Tin ngân hàng ngày 21/10: TPBank lãi trước thuế đạt 4.959 tỷ đồng trong 9 tháng
Tin ngân hàng ngày 20/10: Nợ có khả năng mất vốn tại Saigonbank chiếm 70% nợ xấu Tin ngân hàng ngày 19/10: Ngân hàng Bản Việt ưu đãi lãi suất cho nhu cầu sản xuất cuối năm |
TPBank lãi trước thuế đạt 4.959 tỷ đồng trong 9 tháng
Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.575 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đạt 4.959 tỷ đồng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của TPBank giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ, đạt 8.429 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại ngân hàng này có khoảng 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ, trong đó riêng 9 tháng đầu năm nay có thêm hơn 1,5 triệu khách hàng mới. Nhờ lượng khách hàng tăng nhanh giúp thu nhập từ dịch vụ của TPBank cũng được đẩy lên cao, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.165 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối 9 tháng đầu năm tăng 32% đạt 437 tỷ đồng trong khi lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp rưỡi đạt 824 tỷ đồng.
Tổng cộng TPBank đạt 6.935 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay, giảm 9% so với cùng kỳ.
Do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thêm 14% so với cùng kỳ, lên 1.976 tỷ đồng, khiến lợi nhuận 9 tháng của ngân hàng giảm 16% so với cùng kỳ, xuống còn 4.959 tỷ đồng.
Kết thúc 9 tháng năm 2023, tổng tài sản của TPBank tăng 5% so với cuối năm trước, đạt trên 344.400 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng ấn tượng với 12% sau 9 tháng, đạt gần 180 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên huy động vốn khách hàng không tốt như cho vay ra, và gần như không tăng trưởng so với cuối năm ngoái.
Chất lượng tín dụng của TPBank được kiểm soát trong mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước (dưới 3% trên tổng dư nợ), tuy nhiên nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ lại tăng mạnh, khiến con số tuyệt đối về nợ xấu tăng khá cao so với cuối năm 2022, ở mức 5.350 tỷ đồng.
Các chỉ số an toàn khác được TPBank duy trì ở mức tốt, trong đó hệ số an toàn vốn (CAR)theo chuẩn Basel III đạt 11%, thuộc top cao của ngành ngân hàng.
Riêng năm nay, TPBank đã kết giảm lãi vay khoảng 1.400 tỷ đồng cùng 76 tỷ đồng các loại phí cho khách hàng. Đầu năm, TPBank cũng đã tăng vốn điều lệ lên hơn 22.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 39,19%.
SeABank thu về 4,3 nghìn tỷ đồng sau thương vụ bán vốn góp cho AEON Financial Service
Ngày 20/10/2023, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. với giá chuyển nhượng là 4.300 tỷ đồng.
Sau khi chuyển giao cho SeABank và tiến hành tái cơ cấu, PTF đã tập trung xây dựng và cung cấp nhiều loại hình cho vay với thủ tục nhanh gọn; đa dạng hóa sản phẩm với lãi suất cho vay hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu thiết yếu, đa dạng từ khách hàng.
Được biết, PTF thành lập vào tháng 10/1998, là một trong những tổ chức tín dụng phi ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam và được SeABank nhận chuyển nhượng 100% vốn góp từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vào năm 2018. Hiện tại, PTF có vốn điều lệ 1.550 tỷ đồng, tổng số nhân sự gần 2.000 nhân sự và phục vụ gần 200.000 khách hàng tại 30 tỉnh thành phố trên cả nước.
AEON Financial Service Co., Ltd là thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với sự hiện diện mạnh mẽ tại Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Sau thương vụ chuyển nhượng, PTF sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông cũng như nâng cao năng lực tài chính của SeABank. Đây sẽ là nguồn lực để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, hướng tới mục tiêu để SeABank trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất.
NHNN tiếp tục phát hành gần 8.400 tỷ đồng qua kênh tín phiếu
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo phương thức đấu thầu lãi suất trong phiên 20/10. Kết quả, có 4/5 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng đạt 1.650 tỷ đồng. Đây là mức trúng thầu thấp nhất kể từ khi NHNN mở lại kênh phát hành tín phiếu vào giữa tháng 9.
Mặt khác, lãi suất trúng thầu tín phiếu tiếp tục duy trì ở mức 1,45% - cao nhất từ đầu chu kỳ. Khối lượng tín phiếu trúng thầu và số lượng thành viên tham gia ở mức thấp, đi cùng lãi suất tăng mạnh cho thấy thanh khoản hệ thống đã phần nào bớt dư thừa.
Trước đó, lượng tín phiếu trúng thầu trong phiên 19/10 đã bất ngờ giảm mạnh xuống còn 4.250 tỷ, từ mức 10.000 - 20.000 tỷ đồng trong những phiên trước đó; đồng thời lãi suất tăng mạnh lên 1,45%
Lượng tín phiếu phát hành bất ngờ giảm sâu trong bối cảnh các lô tín phiếu đầu tiên phát hành trong phiên 21/9 và 22/9 bắt đầu đáo hạn vào ngày hôm qua và hôm nay. Với tổng lượng tín phiếu đáo hạn đạt gần 20.000 tỷ, Nhà điều hành đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng gần 14.100 tỷ trong hai phiên vừa qua, riêng phiên 20/10 là 8.350 tỷ.
Lượng tín phiếu lưu hành cũng đã giảm về còn gần 241.600 tỷ đồng. Số tín phiếu này sẽ lần lượt đáo hạn từ đầu tuần sau đến giữa tháng 11. Trường hợp NHNN không phát hành tín phiếu mới, hệ thống ngân hàng sẽ được bơm trả số tiền tương ứng và thanh khoản các nhà băng sẽ trở nên dồi dào hơn.
Trước đó, NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu từ phiên 21/9, sau hơn 6 tháng tạm ngưng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Sau 22 phiên chào thầu liên tiếp, tổng lượng tín phiếu được NHNN phát hành hiện đạt 261.595 tỷ đồng, trong đó đã có 19.995 tỷ đồng đã đáo hạn.
Vietcombank giảm lãi suất huy động liên tục trong hơn một tháng
Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ 20/10/2023. Ngân hàng tiếp tục giảm 0,2 điểm % lãi suất ở nhiều kỳ hạn, xuống mức thấp lịch sử.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm từ 3%/năm xuống còn 2,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 3,3% xuống 3,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 giảm cũng giảm 0,2% xuống còn 4,1%/năm.
Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngân hàng áp dụng chung một mức 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước. Đây cũng là lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank hiện nay.
Như vậy, Vietcombank đã có tới 3 lần giảm lãi suất trong hơn 1 tháng. Cụ thể, nhà băng này đã giảm 0,3 điểm % lãi suất tiền gửi từ ngày 14/9, sau đó tiếp tục giảm thêm 0,2 điểm % từ ngày 3/10. Tổng mức giảm lãi suất huy động trong 1 tháng qua lên tới 0,7 điểm %.
Mức lãi suất 5,1% hiện nay của Vietcombank đã là mức thấp nhất trong lịch sử của nhà băng này, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19. Cụ thể, Vietcombank đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.
So với mức lãi suất cao nhất được thiết lập vào cuối năm ngoái (tháng 12/2022) là 7,4%/năm, Vietcombank đã giảm tới 2,3%/năm sau chưa đầy 1 năm.
Theo công ty chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV), các ngân hàng vẫn đang tích cực hạ lãi suất theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Ở thời điểm giữa tháng 10, lãi suất huy động 12 tháng nhóm ngân hàng quốc doanh là 5,3%; nhóm NHTMCP lớn (ACB, MB, VPBank, Techcombank) là 5,38%, nhóm NHTM khác là 5,7%. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất đã giảm như mục tiêu đã đề ra của Chính phủ khi lãi suất huy động và cho vay lần lượt giảm khoảng 2,5% và 1,5% - 2% so với đầu năm.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 21/10: TPBank lãi trước thuế đạt 4.959 tỷ đồng trong 9 tháng