Tin ngân hàng ngày 1/9: Yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42
Tin ngân hàng ngày 31/8: TP HCM có 17 doanh nghiệp được vay lãi suất 2% trong tháng 8 Tin ngân hàng ngày 30/8: Mở rộng đối tượng cho vay lãi suất 2%, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách |
Yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết, Ngân hàng nhà nước (NHNN) yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được phân công tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 và các văn bản chỉ đạo của NHNN có liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.
Yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đồng thời, tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Chính quyền địa phương, cơ quan công an, thi hành án dân sự, cơ quan thuế, tòa án các cấp và các cơ quan liên quan để thực thi có hiệu quả các chính sách tại Nghị quyết số 42, đặc biệt là các chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7), áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án (Điều 8), thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12, Điều 15), các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (Điều 9, Điều 15).
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ theo Nghị quyết số 42 trong nội bộ và đến khách hàng hiện đang có nợ xấu tại TCTD để khách hàng hiểu rõ quyền của TCTD trong việc xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm và trách nhiệm trả nợ của khách hàng.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và VAMC tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42.
Mặt khác, tiếp tục nghiên túc thực hiện chế độ báo cáo về nợ xấu theo Nghị quyết số 42, kết quả xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42… Kịp thời báo cáo NHNN và các đơn vị có liên quan các khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý liên quan đến triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.
Theo thống kê của NHNN, tính lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng; cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình giai đoạn 2012 - 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng).
Tổng tài sản Ngân hàng HSBC Việt Nam giảm mạnh
Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính giữa niên độ với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.379 tỷ đồng, tăng trưởng tới 65% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hoạt động tín dụng mang về cho ngân hàng khoản lãi 1.555 tỷ đồng, tăng 26,3% so với kết quả đạt được cùng kỳ.
Lợi nhuận mảng dịch vụ không có nhiều biến động, đạt 400 tỷ đồng trong khi lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 29%, đạt 607 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng tăng tới 87%, lên 100 tỷ đồng.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong kỳ đạt 2.667 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ nhích nhẹ 7%, lên 1.312 tỷ đồng trong khi kỳ này ngân hàng được hoàn nhập dự phòng 24 tỷ đồng, so với mức trích lập 94 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, HSBC ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tới 65% so với cùng kỳ và gần bằng mức lợi nhuận của cả năm trước (1.646 tỷ đồng).
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của HSBC đạt hơn 147,6 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh tới 9,8% so với đầu năm. Trong đó, mức sụt giảm chủ yếu ở tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (giảm 21%, xuống 13,6 nghìn tỷ đồng) và tiền gửi và cho vay các TCTD khác (giảm 24,8%, còn gần 62 nghìn tỷ đồng). Cho vay khách hàng của ngân hàng tăng 14,46% lên hơn 62,7, tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng trong kỳ giảm mạnh tới 11,2% còn 129,7 nghìn tỷ đồng trong khi tiền gửi và vay các TCTD khác cũng giảm mạnh 38,8%, còn 1.334 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, tính đến cuối tháng 6, HSBC đang có gần 303 tỷ đồng nợ xấu, giảm 10,7% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ ở mức 0,25%. Tỷ lệ an toàn vốn ở mức 16,32%, so với mức 15,45% hồi đầu năm.
VietinBank chi nhánh Bắc Ninh bán hai khoản nợ thế chấp bằng 6 bất động sản cùng nhiều ô tô
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh KCN Quế Võ thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ của hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại vận tải Tiến Đạt (Công ty Tiến Đạt) và Công ty TNHH Thương mại vận tải Thảo Mạnh (Công ty Thảo Mạnh).
Khoản nợ của Công ty Tiến Đạt tại VietinBank tính đến hết ngày 22/8 là hơn 17,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 8,2 tỷ đồng, còn lại là lãi và lãi phạt.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là 5 quyền sử dụng đất tại tỉnh Bắc Ninh. Lô đất lớn nhất có diện tích 320 m2 có địa chỉ tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tài sản trên đất là nhà bê tông hai tầng với tổng diện tích sử dụng là 160 m2. Bốn lô đất còn lại đều thuộc thị xã Từ Sơn lần lượt có diện tích 148 m2, 124 m2, 118 m2 và 110 m2.
Ngoài ra tài sản đảm bảo cho khoản nợ còn là ba xe ô tô Kia Morning và một xe ôtô đầu kéo đều được Công an tỉnh Bắc Ninh cấp chứng nhận đăng ký xe từ năm 2011. Giá khởi điểm đấu giá cho toàn bộ tài sản trên là 14,7 tỷ đồng, tương đương với 80% tổng dư nợ.
Tổng dư nợ của Công ty Thảo Mạnh tại VietinBank tính đến ngày 22/8 là 5,9 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 3,3 tỷ đồng. Khoản nợ được đảm bảo bằng một lô đất rộng 70 m2 tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, hai xe ô tô Huyndai i10 và một rơmoóc hiệu Shengde. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 5,3 tỷ đồng, thấp hơn 600 triệu đồng so với tổng dư nợ.
VietinBank cho biết giá khởi điểm các khoản nợ trên chưa bao gồm các loại thuế (nếu có), chi phí liên quan đến chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản/khoản nợ, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, chi phí này do người trúng đấu giá chịu.
Công ty Tiến Đạt thành lập từ năm 2009, có trụ sở chính tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực cho thuê xe động cơ, mua bán ô tô, xe máy... Người đại diện pháp luật hiện là ông Phạm Tiến Mạnh sinh năm 1977.
Còn Công ty Thảo Mạnh thành lập từ năm 2013, cũng có địa tại tại xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường bộ... Người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Huyền sinh năm 1979.
SHB hỗ trợ giảm 2% lãi suất vay dành cho doanh nghiệp
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 của Chính phủ.
SHB hỗ trợ giảm 2% lãi suất vay dành cho doanh nghiệp/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, từ nay đến 31/12/2023, SHB sẽ triển khai gói hỗ trợ lãi suất này trên toàn hệ thống, giảm trực tiếp lãi vay 2%/năm đối với các khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.
Cụ thể, khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các ngành nghề ưu tiên, bao gồm: Lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, giáo dục và đào tạo; dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân... khi vay vốn tại SHB sẽ được hưởng ưu đãi giảm lãi suất 2%/năm.
Đây là gói tín dụng quy mô lớn 40,000 tỷ đồng, được trích từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khắc phục khó khăn trong kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ.
SHB là một trong những Ngân hàng TMCP đầu tiên tham gia thực hiện chủ trương này với tổng hạn mức hỗ trợ là 710 tỷ đồng, áp dụng từ nay đến 31/12/2023.
Trước đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, SHB đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn với hàng loạt chương trình hỗ trợ thiết thực, vượt trội và là một trong các Ngân hàng TMCP giảm hỗ trợ lãi suất lớn nhất hỗ trợ khách hàng trong đại dịch.
SHB cũng là Ngân hàng TMCP duy nhất, cùng các Tập đoàn kinh tế tham gia Hội nghị trực tuyến của Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh do Chính phủ tổ chức tháng 8/2021.
Ngay sau đó, SHB đã triển khai gói tín dụng trị giá hơn 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp trong và sau đại dịch COVID, là Ngân hàng TMCP được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong việc đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thực hiện an sinh xã hội trong giai đoạn đại dịch.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 1/9: Yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42