Tin ngân hàng ngày 16/2: LienVietPostBank hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Tin ngân hàng ngày 15/2: MB giảm lãi suất vay 1% dành cho khách hàng doanh nghiệp Tin ngân hàng ngày 14/2: Ngân hàng NCB giảm gần 1% lãi suất huy động |
LienVietPostBank hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Năm 2023, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank triển khai gói ưu đãi lớn nhằm tối ưu chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
LienVietPostBank cung cấp giải pháp tài chính hiệu quả trong thanh toán quốc tế với sản phẩm đa dạng như chuyển tiền đi/đến, nhờ thu, L/C… đáp ứng tất cả các nhu cầu thanh toán của khách hàng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ, đặc biệt là các khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu SMEs.
Năm 2023, ngân hàng triển khai gói ưu đãi lớn dành cho doanh nghiệp nhằm tối ưu chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Chương trình được triển khai từ ngày 19/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023 với chính sách ưu đãi như sau: Miễn 100% phí phát hành lệnh chuyển tiền đối với 5 giao dịch chuyển tiền đi đầu tiên; miễn 100% phí nhận tiền đến đối với 5 giao dịch chuyển tiền đến đầu tiên. Giảm 50% phí nhận tiền đến (áp dụng với cả mức phí min và max) đối với các giao dịch tiếp theo phát sinh trong vòng 6 tháng kể từ ngày phát sinh giao dịch đầu tiên; miễn phí tra soát của LienVietPostBank đối với tất cả các giao dịch thanh toán quốc tế.
Ngoài ra, LienVietPostBank cũng mang tới cho khách hàng ưu đãi lớn về tỉ giá mua bán ngoại tệ: Đối với USD: Giao dịch trị giá dưới 300.000 USD ưu đãi tối thiểu 20 điểm; giao dịch từ 300.000 USD đến dưới 1.000.000 USD ưu đãi tối thiểu 25 điểm; giao dịch từ 1.000.000 USD đến dưới 2.000.000 USD ưu đãi tối thiểu 30 điểm; giao dịch từ 2.000.000 USD trở lên sẽ áp dụng tỷ giá theo thỏa thuận.
Đối với ngoại tệ khác: được ưu đãi tối thiểu 60 điểm. Ưu đãi áp dụng với tỷ giá bán/mua ngoại tệ chuyển khoản so với thông báo tỷ giá và lãi suất hàng ngày khi thực hiện bán/mua ngoại tệ tại thời điểm thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế.
Bên cạnh những ưu đãi trên, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu khi đến với LienVietPostBank sẽ được tư vấn các gói tài trợ thương mại hiệu quả với lãi suất vô cùng hấp dẫn, phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp.
HSBC huy động 12 tỷ USD cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Ngày 15/2, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Surendra Rosha, đồng Tổng giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng bày tỏ ấn tượng trước đề xuất của lãnh đạo Ngân hàng HSBC về việc huy động nguồn lực tài chính, thu xếp nguồn vốn quy mô quốc tế trị giá khoảng 12 tỷ USD cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 tại Việt Nam.
Phó thủ tướng khẳng định, Việt Nam hết sức quan tâm đến chính sách tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của HSBC. Chính phủ Việt Nam đã cam kết và triển khai nhiều công việc cụ thể trong lộ trình giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Việt Nam cùng các nước công nghiệp phát triển G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP), bước đầu cam kết dành 15,5 tỷ USD từ nguồn vốn của các chính phủ để thúc đẩy, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư từ ngân hàng, doanh nghiệp vào lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng. HSBC có thể tham gia vào sắp xếp các cấu trúc nguồn vốn bảo đảm hiệu quả cao nhất cho các dự án như vậy.
Ông Surendra Rosha cho biết trong năm 2023, HSBC tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm hiện thực hoá mục tiêu đặt ra trong lộ trình giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
HSBC đã làm việc với với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thảo luận các bước cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động theo hướng xanh hơn; thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon;…
Phó thủ tướng mong muốn ngân hàng trở thành "bộ lọc tín dụng", tích cực tham gia vào các dự án đầu tư khu công nghiệp xanh, nhà máy không phát thải; giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp; trồng, khai thác, bảo tồn rừng bền vững; các dự án sản xuất pin, xe điện, năng lượng tái tạo, chuyển đổi các dự án đầu tư nhiệt điện than sang hướng thân thiện hơn với môi trường; hình thành trục truyền tải năng lượng tái tạo trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương...
Ngân hàng Nhà nước công bố các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố các quyết định công bố các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thuộc phạm vi quản lý của NHNN.
Đây là các thủ tục thực hiện các quy định tại Thông 22/2022/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi, danh sách dự kiến bầu, bổ nhiệm nhân sự của tổ chức tín dụng là hợp tác xã) và Thông 27/2022/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phân cấp giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng).
Theo đó, các thủ tục hành chính theo Thông tư 22 thực hiện tại NHNN Việt Nam được sửa đổi, bổ sung bao gồm: “Thủ tục đề nghị thay đổi mức vốn điều lệ của Ngân hàng Hợp tác xã”; “thủ tục chấp thuận thay đổi tên của Ngân hàng Hợp tác xã”; “thủ tục chấp thuận thay đổi nội dung, phạm vi hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã”; “thủ tục chấp thuận thay đổi nhân sự dự kiến của Ngân hàng Hợp tác xã”; “thủ tục thông báo thay đổi địa chỉ (không thay đổi địa điểm) đặt trụ sở chính của Ngân hàng Hợp tác xã”; “thủ tục chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Ngân hàng Hợp tác xã”.
Các thủ tục thực hiện theo Thông tư 27 thực hiện tại NHNN Việt Nam được được sửa đổi, bổ sung bao gồm: “Thủ tục chấp thuận thay đổi tên của tổ chức tín dụng phi ngân hàng”; “thủ tục chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức tín dụng phi ngân hàng đang đặt trụ sở chính”; “thủ tục chấp thuận thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chính (không phát sinh thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính) của tổ chức tín dụng phi ngân hàng”; “thủ tục đề nghị chấp thuận thay đổi tên của tổ chức tài chính vi mô”; “thủ tục đề nghị chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của tổ chức tài chính vi mô”.
TPBank thay đổi ngày trả cổ tức bằng tiền mặt
Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thông báo về việc thay đổi kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, TPBank lùi ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức từ ngày 21/2/2023 sang 21/3/2023. Ngày thanh toán thay đổi sang 3/4 thay vì 3/3. Lý do điều chỉnh là để rà soát và hoàn thiện các thủ tục nội bộ của ngân hàng.
Trước đó, TPBank đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chia cổ tức trong năm 2023. Đại hội đồng cổ đông TPBank đã thông qua phương án trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, với tỷ lệ tán thành đạt 77,69%.
Theo kế hoạch, TPBank sẽ thực hiện trả cổ tức 2.500 đồng/cổ phiếu. Với gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank sẽ chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. Tổng tài sản của ngân hàng tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm nay đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 16/2: LienVietPostBank hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu