2022 và lợi nhuận năm 2023 sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như năm 2022.
ACBS cho rằng, các ngân hàng sẽ giữ được NIM ở mức tương đương như năm 2021. Mặc dù lãi suất đã tăng tổng cộng 2% kể từ đầu năm, tuy nhiên lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng tương ứng.
Trước đó, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng tiếp tục khả quan trong quý 3/2022. Lợi nhuận quý 3 của các ngân hàng trong VN-Index tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ . Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt, lần lượt tăng 31,4% và 17,4% so với cùng kỳ và chi phí dự phòng giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ do áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu không còn đáng kể.
Chất lượng tài sản các ngân hàng nhìn chung vẫn ở mức tốt, tuy nhiên đã có dấu hiệu suy giảm nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 3/2022 đi ngang so với quý trước, ở mức 1,48%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng 22 điểm cơ bản so với quý trước lên 1,42%. Dư nợ tái cơ cấu do COVID-19 tiếp tục xu hướng giảm so với quý trước.
Gần đây, ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tín dụng thêm 1,5% - 2%, nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15,5% - 16%. Những tháng gần đây, tăng trưởng tín dụng chậm lại và đạt 12,14% vào cuối tháng 11, tăng nhẹ so với mức 9,3% vào cuối tháng Sáu.
Trước đó, NHNN đã nới hạn mức tín dụng từ 0,7% đến 4% cho các ngân hàng có kết quả hoạt động lành mạnh với tổng mức tăng ước tính trong tháng 9 là 2% và cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho 4 ngân hàng vào đầu tháng 10 đưa tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng của cả năm trong toàn ngành ngân hàng lên gần 14%.
ACBS cho rằng, hệ thống ngân hàng có khả năng cung ứng hạn mức tín dụng mới cho nền kinh tế. Trong bối cảnh nguồn vốn của doanh nghiệp đang gặp khó khăn, việc NHNN tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng như trên sẽ giúp giảm áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp vào cuối năm. Đáng chú ý là NHNN đã tuyên bố rõ ràng rằng ngân hàng có thanh khoản tốt và lãi suất cho vay thấp sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.
OCB nằm trong top 30 công ty nộp thuế lớn nhất Việt Nam
Mới đây, Tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 100 công ty nộp thuế lớn nhất năm 2021 dựa vào thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước xếp từ cao xuống thấp.
OCB nằm trong top 30 công ty nộp thuế lớn nhất Việt Nam/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lọt top 30 trong tổng số 100 doanh nghiệp. Điều này khẳng định những nỗ lực không ngừng của ngân hàng trong việc đóng góp vào ngân sách quốc gia nói riêng cũng như sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên OCB vẫn duy trì hoạt động hiệu quả thông qua những con số tích cực, đánh dấu bước tiến bền vững trong hoạt động của ngân hàng với chuỗi tăng trưởng lợi nhuận liên tiếp trong 5 năm.
2021 cũng là năm OCB đạt được nhiều dấu ấn quan trọng trong số hóa. Chỉ tính riêng ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI đã được ngân hàng liên tục cải tiến với nhiều tính năng, dịch vụ mới, với trọng tâm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Số lượng người dùng OCB OMNI tăng gấp 3 lần, lượng giao dịch tăng hơn 60% và eKYC tăng 15 lần so với 2020. Hầu hết quy trình, văn bản đều được thực hiện, phê duyệt online đến gần 80% từ đó tối ưu được năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động.
Bên cạnh những kết quả kinh doanh ấn tượng và đóng góp vào ngân sách nhà nước, OCB luôn thể hiện vai trò chủ động, tiên phong trong việc thực thi trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Theo đó, từ khi đại dịch bùng phát, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, OCB đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng như: miễn giảm lãi suất, phí dịch vụ, cơ cấu nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03, triển khai các gói tín dụng ưu đãi trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng…
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 16/12: Phấn đấu giảm lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm