Tin ngân hàng ngày 25/11: Tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng kỳ hạn và thanh khoản
Tin ngân hàng ngày 24/11: Cần ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ Tin ngân hàng ngày 23/11: MB tiên phong trong công cuộc phát triển tài chính xanh |
Một số NHTM tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng kỳ hạn và thanh khoản
Tại Báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tính đến ngày 30/09/2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn toàn hệ thống đến 31/12/2022 là 25,6% không vượt ngưỡng cho phép, tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng tăng, cụ thể: Khối Ngân hàng Thương mại (NHTM) năm 2022 đạt 30,7% (năm 2021 là 26,3%); khối TCTD phi ngân hàng tăng từ 37% năm 2021 lên 42% năm 2022. Tại 31/12/2022, ngoài những NHTM yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn (Oceanbank, GPBank, CBbank, DongABank, SCB), còn có một số NHTM có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với TCTD.
Một số NHTM tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng kỳ hạn và thanh khoản/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Về lãi suất cho vay, năm 2022, NHNN đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các TCTD, tuy nhiên các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.
Cuối tháng 9/2022, trong vòng 1 tháng, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (vào ngày 23/9/2022 và ngày 25/10/2022) với tổng mức tăng 2% dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%).
Việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của NHNN, trong khi các NHTW trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022 là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định; nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì trong năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng, trong đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tiếp tục tăng, chi phí hoạt động cũng tiếp tục tăng, tỷ lệ chi phí hoạt động so với dư nợ cho vay năm 2022 tăng so với năm 2021 (Agribank tăng 0,07%, VCB tăng 0,02%, EIB tăng 0,46%, BAB tăng 0,28%...)
TPBank dự kiến rót 125 tỷ đồng vào công ty quản lý quỹ Việt Cát
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC).
Cụ thể, NHNN chấp thuận cho TPBank góp vốn, mua cổ phần để mua lại CTCP Quản lý quỹ Việt Cát với số tiền tối đa 125 tỷ đồng.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày NHNN ra văn bản chấp thuận, TPBank phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần tại VFC.
Đề án này đã được ĐHĐCĐ 2023 của TPBank thông qua hồi tháng 4. TPBank cho rằng việc góp vốn, mua cổ phần để mua lại công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ là nhu cầu tất yếu khách quan đối với TPBank và đảm bảo cơ sở pháp lý.
CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC) được thành lập từ năm 2008. VFC hiện có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, với số lượng nhân sự vỏn vẹn 14 người tính đến ngày 31/12/2022. Chủ tịch HĐQT VFC là bà Nguyễn Thị Huyền.
Tổng Giám đốc VFC là bà Võ Anh Tú được bổ nhiệm từ ngày 10/10/2022, bà có 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính - ngân hàng tại các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ như: VNDirect, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI, và đã nhiều năm đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán An Bình.
Đồng thời, bà Tú cũng là thành viên HĐQT của một số công ty trong các lĩnh vực điện tử, tin học và xây dựng: CTCP VIettronics Đống Đa, CTCP Công trình Viettronics.
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo thường niên, năm 2022, doanh thu của VFC đạt 7.83 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do trong năm, Công ty đã có doanh thu từ hoạt động tư vấn và quản lý danh mục đầu tư, quản lý quỹ. Lợi nhuận sau thuế 2022 đạt 869 triệu đồng, tăng 187% so với năm trước.
Tổng tài sản tính đến cuối năm 2022 của VFC đạt 27.9 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Trong năm 2022, Công ty không sử dụng nguồn vốn tín dụng/vốn vay nào. Các khoản nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ 3.21% tổng tài sản. Tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%.
Đối với mảng quản lý quỹ, trong năm 2022, VFC đã thành lập quỹ thành viên với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Tính từ thời điểm thành lập quỹ đến cuối năm 2022, quỹ thành viên VVIF có NAV 7,72%.
TP HCM đã giải ngân được 474 tỷ trong gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm, thủy sản
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM chia sẻ ý nghĩa và kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản trên địa bàn TP HCM. Theo ông Lệnh, gói tín dụng trị giá 15,000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ lĩnh vực lâm sản và thủy sản đã có kết quả tích cực. Trong đó, đã giải ngân 474 tỷ đồng cho 196 khách hàng, bao gồm cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp.
Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giải ngân cho vay lãi suất thấp hơn từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung và dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ, chương trình đã mang lại ý nghĩa và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố.
Số tiền giải ngân chủ yếu tập trung vào hoạt động nuôi trồng thủy sản và thu mua, tiêu thụ lâm sản. Điều này giúp doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực này tiếp cận vốn giá rẻ hơn, giảm chi phí sản xuất và duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh khó khăn. Lãi suất thấp cũng khuyến khích mở rộng sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho việc chế biến và xuất khẩu, có thể góp phần tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu tiêu thụ tăng cao.
Mặc dù nông lâm thủy sản không phải là lĩnh vực chủ yếu tại Thành phố, nhưng việc hỗ trợ này có ý nghĩa lớn trong chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế xanh, bền vững. Việc giải ngân gói tín dụng này không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tăng trưởng, mà còn tạo nền tảng để phát triển lĩnh vực này theo hướng bền vững và công nghệ cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo kết quả gói tín dụng nhà ở xã hội
Ngày 23/11, Văn phòng Chính phủ có công văn 9208/VPCP-CN gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng về chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng khẩn trương báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6745/VPCP-CN ngày 31/8/2023 của Văn phòng Chính phủ trong tháng 11/2023.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn theo dõi, bám sát tình hình triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân.
Trước đó vào cuối tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Công điện 993, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục, điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 25/11: Tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng kỳ hạn và thanh khoản