Tin ngân hàng ngày 16/2: Nhiều ngân hàng thanh lý bất động sản tại Hà Nội
Loạt ngân hàng thanh lý bất động sản ở Hà Nội
Mới đây, ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương chi nhánh Hà Nội (SaiGonBank Hà Nội) thông báo về việc bán đấu giá căn hộ tại địa chỉ số 4B phố Đường Thành, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Giá khởi điểm của tài sản là hơn 1,1 tỷ đồng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) cũng thông báo về việc bán đấu giá thửa đất có diện tích 356m2 tại thôn Bạch Nao, xã Thanh Văn, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Giá khởi điểm là hơn 2,1 tỷ đồng.
Đầu tháng 2, ngân hàng GPBank chi nhánh Đông Đô cũng thanh lý lô đất và tài sản gắn liền với đất tại tổ dân phố 10, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Giá khởi điểm hơn 7 tỷ đồng.
Ngân hàng này còn đấu giá 2 bất động sản tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Cụ thể, tài sản đấu giá thứ nhất là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa đất số 198, tờ bản đồ số 18, tại thôn Phương Hạnh, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Tài sản đấu giá thứ hai là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa đất số 05, tờ bản đồ số 02, có địa chỉ tại Thôn Xuân Trung, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Giá khởi điểm đối với 2 lô đất lần lượt là hơn 960 triệu đồng và hơn 800 triệu đồng.
Cũng trong đầu tháng 2/2024, Ngân hàng TMCP Liên doanh Việt - Nga (VRB) thông báo về việc bán đấu giá bất động sản tại xóm Chùa, thôn Trung Cao, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Giá khởi điểm của tài sản là 3,1 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) rao bán bất động sản tại tại tổ 1, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, có giá khởi điểm gần 6,5 tỷ đồng. Lô đất này có diện tích 80m2.
Trước đó, tháng 1/2024, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ lô 12 tập thể B15 Bộ Công an (nay là số 17 ngõ 68, phố Ngụy Như Kon Tum), phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Giá khới điểm hơn 20,5 tỷ đồng. Diện tích lô đất là 89m2. Tài sản gắn liền với đất là 1 ngôi nhà 08 tầng kết cấu bê tông cốt thép, diện tích xây dựng 89 m2, diện tích sử dụng 730,4 m2 và 21,2 m2 ban công, thang máy...
Sau Tết Nguyên đán gửi tiết kiệm ở ngân hàng nào lãi suất cao nhất?
Sau Tết Nguyên đán, nhiều bậc cha mẹ dự tính dành khoản tiền lì xì của con gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Với cha mẹ, gửi tiết kiệm cho con không đơn thuần chỉ nhằm mục đích sinh lời, dự phòng mà còn có ý nghĩa giúp trẻ trang bị kiến thức về quản lý tài chính cá nhân.
Hiện tại, với mức tiền tối thiểu từ 1.000.000 đồng, cha mẹ đã có thể lập ngay cuốn sổ tiết kiệm trực tuyến tại hầu hết các ngân hàng như VPBank, TPBank, Ocean Bank, VietinBank... Tại ngân hàng VietBank, số tiền tối thiểu để làm sổ tiết kiệm trực tuyến là 500.000 đồng.
Tại Vietcombank, số tiền tối thiểu để có thể mở sổ tiết kiệm là 3 triệu đồng.
Về mức lãi suất gửi tiết kiệm online hiện nay, hiện, không có ngân hàng nào trả lãi 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Chỉ ở kỳ hạn 24 tháng, mức lãi suất gửi tiết kiệm mới lên tới hơn 6%/năm.
Cụ thể, tại kỳ hạn 1 tháng, lãi suất cao nhất là 3,6%/năm, áp dụng tại ngân hàng NCB. Tại kỳ hạn 3 tháng, không có ngân hàng nào trả lãi 4%/năm, cao nhất là NCB (3,8%), BAOVIET Bank (3,75%), SHB (3,7%)...
Tại kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng SHB, HDBank đang áp dụng mức lãi suất cao nhất là 4,9%/năm. Tiếp đến là các ngân hàng ABBank, PVcomBank...
Ở kỳ hạn 12 tháng, trong 21 ngân hàng khảo sát chỉ có số ít ngân hàng áp dụng lãi suất gửi tiết kiệm từ 5% trở lên bao gồm Vietinbank, SHB, Viet A Bank, NCB, HDBank, Nam A Bank, Ocean Bank, VPBank...
Đối với kỳ hạn 24 tháng, SHB trả lãi cao tới 6,2%/năm. Các ngân hàng khác đều áp dụng mức lãi suất dưới 6%/năm.
Nhà máy in tiền Quốc gia có Chủ tịch HĐTV mới
Chiều ngày 15/02, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức công bố và trao Quyết định của Thống đốc NHNN về việc điều động và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nhà máy In tiền Quốc gia.
Cụ thể, theo Quyết định số 179/QĐ-NHNN ngày 31/01/2024 của Thống đốc NHNN về việc điều động, Thống đốc bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Cường - Phó Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ thuộc NHNN giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nhà máy In tiền Quốc gia, thời hạn giữ chức vụ của ông Nguyễn Đức Cường là 05 năm kể từ ngày 15/02/2024.
Trước đó, ông Cường từ chức vụ Trưởng phòng Phòng Xử lý nợ thuộc Vụ Tín dụng các ngành kinh tế được bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ thuộc NHNN kể từ ngày 1/12/2017.
Cũng trong ngày 15/2, NHNN công bố Quyết định của Thống đốc NHNN về việc bổ nhiệm ông Lê Thái Nam, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nhà máy In tiền Quốc gia giữ chức thành viên chuyên trách Hội đồng quản lý CIC kể từ ngày 15/02/2024. Thời hạn giữ chức vụ của ông Lê Thái Nam là kể từ ngày được điều động, bổ nhiệm cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Trước đó, ông Lê Thái Nam là Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà máy In tiền Quốc gia kể từ ngày 15/9/2019.
Nhà máy in tiền quốc gia là Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh là ngành in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng, vật phẩm, lưu niệm bằng vàng và các loại giấy tờ có giá theo kế hoạch được giao của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường hoạt động cho vay
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng đầu năm cho thấy mức độ tăng trưởng khá thấp, do đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời kỳ này.
Ảnh minh họa/kinhtexaydung.petrotimes.vn |
Nội dung này được Ngân hàng Nhà nước nêu ra trong công văn vừa gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cơ quan này cho biết đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây.
Do đó NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc đề ra, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, các nhà băng cũng được yêu cầu triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng một cách chính xác, hướng đến mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đồng thời, họ phải tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, đồng thời kiểm soát rủi ro trong các lĩnh vực tiềm ẩn.
Trong quá trình thực hiện, yêu cầu đơn giản hóa thủ tục và quy trình để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn. Dịch vụ tín dụng cũng cần được điều chỉnh để phản ánh nhu cầu cụ thể của từng đối tượng khách hàng và thị trường.
Việc quản lý tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ được thực hiện theo hướng mới, với sự linh hoạt trong việc điều chỉnh hạn mức cho từng nhà băng, mà không yêu cầu họ phải đệ trình đề nghị cấp thêm. Điều này là kết quả của những công điện của Thủ tướng về việc đẩy mạnh vốn vào nền kinh tế và sự điều chỉnh chiến lược quản lý tín dụng theo thời gian.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 16/2: Nhiều ngân hàng thanh lý bất động sản tại Hà Nội