Tin ngân hàng ngày 20/6: VietinBank phát hành chứng chỉ tiền gửi, mệnh giá từ 1 tỷ đồng
Tin ngân hàng ngày 19/6: Yêu cầu NHNN làm việc với các ngân hàng để hạ lãi suất cho vay Tin ngân hàng ngày 18/6: Chỉ bán vàng khi đăng ký mua trực tuyến |
VietinBank phát hành chứng chỉ tiền gửi, mệnh giá từ 1 tỷ đồng
Ngân hàng VietinBank vừa phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi mang tên FLEXI. Mệnh giá tối thiểu của chứng chỉ tiền gửi này là 1 tỷ đồng. Mỗi khách hàng được mua tối đa 30 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Khi có nhu cầu vốn trước hạn, khách hàng có thể chuyển nhượng lại cho khách hàng khác hoặc Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương (CTS) với giá thỏa thuận bằng hình thức giao dịch linh hoạt, an toàn và nhanh chóng.
Lãi suất của chứng chỉ tiền gửi này sẽ tương đương với biểu lãi suất hiện hành mà VietinBank công bố. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm VietinBank áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm.
Trước đó, ngân hàng PVcomBank cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 2 năm 2024. Tuy nhiên, mức lãi suất đối với chứng chỉ tiền gửi mà PvcomBank công bố lên tới 8%/năm. Mức mệnh giá chứng chỉ tiền gửi từ 10 triệu đồng. Chứng chỉ tiền gửi của PVcomBank có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố tùy theo thỏa thuận.
Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng, ngân hàng phát hành để huy động vốn. Chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn dài, lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, đối với chứng chỉ tiền gửi, người mua sẽ không được phép tất toán trước khi hết hạn. Nếu có nhu cầu rút tiền gấp, người sở hữu có thể chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi cho người khác tùy thuộc vào điều kiện mà loại hình chứng chỉ tiền gửi đã mua. Trong khi, đối với tiền gửi tiết kiệm, người gửi tiền có thể rút tiền mà không phải chịu phạt hoặc mất lợi suất nếu thực hiện sau khi đủ thời hạn quy định.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm trên thị trường đã bắt đầu ghi nhận một số ngân hàng trả lãi lên tới 6%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên. Tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, nhiều ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 12 tháng lên tới 5%/năm như Techcombank, VPBank,…
Yêu cầu khẩn trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Mục tiêu được Chính phủ đề ra tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4-4,5%).
Để thực hiện được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm việc ngay với các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN khẩn trương hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trong tháng 6 năm nay, xây dựng phương án xử lý đối với Ngân hàng SCB .
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định trong tháng 6 này để tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; rà soát các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa mà Chính phủ sẽ triển khai là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ. Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về việc xử lý các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại SBIC.
Chính thức gia hạn Thông tư 02 về giãn nợ đến hết năm 2024
Mới đây, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị, NHNN cho biết, ngày 18/6/2024, NHNN đã ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024.
Như vậy, NHNN gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết năm 2024 thay vì kết thúc vào ngày 30/6.
Về tăng trưởng tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước. Đến 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân. NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng khả quan.
NHNN cho biết sẽ chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Bên cạnh đó, NHNN theo dõi sát tình hình triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. kịp thời tháo gỡ khó khăn.
SCB rao bán 23 ô tô, thấp nhất hơn 100 triệu đồng/xe
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa có thông báo về việc bán thanh lý 23 xe ô tô chuyên dùng. Tất cả xe này đều mang biển kiểm soát TP HCM. Các xe này có năm sản xuất từ 2004-2008. Giá bán thanh lý khởi điểm từ 106,92 triệu đồng đến 220,32 triệu đồng. Người muốn mua xe thanh lý, có thể xem xe tại số 162 Nguyễn Thị Định, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP HCM.
SCB sẽ tổ chức bán thanh lý bằng hình thức chào giá kín bỏ vào phong bì, dán kín niêm phong và gửi về lầu 6, 927 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5, TP HCM.
SCB sẽ chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tất cả chi phí liên quan còn lại (gồm các khoản phí, lệ phí, thuế…) do người mua chịu trách nhiệm chi trả. Người trúng giá sẽ tự thực hiện các thủ tục đăng ký sang tên theo quy định.
Cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải đặt cọc 30 triệu đồng/xe. Thời gian nộp tiền đặt cọc cùng với thời điểm đăng ký, nếu không đặt cọc xem như không đăng ký.
Cá nhân, tổ chức đăng ký mua thanh lý không trúng giá chào mua sẽ được hoàn trả lại tiền đặt cọc. Tuy nhiên, SCB sẽ giữ lại tiền đặt cọc của 3 người có giá chào mua cao nhất theo thứ tự từ cao nhất liền kề.
Đối với người trúng giá mua thanh lý, số tiền đặt cọc sẽ được trừ vào số tiền thanh toán mua xe ô tô chuyên dùng thanh lý. Nếu người trúng giá mua từ chối mua sẽ bị mất toàn bộ số tiền đã đặt cọc tại SCB .
Trường hợp cá nhân, tổ chức bỏ giá chào mua thấp hơn giá khởi điểm của SCB đưa ra sẽ mất tiền đặt cọc. Nếu nhiều cá nhân, tổ chức cùng đăng ký mua với cùng một mức giá, Hội đồng thanh lý sẽ thông báo các bên thương lượng, nếu không thương lượng được Hội đồng thanh lý sẽ tổ chức bốc thăm chọn người trúng thầu.
Trong vòng 10 ngày làm việc, cá nhân hay tổ chức trúng giá phải liên hệ SCB để thực hiện các thủ tục mua thanh lý theo quy định. Nếu không liên hệ theo thời gian quy định nêu trên, SCB sẽ chọn cá nhân, tổ chức có giá trúng liền kề thấp hơn kế tiếp.
Trước đó, SCB đã thanh lý lô 23 ô tô chuyên dụng dùng để chở tiền với giá khởi điểm 3,98 tỷ đồng. Lô xe thanh lý gồm 17 ô tô Mitsubishi Pajero và 6 ô tô Hyundai Starex từng được SCB dùng làm xe chở tiền. Tất cả đều mang biển số TP HCM, đăng ký trong giai đoạn 2004-2011.
Kinh Bắc sử dụng 10 triệu cổ phiếu KBC của Chủ tịch để vay ngân hàng
Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) vừa có văn bản báo cáo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với nội dung thông qua việc sử dụng 10 triệu cổ phiếu KBC của Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm làm tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trả nợ các khoản vay trong năm 2024 tại các tổ chức tín dụng.
Trụ sở Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc |
Thời hạn bảo đảm được tính từ ngày phát sinh các khoản vay (17/6) cho đến khi toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của KBC hoàn tất.
Đóng cửa phiên ngày 19/6, giá cổ phiếu KBS giảm 1,64% so với giá tham chiếu, xuống còn 29.900 đồng/cổ phiếu. Tạm tính với mức giá này, ước tính trị giá lô cổ phiếu trên là 299 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới đây, ông Đặng Thành Tâm đang nắm giữ hơn 138 triệu cổ phiếu KBC, tương ứng khoảng 18% vốn điều lệ của KBC. Như vậy, số cổ phiếu mà ông Tâm làm tài sản bảo đảm vay ngân hàng chỉ chiếm 7,2%.
Về kết quả kinh doanh của KBC, báo cáo tài chính quý I/2024 cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp này chỉ đạt mức 152 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với quý I/2023 do không ghi nhận doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng.
Sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán và các chi phí khác, KBC báo lỗ 85,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi 940 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 4 quý liên tiếp có lãi. Với kết quả trên, doanh nghiệp còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận năm 2024 là 4.000 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng nợ phải trả của KBC ghi nhận lên đến 19.193 tỷ đồng (tăng gần 6.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023), chủ yếu phát sinh từ khoản phải trả dài hạn cho Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Hàm Tân 5.650 tỷ đồng.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 20/6: VietinBank phát hành chứng chỉ tiền gửi, mệnh giá từ 1 tỷ đồng