Tin ngân hàng ngày 24/11: Cần ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ
Tin ngân hàng ngày 23/11: MB tiên phong trong công cuộc phát triển tài chính xanh Tin ngân hàng ngày 22/11: Điều chỉnh lãi suất đột ngột gây bất lợi cho nền kinh tế |
Cần ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ
Chiều 23/11, giải trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề cập đến vấn đề giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng được nhiều đại biểu nêu. Theo bà, đây là những vấn đề Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm, có rất nhiều chỉ đạo.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Dự thảo luật mà Quốc hội thảo luận vào tháng 5 có những quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân từ 5% xuống 3%. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận nhiều đại biểu có ý kiến không cần thiết phải giảm xuống 3%, quy định như vậy và đặt ra câu hỏi là quy định như vậy thì có xử lý được triệt để hay không?
“Nếu chỉ quy định thì không thể xử lý triệt để được, bởi vì quy định là để có căn cứ khi người ta sai phạm thì mình xử lý được. Quan trọng nhất đó là vấn đề tổ chức thực hiện. Đối với ngành ngân hàng, qua những sự việc vừa qua, chúng tôi nhận thức và rút kinh nghiệm để có thể có những giải pháp”, bà Hồng cho hay.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nếu chỉ với bản thân ngành ngân hàng thì chưa đủ. Bởi vì nếu quy định 5% cổ phần nhưng cổ đông cứ cố tình nhờ người khác đứng tên thì việc xử lý thao túng này cũng không thể xử lý được.
“Cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ như thế, chỗ này lại đòi hỏi phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương”, bà Hồng nhấn mạnh.
Trong dự thảo luật đã quy định với những cổ đông nắm giữ trên 1% phải công bố rất công khai. Như vậy, nếu có cổ đông mà bản thân không có thu nhập hoặc chỉ là những nhân viên bình thường mà nắm giữ một cổ đông lớn thì có thể dễ phát hiện ra.
“Để giảm thao túng về đầu ra của tổ chức tín dụng trong dự thảo luật này thiết kế phải giảm tỷ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và những khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10%. Một số đại biểu cũng nêu việc này cần phải có lộ trình. Trên thực tế thì cơ quan soạn thảo đã dự thảo một lộ trình để giảm từ 15% xuống 10%”, bà Hồng lý giải.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, phía Ngân hàng Nhà nước trong quá trình chỉ đạo điều hành và thanh tra giám sát, cũng nhận diện và nhận thức được cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Đặc biệt ở các tổ chức tín dụng có bộ phận kiểm soát, kiểm toán của từng tổ chức tín dụng.
Yêu cầu ổn định thị trường trái phiếu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1177 ngày 23/11 yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN), nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024.
Theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của DN phát hành, nhất là các DN còn khó khăn và có thể có rủi ro về khả năng trả nợ để chủ động có biện pháp, giải pháp phù hợp theo thẩm quyền nhằm ổn định thị trường.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát, chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, trái phiếu DN, tín dụng bất động sản để có các giải pháp vừa bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng vừa góp phần giải quyết khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản, trái phiếu DN. Khẩn trương báo cáo Thủ tướng trong tháng 11/2023 về kết quả triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư. Đồng thời thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những ngân hàng thương mại đưa thêm các điều kiện yêu cầu không khả thi, không đúng quy định, gây khó khăn, phiền hà cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của DN, dự án bất động sản và người mua nhà.
TPBank được chấp thuận đầu tư Công ty Quản lý quỹ Việt Cát
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa thông báo được chấp thuận việc mua lại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát, hướng tới trở thành một tập đoàn tài chính hiện đại tại Việt Nam.
Cụ thể, ngày 22/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho TPBank góp vốn, mua cổ phần để mua lại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát với số tiền tối đa 125 tỷ đồng, TPBank phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được chấp thuận.
Trước đó, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của TPBank đã thông qua chủ trương góp vốn, mua cổ phần để mua lại công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ. Theo đó, việc mua lại công ty quản lý quỹ nằm trong chiến lược phát triển TPBank giai đoạn 2023 - 2028 và tầm nhìn đến 2035, hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính hiện đại có độ bao phủ ở các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến, đem đến những lợi ích và trải nghiệm tốt nhất cho Khách hàng.
Bằng việc đáp ứng các tiêu chuẩn của cả Basel III và IFRS 9, TPBank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng đồng thời hai chuẩn mực quản trị rủi ro và báo cáo tài chính khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới. Trong hai năm liên tiếp vừa qua, TPBank là ngân hàng vững mạnh hàng đầu Việt Nam theo xếp hạng của The Asian Banker. Năm 2023, tổ chức Brand Finance cũng xếp hạng TPBank là Top 4 ngân hàng tư nhân có giá trị thương hiệu cao nhất Việt Nam. Cùng với những lợi thế đặc biệt về quản trị, tài chính và kinh doanh vững mạnh, TPBank tin tưởng có thể phát huy hết tiềm lực của công ty quản lý quỹ và phát triển nhiều sản phẩm đầu tư đưa ra thị trường, kết nối các dịch vụ và mang lại lợi ích tổng thể chung lâu dài cho toàn bộ hệ thống.
Với thế mạnh là ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số, tạo ra các dịch vụ khác biệt, TPBank cho biết sẽ từng bước hoàn thiện, số hóa các sản phẩm của công ty quản lý quỹ, từ đó hòa chung với hệ sinh thái "Ngân hàng số" - vốn là chìa khóa, chiến lược để TPBank tiến tới thành công.
Vietcombank họp cổ đông bất thường
Cuộc họp được tổ chức để miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 và các tờ trình khác (nếu có).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Hôm nay (24/11), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường tại tòa nhà Vietcombank Tower, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tại Đại hội, Vietcombank sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 và các tờ trình khác (nếu có).
Hiện danh sách ứng viên được bầu bổ sung vào HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2023 - 2028 chỉ có duy nhất bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank.
Theo sơ yếu lý lịch, bà Oanh sinh năm 1975 tại Nghệ An, hiện đang thường trú tại phố Tây Hồ, phường Quảng An, quân Tây Hồ, TP Hà Nội. Bà tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cử nhân Ngoại ngữ Đại học Ngoại Ngữ và Thạc sỹ kinh doanh Đại học New South Wales, Australia.
Bà gia nhập Vietcombank từ năm 1997 với vai trò Cán bộ Phòng Dự án - Sở giao dịch - Vietcombank, sau đó trải qua nhiều vị trí tại các phòng ban của ngân hàng. Tháng 5/2013 bà Oanh được bầu làm Ủy viên HĐQT Vietcombank. Kể từ tháng 12/2024 đến nay, bà giữ chức Phó Tổng Giám đốc ngân hàng.
Hiện HĐQT Vietcombank có 9 người, bao gồm Chủ tịch Phạm Quang Dũng và 8 thành viên HĐQT.
Ngoài việc bầu thêm thành viên HĐQT, Vietcombank cũng công bố tờ trình về việc miễn nhiệm bà La Thị Hồng Minh, thành viên Ban Kiểm soát để bố trí vị trí khác. Dự kiến sau khi miễn nhiệm bà Minh, Ban Kiểm soát của Vietcombank sẽ còn lại ba thành viên.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 24/11: Cần ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ