Tin ngân hàng ngày 29/12: Agribank thanh lý hàng chục nghìn tấn thép để thu hồi nợ xấu
Tin ngân hàng ngày 28/12: Kho bạc Nhà nước đang gửi 900.000 tỷ đồng tại những ngân hàng nào? Tin ngân hàng ngày 27/12: Ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được nới room ngoại lên 49%? |
Agribank thanh lý hàng chục nghìn tấn thép để thu hồi nợ xấu
Theo đó, bên cạnh các tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Agribank còn rao bán cả sắt thép để thu hồi nợ xấu. Các lô thép này là tài sản cầm cố của các doanh nghiệp, đang được lưu trữ tại KCN Mỹ Phước 3 thời gian từ khoảng năm 2017.
Agribank thanh lý hàng chục nghìn tấn thép để thu hồi nợ xấu/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, Agribank Chi nhánh An Phú vừa thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Đầu tư Khang Duy. Đây là tài sản cầm cố cho khoản vay của công ty này tại Agribank An Phú theo các hợp đồng cầm cố được ký lần lượt tháng 4/2017, tháng 3 và tháng 4/2018.
Phía Agribank không công bố thông tin về tổng dư nợ của doanh nghiệp trên nhưng cho biết nợ này được thế chấp bằng 3 lô thép cuộn cán nóng và thép mạ kẽm với tổng khối lượng lên đến 5.966 tấn. Số tài sản trên được lưu kho tại Lô C-3D, KCN Mỹ Phước 3, P.Thới Hoà, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Theo đó, gần 6.000 tấn thép được Agribank đem ra bán đấu giá để thu hồi nợ xấu với giá khởi điểm gần 70 tỷ đồng, tương ứng giá khởi điểm bình quân 11,68 triệu đồng/tấn. Được biết, mức giá này thấp hơn 2-2,3 triệu đồng/tấn so với giá bán trên thị trường hiện nay.
Trước đó, lô thép hơn 5.600 tấn của Công ty Tư vấn và Đầu tư KDG cũng được Agribank rao bán. Được biết, các lô thép của công ty KDG đã lưu kho khoảng 4-5 năm tại Lô C-3D, KCN Mỹ Phước 3, P.Thới Hoà, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Giá khởi điểm của Agribank đưa ra cho 5.623 tấn thép các loại này hơn 70,34 tỷ đồng, tương ứng giá khởi điểm bình quân khoảng 12,51 triệu đồng/tấn.
Bên cạnh lô thép của Công ty Khang Duy, Công ty Đầu tư KDG, 2 lô thép với tổng khối lượng hơn 3.100 tấn của Công ty Gia Vượng cũng được Agribank rao bán với giá khởi điểm gần 33,4 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 10,76 triệu đồng/tấn, chưa bao gồm VAT và các loại phí khác.
Được biết, đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại thép - Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Gia Vượng tại Agribank chi nhánh An Phú.
Kiều hối tăng mạnh dịp cuối năm
Tháng cuối cùng của năm, kiều hối vào mùa cao điểm. Lượng kiều hối về TP HCM ước đạt khoảng 6,8 tỷ USD. Dù thấp hơn đôi chút so với cùng kỳ năm trước nhưng lượng kiều hối về thành phố chiếm gần một nửa quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đây là nguồn vốn quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội TP HCM cũng như cả nước.
Tháng 12, các công ty kiều hối bước vào mùa bận rộn nhất trong năm. Ghi nhận tại một số công ty kiều hối có thị phần lớn nhất thị trường, tháng 12 này lượng kiều hối chuyển về cao hơn khoảng 20 - 30% so với bình quân các tháng trong năm. Như tại Công ty Kiều hối Sacombank SBR, số lượng giao dịch kiều hối tăng khoảng 10%.
"Lượng kiều hối năm nay chuyển về không khác gì năm 2021. Đặc biệt, năm nay thị trường Mỹ, châu Úc, châu Âu mặc dù có những khó khăn chung nhưng lượng kiều hối chuyển về vẫn ổn định", ông Trần Minh Khoa - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kiều hối Sacombank SBR cho biết.
Bên cạnh lý do cận kề Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, việc đồng USD yếu đi, đồng nội tệ các quốc gia có đông lao động Việt mạnh lên cũng là yếu tố quan trọng khiến lượng kiều hối tăng đáng kể.
Riêng tại TP HCM, lượng kiều hối chuyển về trong năm nay ước đạt 6,8 tỷ USD. Dù thấp hơn con số 7,1 tỷ USD trong năm ngoái nhưng vẫn là con số rất tích cực.
Theo ông Nguyễn Văn Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM: "Cùng với các nguồn vốn ngoại tệ như thu hút vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối sẽ hỗ trợ cho nguồn cung ngoại tệ, ở góc độ đó đảm bảo nguồn cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Đặc biệt, kiều hối hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội".
Quy mô kiều hối chuyển về TP HCM trong năm nay, tương đương khoảng 48% tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, dù kiều hối được sử dụng để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh hay tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân… đều là nguồn lực tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội.
VIB vào top 50 công ty kinh doanh hiệu quả
VIB dẫn đầu ngành ngân hàng, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.
Bảng xếp hạng 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Top 50) do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) thực hiện thường niên, với sự tham vấn của các chuyên gia kinh tế, kinh doanh từ trường Kinh doanh Harvard.
Top 50 triển khai trên cơ sở đo lường kết quả kinh doanh các công ty liên tiếp 3 năm, dựa vào 3 chỉ số tăng trưởng: doanh thu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên cổ phiếu. Kết quả đo lường nhằm đánh giá khách quan năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Góp mặt trong top 50 lần này ở ngành ngân hàng có VIB cùng TPBank, MB, SHB, Techcombank, ACB, VPBank và Vietcombank.
Những năm qua, 8 ngân hàng trong bảng xếp hạng cũng có những bước chuyển đổi chiến lược, đổi mới trong sản phẩm dịch vụ, qua đó đưa tăng trưởng doanh thu trung bình trong 3 năm đạt trên 17%. Trong đó, VIB, TPBank và MB có tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 28,3%, 26,1% và 19%.
ROE trung bình của top 8 đạt 22% cao hơn mức trung bình ngành là 17%. Trong đó, VIB dẫn đầu ngành với ROE trung bình giai đoạn 2019 - 2021 là 29%. Các nhà băng cũng đầu tư vào con người, công nghệ và nền tảng vận hành, đẩy mạnh các nền tảng số hóa, xây dựng mô hình vận hành và quy chuẩn bộ sản phẩm dịch vụ phục vụ khách hàng.
Năm 2022, ngành ngân hàng tiếp tục dẫn đầu top 50 công ty niêm yết tốt nhất 2022 với 7 đại diện theo công bố của Forbes. Đà tăng trưởng bền vững là điểm nổi bật của các ngân hàng trong danh sách. Những năm qua, các ngân hàng này đã xây dựng bộ đệm vững chắc về nội lực, thiết lập đà tăng trưởng bền vững, mở rộng về quy mô vốn, duy trì các chỉ số an toàn và hiệu quả hoạt động trong nhóm dẫn đầu thị trường.
Nam A Bank ưu đãi chi tiêu thẻ tín dụng
Theo đó, khách hàng chi tiêu qua thẻ tín dụng Nam A Bank có thể được giảm 50% dịch vụ di chuyển qua Grab, ưu đãi mua sắm tại điện máy Chợ Lớn...
Thẻ tín dụng Nam A Bank/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Nhu cầu mua sắm cuối năm, nhiều ngân hàng triển khai ưu đãi mảng chi tiêu thẻ, giảm giá khi thanh toán qua thẻ, cùng các gói khuyến mãi. Tại Nam A Bank, ngân hàng giảm ngay 600.000 đồng cho chủ thẻ Nam A Bank JCB khi mua sắm tại hệ thống siêu thị điện máy Chợ Lớn, giảm 50.000 đồng khi đặt đồ ăn qua ứng dụng Baemin và giảm đến 50% cho các dịch vụ di chuyển qua Grab. Chủ thẻ còn được tặng vali du lịch cao cấp khi thanh toán du lịch trọn gói tại Vietravel từ 5 triệu đồng trở lên.
Ngân hàng cũng tặng đặc quyền như miễn phí sử dụng dịch vụ phòng hạng thương gia tại 8 phòng chờ tại Việt Nam và hơn 67 phòng chờ quốc tế, lượt chơi Golf miễn phí tại 20 sân Golf Việt Nam, các đặc quyền tại khách sạn, khu nghĩ dưỡng, ẩm thực cao cấp vào tất cả các ngày trong tuần và cuối tuần, lễ Tết.
Với chủ thẻ Happy Golf, ngân hàng tặng thêm đặc quyền khi mua dòng điện thoại cao cấp đến từ Anh - XOR. Cụ thể, khi mua điện thoại này tại Glux, chủ thẻ nhận quà tặng đến 2,5 triệu đồng cùng các quyền lợi về lượt chơi Golf, phí thường niên thẻ Golf tại VGS.
Ngoài ra, khi mua sắm qua thẻ bằng hình thức trả góp khách hàng nhận ngay ưu đãi lãi suất 0% và cơ hội hoàn phí trả góp đến một triệu đồng tại các đối tác không liên kết.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 514.200 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng 10 và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 29/12: Agribank thanh lý hàng chục nghìn tấn thép để thu hồi nợ xấu