Tin ngân hàng ngày 30/4: Lợi nhuận ACB giảm, nợ có khả năng mất vốn tăng 21%
Tin ngân hàng ngày 29/4: Khuyến cáo người dân không mua bán ngoại tệ tự do Tin ngân hàng tuần qua: Khởi động ngày chuyển đổi số |
Lợi nhuận ngân hàng ACB giảm, nợ có khả năng mất vốn tăng 21%
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ do tăng trích lập dự phòng.
Cụ thể, lãi trước thuế của ACB là 4.892 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch đề ra đầu năm, ngân hàng đã thực hiện được 22%.
Mảng kinh doanh ngoại hối lãi 233 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác ghi nhận 62,4 tỷ đồng, giảm 89%.
Chi phí hoạt động quý I tăng 10% lên hơn 2.763 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp đôi cùng kỳ lên 512 tỷ đồng.
Chia sẻ tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết, lợi nhuận quý I giảm do ngân hàng tăng trích lập dự phòng nhờ tăng trưởng tín dụng cao và quý I/2023, ACB ghi nhận khoản thu nhập bất thường từ việc xử lý tài sản đảm bảo. Nếu loại trừ các yếu tố đó, lợi nhuận quý I năm nay của ngân hàng có thể tăng 3% so với cùng kỳ.
Tính đến hết quý I/2024, tổng tài sản ACB tăng 1,2% so với đầu năm lên 727.297 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay khách hàng ở mức 500.633 tỷ đồng, tăng 3,8%. Tổng nợ xấu tăng 25% lên hơn 7.348 tỷ đồng.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 25% lên 1.182 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 36% lên 1.433 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 21% lên 4.733 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 65% tổng nợ xấu.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý I tăng từ 1,2% lên 1,45%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 82% xuống còn 68%.
ABBANK tăng mạnh số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số
Trong quý I/2024, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) ghi nhận tăng mạnh số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số, tổng huy động và dư nợ cũng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến hết ngày 31/3/2024, ABBANK ghi nhận tổng huy động đạt 127.382 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 125.108 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,29% và 10,06% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, số lượng giao dịch trên kênh ngân hàng số của ABBANK trong quý I/2024 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Theo đó, số lượng khách hàng sử dụng ngân hàng số tăng 37,21% và số lượng giao dịch tương ứng cũng tăng 99,58% (đạt hơn 12,6 triệu giao dịch) so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả trên thể hiện xu hướng tích cực trong việc dịch chuyển sang kênh số của nhóm khách hàng cá nhân tại ABBANK sau những nỗ lực đầu tư cho công nghệ và phát triển ngân hàng số theo hướng cá nhân hóa và gia tăng tiện ích cho người dùng.
Trong quý I, ABBANK đã trích lập 177 tỷ đồng vào quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, tương đương tăng 51,51% so với cùng kỳ năm 2023. Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế quý I/2024 của ABBANK đạt 178 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ABBANK cũng tích cực triển khai các chương trình gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn giúp khách hàng doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, ABBANK đang tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp SME tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi nhằm đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ở mảng khoa học công nghệ, ABBANK cũng triển khai mạnh mẽ các chương trình cho vay ưu đãi giành cho các hộ kinh doanh cá thể song song với vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu kinh doanh nhỏ lẻ cũng như các nhu cầu mua sắm phục vụ đời sống.
Với định hướng chiến lược chuyển đổi từ năm 2024, ABBANK sẽ tập trung tăng cường cải thiện trải nghiệm khách hàng trên kênh số cũng như kênh vật lý, chọn cách thức tiếp cận và đẩy mạnh quan hệ khách hàng theo chiều sâu với những am hiểu từ các kết quả nghiên cứu khảo sát, tinh gọn và tối ưu hóa quy trình cũng như củng cố và nâng cao năng lực đội ngũ.
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng trong 4 tháng
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm. Theo Tổng cục Thống kê, thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2024 ước tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, chi ngân sách nhà nước ước tăng 4,4%. Đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 4/2024 ước đạt 175,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa tháng 4/2024 ước đạt 149,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 629,9 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% dự toán năm và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thu từ dầu thô tháng 4/2024 ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, bằng 46,2% dự toán năm và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 4/2024 ước đạt 20,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 82,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán năm và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 4/2024 ước đạt 138,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 522,2 nghìn tỷ đồng, bằng 24,6% dự toán năm và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 366 nghìn tỷ đồng, bằng 29,1% dự toán năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 115,9 nghìn tỷ đồng, bằng 17,1% và tăng 4,8%; chi trả nợ lãi 39,9 nghìn tỷ đồng, bằng 35,7% và tăng 17,4%.
Đề xuất quy định áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ
Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ đối với tiền gửi của tổ chức và tiền gửi của cá nhân.
Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến.
Dự thảo Thông tư quy định việc áp dụng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tiền gửi bao gồm các hình thức nhận tiền gửi theo quy định tại khoản 27 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Đối tượng áp dụng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, không bao gồm ngân hàng chính sách; tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân gửi tiền tại tổ chức tín dụng.
Theo dự thảo, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ đối với tiền gửi của tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng) và tiền gửi của cá nhân.
Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ quy định tại thông tư này bao gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Nghiêm cấm tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
Với các thỏa thuận lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã được ký kết cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi theo quy định tại thông tư này.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 30/4: Lợi nhuận ACB giảm, nợ có khả năng mất vốn tăng 21%