Tin ngân hàng ngày 28/5: Sacombank hạ giá 19 căn hộ dự án Xi Grand Court
Tin ngân hàng ngày 27/5: Kiến nghị gói vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 3-5% Tin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1% vào 6 tháng cuối năm |
Sacombank hạ giá 19 căn hộ dự án Xi Grand Court
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa thông báo bán đấu giá loạt tài sản để thu hồi nợ. Đây đều là tài sản thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận tại quận 10, TP HCM.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, tài sản bán đấu giá bao gồm 19 căn hộ thuộc dự án Xi Grand Court tại địa chỉ 256-258 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP HCM. Diện tích các căn hộ này dao động từ 48 m2 đến 109 m2.
Trong lô tài sản là các căn hộ chung cư kể trên, có 9 căn hộ thuộc loại 1-3 phòng ngủ đã hoàn thiện cơ bản và 10 căn penthouse vẫn ở tình trạng thô. Đáng chú ý, lô tài sản này đã được Sacombank rao bán nhiều lần trước đó với giá giảm liên tục nhưng vẫn trong tình trạng ế người mua.
Ở lần đấu giá này, giá khởi điểm Sacombank đưa ra đã giảm xuống còn từ 2,3 tỷ đến 7,5 tỷ đồng, tùy diện tích và chưa gồm thuế VAT, phí bảo trì. Trước đó, lần đấu giá đầu tiên hồi tháng 7/2020, giá khởi điểm mà ngân hàng đưa ra lên tới 3,2 tỷ đến 9,8 tỷ đồng.
Theo đó, căn hộ tại tòa C có diện tích thông thủy 48 m2 đã hoàn thiện cơ bản đang được rao bán với giá 2,39 tỷ đồng, giảm gần 1 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên. Tương tự, căn Penthouse tại tầng 28-29.03, có diện tích hơn 130 m2 từng được rao bán với giá gần 9,8 tỷ đồng, nay đã giảm còn 7,49 tỷ đồng…
Cũng tại dự án này, Sacombank đang thanh lý gần 13.300 m2 diện tích sàn tầng hầm B1 với giá 220 tỷ đồng, 870 m2 diện tích sàn trung tâm thương mại tầng 5 với giá 41 tỷ đồng, 2.244 m2 diện tích sàn thương mại - dịch vụ tầng 7 với giá 104 tỷ.
Dự án Xi Grand Court gồm 4 tòa nhà cao 27-29 tầng, được xây dựng trên khu đất diện tích 1,8 ha với vị trí đắc địa ở quận 10. Dự án này do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận làm chủ đầu tư với tổng mức vốn 2.285 tỷ đồng. Khu căn hộ với 740 căn được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017.
NHNN xây dựng thông tư quy định về hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo Ban soạn thảo, việc ban hành thông tư về hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là cần thiết nhắm tạo cơ sở pháp lý, khắc phục một số vướng mắc, khó khăn của cơ quan quản lý.
Những bất cập cụ thể như: (i) chưa có căn cứ để thực hiện thanh tra trên cơ sở tuân thủ đối với hoạt động tư vấn ngân hàng; (ii) hoạt động tư vấn ngân hàng chưa được cụ thể hóa dẫn đến khó khăn trong việc xác định chính xác nội dung và phạm vi thanh tra.
Về quan điểm xây dựng dự thảo, thông tư về hoạt động tư vấn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là văn bản mới, nên để có đầy đủ thông tin phục vụ việc xây dựng dự thảo thông tư, NHNN đã nghiên cứu, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình quản lý hoạt động tư vấn hiện đang được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp.
Bên cạnh đó, NHNN cũng thực hiện rà soát các nội dung cam kết của Việt Nam đối với dịch vụ tư vấn và đối chiếu với hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm của Liên Hợp Quốc (phiên bản 2.1 năm 2014) để xác định nội hàm của hoạt động tư vấn và một số mã ngành liên quan đến dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN cũng nghiên cứu kinh nghiệm của các nước (Singapore, Úc, Malaysia, Nam Phi) về khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động tư vấn.
Tín dụng có thể tăng trưởng nóng nếu bỏ "room"
Trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN cho biết từ năm 2024 đã bỏ "room" tín dụng với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với các tổ chức tín dụng còn lại, cơ quan này rà soát để từng bước dỡ bỏ hạn mức này, tuy nhiên còn một số khó khăn.
"Room" tín dụng là hạn mức về chỉ tiêu tăng trưởng vốn, được NHNN phân bổ tới từng ngân hàng. Hạn mức này được nhà điều hành tính toán dựa trên các yếu tố đầu vào, gồm dư nợ tín dụng, điểm xếp hạng, các khoản bán dư nợ tín dụng...
Theo NHNN, khó khăn lớn nhất là đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn từ ngân hàng. Đến nay đặc thù này vẫn chưa thay đổi. Áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế tiếp tục đè nặng lên hệ thống ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản.
"Với điều kiện kinh tế đặc thù của Việt Nam, nếu ngân hàng tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát, hệ thống có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011", báo cáo của NHNN nêu.
Cơ quan này cũng lo ngại điều này tạo nguy cơ nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng và rủi ro bất ổn vĩ mô, lạm phát.
Do vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là cần thiết. "Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình và từng bước thực hiện phù hợp điều kiện thị trường", NHNN đánh giá.
NHNN cũng cho rằng, trường hợp bỏ cơ chế phân bổ "room" tín dụng, việc kiểm soát được thực hiện thông qua các chỉ tiêu về an toàn vốn, hoạt động. Để đạt được điều này, nhà điều hành cho biết chỉ đạo các tổ chức tín dụng tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao chuẩn mực quản trị.
Giai đoạn trước 2011, tỷ lệ tín dụng trên GDP tăng nhanh, kéo theo hệ lụy là cuộc đua lãi suất huy động, cho vay và nợ xấu tăng cao. Nhiều nhà băng có nguy cơ mất thanh khoản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Năm nay, NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các nhà băng ngay đầu năm với định hướng tăng trưởng 15%. Đây cũng là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng so với mọi năm, vốn thường chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị.
Napas đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công trực tuyến
Napas triển khai nhiều hình thức thanh toán trên cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID để tăng tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp
Đối với kênh thanh toán trên cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), Napas đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán trực tuyến tới 63 địa phương, 21 đơn vị là các bộ, cục, cơ quan.
Theo đó, người dân có thể thanh toán trực tuyến gồm: đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, giao thông; tạm ứng án phí và phí, lệ phí thủ tục hành chính; khai, nộp thuế cá nhân.
Người dùng có thể lựa chọn các hình thức thanh toán như thẻ nội địa Napas, tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng và mã VietQR. Thời gian tới, Napas tiếp tục triển khai phương thức thanh toán thông qua tài khoản mobile money.
Theo đại diện Napas, thói quen thanh toán dịch vụ công trực tuyến của người dân ngày càng nhiều. Cụ thể, trong năm 2023, giao dịch trên cổng dịch vụ công quốc gia được xử lý qua đơn vị tăng 540% về số lượng và 149% về giá trị so với năm 2022. Năm nay, tính đến hết quý I, giao dịch tăng 153% về số lượng và 129% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Đối với kênh thanh toán trên ứng dụng VNeID, Napas tiếp tục phối hợp Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, C06, Bộ Công an cùng đơn vị liên quan triển khai thanh toán trực tuyến phí, lệ phí. Phương thức này được Bộ Công an thí điểm triển khai cho người dân tại Hà Nội và Huế. Người dân hiện có thể lựa chọn hình thức thanh toán bằng thẻ Napas của 44 ngân hàng, công ty tài chính hoặc mã VietQR qua ứng dụng của 37 nhà băng.
Trong 20 năm hoạt động và phát triển, Napas đặt mục tiêu chiến lược là đảm bảo cung ứng hạ tầng thanh toán an toàn, ổn định. Đơn vị cung cấp các phương thức thanh toán mới, hiện đại, nhiều tiện ích, an toàn, nhanh chóng cho người dân với chi phí hợp lý.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 28/5: Sacombank hạ giá 19 căn hộ dự án Xi Grand Court