Tin ngân hàng ngày 29/5: Lãi cho vay cần thêm vài tháng nữa để "hạ nhiệt"
Tin ngân hàng tuần qua: Các ngân hàng thương mại sắp hạ lãi suất cho vay Tin ngân hàng ngày 27/5: Sẽ giảm 0,5% lãi suất khoản vay cũ từ 29/5 |
Lãi cho vay cần thêm vài tháng nữa để hạ nhiệt
Từ ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức giảm thêm một loạt lãi suất điều hành trong bối cảnh kinh tế thế giới có biểu hiện suy thoái, lạm phát trong nước hạ nhiệt từ đỉnh, doanh nghiệp suy yếu. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp từ đầu năm đến nay. Với mức cắt giảm lần này, trần lãi suất huy động trở về mức trước khi Covid-19 diễn ra. Tuy vậy, theo tính toán của các chuyên gia phân tích, lãi suất cho vay bình quân vẫn cao hơn trước dịch khoảng 1%.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành cho thấy quyết tâm của nhà điều hành trong giảm lãi suất cho vay. Trong 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm đến nay, có tới 2 lần giảm trần lãi suất huy động. Giảm trần lãi suất huy động là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm lãi suất cho vay. Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, lãi suất cho vay cần thêm vài tháng nữa mới có thể hạ nhiệt.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định, giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tích cực tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy vậy, lãi vay chưa thể giảm ngay, mà cần thêm vài tháng nữa, khi ngân hàng “hấp thụ” hết nguồn vốn huy động với giá cao trước đây.
Cùng với động thái hạ lãi suất điều hành, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. NHNN cũng họp khẩn với các tổ chức tín dụng, quán triệt tinh thần giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
Mặc dù việc giảm lãi suất được các doanh nghiệp vui mừng, song trong bối cảnh đơn hàng giảm 30 - 40% như hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong chờ được cơ cấu nợ, giãn nợ hơn là tiếp cận vốn mới. Với tình hình này, nhiều khả năng tín dụng cũng chưa thể bật tăng trở lại dù lãi suất cho vay có giảm thêm 1-2% nữa.
Hiện nay, NHNN đang thúc các ngân hàng thương mại nhanh chóng triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Mặc dù vậy, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng được cơ cấu nợ. “Việc cơ cấu nợ không chỉ tùy thuộc vào khả năng trả nợ nếu được cơ cấu của doanh nghiệp, mà còn tùy thuộc vào năng lực tài chính của ngân hàng”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Công an TP HCM đánh sập đường dây cho vay nặng lãi thu lợi hơn 4.100 tỉ đồng
Ngày 28/5, Công an TP HCM cho biết đã khởi tố 9 bị can là Giám đốc, Trưởng phòng, Trưởng bộ phận, Trưởng nhóm thuộc Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit; Công ty TNHH Fincap VN và Công ty TNHH Sofi Solutions về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
9 bị can bị khởi tố gồm: Nguyễn Thị Tuyết Sương (SN 1968), Trương Tuấn Tài (SN 1991), Trần Dũng (SN 1986), Cao Thị Xuân Hương (SN 1978) Đặng Hùng Tuấn (SN 1987) Nguyễn Thị Bé Năm (ngụ quận 12), Đinh Thị Hồng Loan (SN 1980), Lưu Tuấn Bình (SN 1982) và Hồ Thị Bích Chi (SN 1990).
Theo Công an TP HCM, Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit; Công ty TNHH Fincap VN và Công ty TNHH Sofi Solutions núp bóng dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính để hoạt động cho vay lãi nặng thông qua trang web tamo.vn và findo.vn.
Từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2023, thông qua 2 trang web trên, 3 công ty đã giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt vay, tổng cộng hơn 6.072 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 4.123,4 tỉ đồng. Lãi suất thấp nhất là 153,2%, cao nhất là 1.289,67%, gấp từ 7 lần đến 64 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật dân sự.
Đây là chiến công của lực lượng Công an TP HCM nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động liên quan đến "tín dụng đen".
Vietbank nhận giải thưởng "Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng 2023"
Vừa qua, tại buổi lễ trao giải thưởng "Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2023" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) tổ chức, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) vinh dự nhận giải thưởng "Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng 2023".
Giải thưởng "Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng 2023" là sự ghi nhận những đóng góp của Vietbank cho các hoạt động an sinh xã hội thiết thực, giàu ý nghĩa và bền vững trong suốt thời gian qua.
Trong suốt hành trình 16 năm xây dựng và phát triển, Vietbank vừa chú trọng phát triển kinh doanh, vừa đẩy mạnh các hoạt động chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng như: Xây cầu giao thông nông thôn, xây nhà tình nghĩa, trao máy tính cho các trường học và học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học qua quỹ thiện nguyện Chí Viễn; hỗ trợ đồng bào ảnh hưởng do mưa lũ, tài trợ trồng cây gây rừng...
Đặc biệt trong hơn 2 năm cả nước đương đầu với đại dịch Covid-19, Vietbank đã chung tay cùng cộng đồng đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch như: hỗ trợ trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm cho tuyến đầu chống dịch các quận huyện, bệnh viện tại TP HCM và các tỉnh thành trên cả nước, triển khai Quầy thuốc 0 đồng, Phiên chợ 0 đồng, Chuyến xe 0 đồng, bảo trợ nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi do đại dịch… Bên cạnh đó, Vietbank cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để triển khai các chính sách giảm phí, giảm lãi suất, giãn lịch trả nợ vay... cho khách hàng.
Tinh thần đồng hành sẻ chia là một trong những giá trị cốt lõi tạo nên con người Vietbank, văn hóa Vietbank. Vì thế, giải thưởng "Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng" đã góp phần khẳng định tôn chỉ hướng về cộng đồng mà Vietbank luôn hướng đến để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Thêm nhiều giải pháp thanh toán trực tuyến
Mới đây, tại sự kiện liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cho biết, hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán đang tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sử dụng các phương tiện và dịch vụ thanh toán mới.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử (TTĐT) trong năm qua tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng. Trong 3 tháng đầu năm 2023, hoạt động TTKDTM tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 8,55% (so với cùng kỳ năm 2022) về giá trị; số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị.
Toàn thị trường tính đến đầu tháng 4/2023 có 21.347 máy ATM và 430.625 máy POS, tăng tương ứng 3,88% và 26,34%. Số lượng giao dịch qua máy POS tăng 37,57% về số lượng và 32,09% về giá trị. Còn giao dịch qua máy ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ rút tiền mặt sang TTKDTM.
Các dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng phát triển mạnh mẽ. Những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless)… được các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đã đem lại lợi ích lớn, giá trị thiết thực cho khách hàng. Qua đó, góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân và doanh nghiệp.
Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động. Ngoài ra, đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với hệ thống Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 29/5: Lãi cho vay cần thêm vài tháng nữa để "hạ nhiệt"