Tin ngân hàng ngày 19/2: Thông tin mới nhất về cơ cấu SCB
Tin ngân hàng tuần qua: Thu hút tiền gửi bằng lì xì đầu năm Tin ngân hàng ngày 17/2: MB sắp đạt tổng tài sản triệu tỷ đồng |
Thông tin mới nhất về cơ cấu ngân hàng SCB
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri TPHCM về đề nghị xem xét việc cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và có giải pháp phù hợp giải quyết hậu quả của ngân hàng gây ra cho các nạn nhân.
Ảnh minh họa/ |
Theo Ngân hàng Nhà nước, sau khi đặt SCB vào kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp để ổn định hoạt động của ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ban kiểm soát đặc biệt SCB và SCB khẩn trương đánh giá tổng thể thực trạng của ngân hàng SCB và đề xuất chủ trương cơ cấu lại ngân hàng theo quy định.
Trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại SCB, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại SCB, hiện các cơ quan chức năng đang thực hiện công tác điều tra, làm rõ những vấn đề vi phạm xảy ra tại SCB để có giải pháp giải quyết hậu quả, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp xử lý các vấn đề liên quan trên cơ sở đề nghị cụ thể của các cơ quan chức năng.
Với vai trò ngân hàng Trung ương cũng như vai trò của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu là kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng nói chung cũng như của SCB nói riêng; đồng thời có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Trước đó, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank để tham gia quản trị, điều hành SCB.
Đầu năm 2024, nhiều ngân hàng rao bán thanh lý loạt BĐS
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) vừa thông báo về việc bán đấu giá thửa đất có diện tích 356m2 tại thôn Bạch Nao, xã Thanh Văn, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Giá khởi điểm là hơn 2,1 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đang bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Quảng Ngãi với giá khởi điểm là 4,05 tỷ đồng.
Tài sản bán đấu giá bao gồm nhà và đất tại thửa đất số 4, tờ bản đồ số 39, có địa chỉ phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CY 009961 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cấp ngày 04/11/2020.
Còn tại TP HCM, Agribank chi nhánh An Phú cũng thanh lý thửa đất số 100 tại phường An Phú Đông quận 12. Lô đất này có diện tích 200m2, là đất ở đô thị. Mức giá khởi điểm là 10 tỷ đồng.
Một lô đất khác được thanh lý có địa chỉ tại số D3/5A, khu phố 4, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Thửa đất có diện tích hơn 221 m2. Giá khởi điểm là hơn 7,5 tỷ đồng.
Agribank còn rao bán ba thửa đất có diện tích lần lượt gần 143 m2, 92 m2, hơn 252 m2 nằm trên đường Lương Minh Nguyệt, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú. Mức giá khởi điểm lần lượt là 10,5 tỷ đồng; 6,7 tỷ đồng và 19 tỷ đồng. Trên đất đã xây dựng nhà ở.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), chi nhánh Bình Hòa thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại TP. HCM, với giá khởi điểm hơn 5 tỷ đồng. Theo đó, tài sản bán đấu giá là toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số 431, tờ bản đồ số 31, địa chỉ tại 376/5 Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tổng giá trị bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Do đó, bất động sản thường được các tổ chức tài chính đem ra phát mãi nhiều nhất khi khách hàng vay vốn không trả được nợ.
Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm thành viên chuyên trách quản lý CIC
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố và trao Quyết định của Thống đốc bổ nhiệm thành viên chuyên trách Hội đồng quản lý Trung tâm thông tin tín dụng (CIC).
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã bổ nhiệm ông Lê Thái Nam - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nhà máy In tiền Quốc gia, giữ chức thành viên chuyên trách Hội đồng quản lý CIC kể từ ngày 15/2/2024. Thời hạn giữ chức vụ của ông Lê Thái Nam là kể từ ngày được điều động, bổ nhiệm cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Theo kế hoạch hoạt động của CIC, trong tháng 2/2024, cơ quan này trình Thống đốc ban hành Quyết định hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng. Đồng thời, CIC cũng tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn thực hiện Thông tư số 15/2023/TT-NHNN và Quyết định Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng tới các tổ chức tín dụng trong quý I/2024.
Về hoạt động của CIC thời gian qua, trong năm 2023, CIC đã tiếp nhận và xử lý 150 nghìn tệp dữ liệu từ tất cả các tổ chức tham gia hệ thống. Tỷ lệ xử lý, cập nhật thông tin tự động đạt trên 75%. Thời gian cập nhật, xử lý dữ liệu được cải thiện với tỷ lệ 92% file dữ liệu cập nhật vào cơ sở dữ liệu trong thời gian 10 ngày đầu tháng, tăng 25,5% so với năm 2022 (tỷ lệ năm 2022 là 66,5%).
Năm 2023, cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng đã tăng 2,3 triệu khách hàng, đạt mức tăng trưởng hơn 4,3%, và đạt 55,3 triệu hồ sơ khách hàng vay. Mức độ bao phủ thông tin tín dụng đạt tỷ lệ khoảng trên 72% trên tổng dân số trưởng thành.
NHNN phải hoàn thành giải pháp quản lý thị trường vàng trong quý I
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I năm 2024.
Điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạ lãi suất cho vay, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế "tín dụng đen".
Tiếp tục thực hiện các giải pháp để triển khai các chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ; 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024; quản lý chặt chẽ các nguồn thu; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, các khoản chi không thật sự cấp bách theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 19/2: Thông tin mới nhất về cơ cấu SCB