Tin ngân hàng ngày 26/12: Các ngân hàng mua lại hơn 26.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Tin ngân hàng ngày 25/12: Vietcombank rao bán tài sản của chủ hãng thời trang Jeep tại Việt Nam Tin ngân hàng ngày 23/12: Nam A Bank được chấp thuận niêm yết trên HoSE |
Các ngân hàng mua lại hơn 26.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Trong 11 tháng năm 2023, một số ngân hàng đã mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị hơn 26.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa mua lại trước hạn toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã OCBL2124011. Lô trái phiếu được phát hành ngày 15/12/2021 với thời hạn 3 năm, lãi suất cố định 3,2%/năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo và không kèm theo chứng quyền. Trước đó, OCB cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ 14 lô trái phiếu được phát hành trong năm 2021 và 2022 với tổng giá trị theo mệnh giá là 12.400 tỷ đồng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), toàn bộ hai lô trái phiếu mã LPBH2124014 và LPH2124015 phát hành hồi tháng 12/2021 với thời hạn 3 năm cũng đã được tất toán trước hạn.
Với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị trái phiếu LPBank mua lại lên tới 2.000 tỷ đồng. Hồi tháng 7 vừa qua, LPBank đã chi hơn 4.100 tỷ đồng để mua lại 4 lô trái phiếu trước hạn.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng đã có 3 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị là 1.500 tỷ đồng gồm 200 trái phiếu mã VIB_BOND_L1_2017_003 phát hành ngày 14/12/2017; 800 trái phiếu VIB_BOND_L1_2017_002 phát hành ngày 13/12/2017 và 500 trái phiếu VIB2128020 phát hành ngày 13/12/2021.
Cả 3 lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 7 năm và mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu. Kể từ đầu năm đến nay, VIB đã có 17 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị mua lại lên tới 6.000 tỷ đồng.
Trong 2 tháng cuối năm, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.300 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng này mua lại trước hạn toàn bộ 600 tỉ đồng trái phiếu VCBH2128006; 200 tỷ đồng lô trái phiếu VCBH2128002 và 500 tỉ đồng trái phiếu mã VCBH2128004.
Bổ nhiệm Chủ tịch Vietcombank làm Phó Thống đốc NHNN
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành quyết định về việc bổ nhiệm ông Phạm Quang Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giữ chức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Như vậy, ban lãnh đạo đương nhiệm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay bao gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; cùng 5 Phó Thống đốc gồm: ông Đào Minh Tú, ông Đoàn Thái Sơn, ông Phạm Tiến Dũng, ông Phạm Thanh Hà và ông Phạm Quang Dũng.
Theo tìm hiểu, ông Phạm Quang Dũng, sinh ngày 18/4/1973, có bằng Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Birmingham (Anh Quốc), với kinh nghiệm gần 30 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Bắt đầu sự nghiệp tại Vietcombank từ tháng 8/1994, ông Phạm Quang Dũng trải qua nhiều vị trí công tác tại Phòng Đầu tư và Bảo lãnh; Phòng quan hệ Quốc tế; Công ty Cho thuê tài chính và kinh qua nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Vietcombank như: Phó Chánh Văn phòng; Phó Giám đốc Công ty Tài chính Việt Nam tại Hong Kong; Trưởng phòng Quan hệ Ngân hàng đại lý; Phó Tổng Giám đốc; Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc.
Sau đó, ông Phạm Quang Dũng là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank từ 11/2014 đến 30/8/2021. Đến ngày 30/8/2021, Hội đồng quản trị Vietcombank đã họp và thống nhất bầu ông Phạm Quang Dũng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023.
Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng Vietcombank đạt 51.764 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Mặt khác, chi phí hoạt động giảm 3,2% xuống 16.163 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm mạnh các khoản chi cho hoạt động quản lý công vụ. Chi phí dự phòng rủi ro còn 6.051 tỷ đồng, tương ứng giảm 22,3%.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng Vietcombank đạt 29.550 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 23.694 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản Vietcombank ở mức hơn 1,7 triệu tỷ đồng, giảm 4,5% so với đầu năm. Tổng tài sản của Vietcombank giảm do nguyên nhân chủ yếu là tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm hơn 63 nghìn tỷ xuống còn hơn 29.300 tỷ đồng, tương đương giảm 68%.
Thanh toán xuyên biên giới chỉ bằng mã QR và ví điện tử
Mới đây nhất, Visa đã hợp tác cùng Tencent và Alipay trao quyền để chủ thẻ Việt Nam liên kết thẻ Visa với ví điện tử Weixin Pay (WeChat Pay) và Alipay - các ví điện tử hàng đầu tại Trung Quốc, để tận hưởng nhiều tiện ích thanh toán như quét mã QR, sử dụng mã thanh toán trực tuyến và thanh toán trong ứng dụng.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Như vậy, người tiêu dùng Việt Nam khi đi du lịch Trung Quốc có thể thanh toán một cách dễ dàng tại hàng triệu cửa hàng ở hơn 400 thành phố của Trung Quốc đại lục, kể cả các điểm bán hàng trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc cũng như trên ứng dụng di động, bao gồm Taobao, Ctrip, Didi, China Railway, 12306…”.
Trước đó, Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng đã liên kết với các ngân hàng mở rộng thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới. Theo đó, khách hàng của BVBank, Nam A Bank, Sacombank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, TPBank… có thể thanh toán tại Thái Lan bằng mã QR trên ứng dụng ngân hàng tại các điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR thuộc Công ty Chuyển mạch Thái Lan (NITMX), có biểu tượng Promptpay hoặc logo của ngân hàng tại Thái Lan như Bangkok Bank, SCB Bank, KasikornBank, Krung Thai Bank, BAY. Giá trị giao dịch được quy đổi từ bath Thái sang tiền đồng theo tỷ giá quy định tại thời điểm thanh toán.
Đại diện NAPAS cho biết, kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR giữa Việt Nam và Thái Lan là một phần trong khuôn khổ hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ngân hàng trung ương Thái Lan, trong đó NAPAS và NITMX làm trung gian liên thông. Hiện các ngân hàng khác đang xúc tiến hoàn tất các kết nối hệ thống với NAPAS và NITMX để sớm áp dụng thanh toán xuyên biên giới.
Không chỉ Thái Lan, mới đây, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị song phương giữa NHNN Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Campuchia, NHNN Việt Nam và Ngân hàng CHDCND Lào, các bên đã công bố kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam và Lào.
Đại diện NAPAS cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hợp tác với phía Campuchia, Lào để mở rộng các ngân hàng Việt Nam tham gia triển khai dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của du khách các nước. Như vậy, chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, NAPAS đã triển khai hợp tác thanh toán ngoài vùng lãnh thổ với 3 đối tác quan trọng gồm Thái Lan, Lào và Campuchia.
Lãi suất gửi tiết kiệm chỉ còn 1,9%/năm
Lãi suất gửi tiết kiệm tại một ngân hàng thương mại nhà nước xuất hiện đáy mới cho các kỳ hạn ngắn 1-2 tháng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo tìm hiểu, ngày 25/12, trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, giảm thêm 0,3 điểm % so với trước đó.
Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Ở các kỳ hạn khác, Vietcombank không thay đổi mức lãi suất. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này là 4,8%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.
Mặt bằng lãi suất ở nhóm Big4 (4 ngân hàng thương mại nhà nước) cũng bắt đầu có sự cách biệt. Agribank là ngân hàng tiếp theo giảm lãi suất mạnh tay hơn thời gian qua.
Hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thấp nhất tại ngân hàng này là 2,2%/năm cho các kỳ hạn 1-2 tháng. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên lãi suất là 5%/năm và cao nhất là 5,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Trong khi đó, VietinBank và BIDV áp dụng biểu lãi suất huy động giống nhau, với mức lãi suất kỳ hạn ngắn 1-2 tháng là 2,3%/năm. Khách hàng gửi kỳ hạn dài hơn lãi suất sẽ tăng lên như từ 3-6 tháng là 2,9%/năm.
Lãi suất cao nhất tại 2 ngân hàng này là 5,3%/năm khi khách gửi từ 24 tháng trở lên.
Như vậy, lãi suất tiền gửi đã xuất hiện đáy mới cho các khoản tiền tiết kiệm có kỳ hạn. Ở khối ngân hàng cổ phần, mặt bằng lãi suất cũng không ngừng đi xuống. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần cũng thu hẹp, thay vì ở mức 2-3 điểm % trước đây, giờ chỉ còn dưới 2 điểm %.
Chẳng hạn, mức lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng giờ khoảng 5,75%/năm, chỉ cao hơn lãi suất thấp nhất tại Vietcombank cùng kỳ hạn là 0,95 điểm %.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 26/12: Các ngân hàng mua lại hơn 26.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn