Tin ngân hàng ngày 18/2: Manulife thông tin vụ tiền gửi SCB thành hợp đồng bảo hiểm
Tin ngân hàng ngày 17/2: Lãi suất huy động đang có dấu hiệu giảm dần Tin ngân hàng ngày 16/2: LienVietPostBank hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu |
Manulife thông tin vụ tiền gửi SCB thành hợp đồng bảo hiểm
Mới đây, Manulife Việt Nam cho biết, đã ghi nhận tình hình liên quan đến việc một số khách hàng không hoàn toàn hài lòng với trải nghiệm khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, có tên thương mại ‘Tâm An Đầu Tư’ của Manulife Việt Nam được phân phối thông qua đối tác Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) nên đã yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm trước hạn.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đồng thời, Manulife cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của Công ty phù hợp với quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã ký kết với Công ty Manulife Việt Nam.
Manulife cho biết, rất thấu hiểu các quan ngại của khách hàng và hiện đang xem xét giải quyết các yêu cầu của những khách hàng này một cách nghiêm túc, công bằng và thỏa đáng.
"Chúng tôi sẽ không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận nào, và nếu phát hiện các hành vi này, Công ty sẽ ngay lập tức chuyển đến cơ quan chức năng liên quan để xử lý. Manulife luôn cam kết cung cấp đến khách hàng các dịch vụ và hoạt động tư vấn bảo hiểm, với trải nghiệm tối ưu thông qua đội ngũ đại lý dày dạn kinh nghiệm và các ngân hàng đối tác", phía Manulife Việt Nam thông tin.
Trước đó, sau khi nhận được đơn của một số khách hàng phản ánh khi đi gửi tiết kiệm tại SCB bị tư vấn viên chuyển sang mua gói bảo hiểm Tâm An Đầu tư của Manulife, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có phiếu chuyển đơn tố giác gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm liên quan đến việc nhân viên giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm Manulife xảy ra tại SCB để cơ quan chức năng này xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả tới Bộ Tài chính.
Mong có cơ chế giãn nợ ngân hàng
Để có thời gian chờ thị trường phục hồi và hoàn thiện pháp lý, ông Bùi Thành Nhơn - kiến nghị các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ trong 2-3 năm.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sáng 17/2, đại diện cho doanh nghiệp bất động sản, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn 2-3 năm và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản.
"Việc này để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án. Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu", ông nói.
Bên cạnh đó, ông Nhơn cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của doanh nghiệp trên cả nước.
Với lãi suất, theo ông, từ cuối năm ngoái, tốc độ tăng lãi suất khá nhanh, có khoản vay đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang vay mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới. Do đó, doanh nghiệp đề nghị có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường. Ông cũng đề xuất các ngân hàng thương mại cũng nên giảm biên lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Với trường hợp của Novaland, ông Nhơn cho rằng chỉ cần hoàn thiện một số thủ tục pháp lý, doanh nghiệp sẽ đủ điều kiện giải phóng hơn 10.000 tỷ đồng trên tổng số 25.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa tại các ngân hàng. Không chỉ vậy, ông mong Thủ tướng chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.
"Trong 1-2 tháng tới, nếu vấn đề này được giải quyết, Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường", ông Nhơn nói.
Giá USD ngân hàng lên sát 24.000 đồng, cao nhất hai tháng qua
Ngày 17/2, các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tỷ giá USD/VND lên sát 24.000 đồng.
Tại Vietcombank, giá mua bán đôla Mỹ tăng mạnh 120 đồng, lên 23.590 - 23.960 đồng. BIDV nâng tỷ giá USD/VND thêm 55 đồng lên 23.635 - 23.935 đồng. Còn Sacombank, tỷ giá lên 23.570 - 23.960 đồng, tăng 40 đồng so với hôm qua. Eximbank cũng điều chỉnh mạnh giá mua bán thêm 100 đồng lên 23.600 - 23.950 đồng.
Tỷ giá ngân hàng bắt đầu nhịp tăng mạnh từ 5/2 tới nay, đưa giá USD quay trở lại sát vùng giá cách đây hai tháng. Nếu so với đầu năm, USD ngân hàng tăng giá gần 1%.
Giá USD trên thị trường tự do cũng tăng nhiệt, nhưng đang duy trì ở vùng thấp hơn ngân hàng trong thời gian gần đây. Sáng nay, giá USD mua bán tại các điểm thu đổi ngoại tệ quanh mức 23.645 - 23.695 đồng. Biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán USD thu hẹp về vùng 50 đồng.
Tỷ giá ngân hàng, chợ đen bật tăng gần đây theo giới phân tích, do áp lực từ thị trường quốc tế và nguồn cung ngoại tệ chậm lại.
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được các chuyên gia kỳ vọng ở mức 5,25%, tức là còn ba lần tăng lãi trong năm nay (tăng thêm 75 điểm cơ bản). Việc Fed được dự báo tiếp tục tăng lãi suất khiến USD có dấu hiệu tăng giá, chỉ số USD Index tăng gần 4% trong hai tuần đầu tháng 2.
Bên cạnh đó, theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, Ngân hàng Nhà nước đã mua vảo khoảng 3,6 tỷ USD kể từ đầu năm tới nay, cũng khiến nguồn cung ngoại tệ hạn chế hơn.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn đang ở vùng thấp nhất hai tuần, từ sau ngày lễ Thần Tài. Giá vàng miếng SJC hiện dao động quanh 66,25 - 67,05 triệu đồng một lượng. Giá vàng nhẫn loại 1, 2 hoặc 5 chỉ dao động 53,4 - 54,3 triệu đồng một lượng.
Năm 2022, Techcombank thêm 1,2 triệu khách hàng mới
Theo báo cáo kết quả hoạt động của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) năm 2022, ngân hàng đang cung cấp dịch vụ cho hơn 10,8 triệu khách hàng, trong đó có 1,2 triệu khách hàng mới. Năm qua, nhà băng này tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về thanh toán trên các loại thẻ gồm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ.
Năm 2022, Techcombank thêm 1,2 triệu khách hàng mới/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Techcombank cũng đẩy mạnh số hóa các giải pháp thanh toán với việc trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai Google Pay, thanh toán không tiếp xúc trên các loại thẻ Marster và Visa. Đại diện ngân hàng cho biết, điều này phù hợp với xu hướng cá nhân hóa dịch vụ và sự bùng nổ của thanh toán điện tử, khi 71% khách hàng mong đợi được cung cấp sự tương tác hoặc dịch vụ ngân hàng theo cách cá nhân hóa, theo một nghiên cứu của McKinsey.
Theo đó, cuối năm 2022, Techcombank hợp tác toàn diện với Adobe, một trong những công ty hàng đầu thế giới về cung cấp nền tảng trải nghiệm khách hàng, ra mắt nền tảng công nghệ xuyên suốt hành trình trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng. Việc Techcombank đầu tư vào Adobe Experience Cloud và Adobe Real-Time Customer Data Platform (CDP) sẽ hỗ trợ việc cung cấp những trải nghiệm khách hàng cá nhân hóa ở mức cao trên các nền tảng trực tiếp và trực tuyến.
"Điều này được thực hiện nhờ một nền tảng công nghệ tích hợp, nhằm phân tích hành vi người dùng cũng như định vị rõ nét hơn về chân dung khách hàng. Nhờ vậy, toàn bộ trải nghiệm của khách hàng sẽ được cá nhân hóa và số hoá hoàn toàn; tương tác của khách hàng cũng sẽ diễn ra ngay lập tức", đại diện Techcombank chia sẻ.
Trước đó, Techcombank bắt tay với Amazon Web Services (AWS) khai thác tiềm năng của dữ liệu điện toán đám mây, từ đó, thúc đẩy năng suất lao động nhờ các thao tác xử lý đã được số hoá và thông tin chăm sóc khách hàng được đồng bộ trên toàn hệ thống.
Cũng theo đại diện Techcombank, tại Việt Nam, phần lớn người dùng tiềm năng là thế hệ thanh niên thành thạo và bắt nhịp nhanh với các xu hướng công nghệ, bao gồm dịch vụ ngân hàng số. Việc thanh toán qua QR Code và tài khoản điện tử cũng trở nên quen thuộc và phổ biến.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong trong năm 2022, Techcombank thuộc nhóm dẫn dầu về khối lượng giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân đạt 844,8 triệu giao dịch, tăng 29,6% so với năm 2021.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 18/2: Manulife thông tin vụ tiền gửi SCB thành hợp đồng bảo hiểm