Tin ngân hàng ngày 30/5: Eximbank ưu đãi cho vay bất động sản
Tin ngân hàng ngày 29/5: Hơn 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán Tin ngân hàng ngày 28/5: Sacombank hạ giá 19 căn hộ dự án Xi Grand Court |
Eximbank ưu đãi cho vay bất động sản
Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, nhưng theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho vay bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng. Các ngân hàng tung ra nhiều chương trình hạ lãi suất vay mua nhà hấp dẫn nhằm tạo cơ hội cho người dân và nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và dễ dàng hơn.
Ảnh minh họa |
Điển hình, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là một trong những ngân hàng nhanh chóng đưa ra gói vay siêu ưu đãi đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng. Gói vay được tích hợp nhiều quyền lợi cho khách hàng, bao gồm: lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/ năm, hỗ trợ mức vay lên đế 85% giá trị tài sản, đồng thời linh hoạt chứng từ nguồn thu nhập lên đến 10 tỷ. Thời gian cho vay của gói vay này cũng được đánh giá là dài nhất trên thị trường lên đến 40 năm và miễn trả gốc tới 7 năm, giúp khách hàng giảm bớt áp lực tài chính và dễ dàng lên kế hoạch trả nợ hợp lý trong tương lai. Đặc biệt, Eximbank cũng tối ưu quy trình hỗ trợ thủ tục vay đơn giản và phê duyệt giải ngân nhanh chóng chỉ trong vòng 8 giờ.
Đại diện Eximbank cho biết, gói vay bất động sản của ngân hàng được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay bất động sản giảm là một cơ hội tốt để các nhà đầu tư nhanh chóng đón đầu các xu hướng đầu tư bất động sản và tìm kiếm các cơ hội mới trong thời gian tới. Đồng thời, đối với khách hàng có nhu cầu sở hữu nhà, gói vay cũng là giải pháp tối ưu giúp khách hàng giảm áp lực tài chính và hiện thực hoá ước mơ an cư, xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn và tăng khả năng đầu tư tích luỹ khi cần thiết.
Tỷ giá chưa hết áp lực trong mùa cao điểm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm giữa VND với USD ngày 27/5 là 24.268 VND/USD, tăng 4 VND so với cuối tuần trước. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng theo. Giá USD tại Vietcombank được cộng thêm 4 VND, đưa giá mua chuyển khoản lên 25.281 VND/USD và bán ra lên 25.481 VND/USD. Eximbank giữ nguyên giá mua chuyển khoản 25.260 VND/USD, nhưng tăng 4 VND ở chiều bán ra, lên 25.481 VND/USD…
Đồng thời, NHNN vẫn giữ giá mua giao ngay không đổi ở mức 23.400 VND/USD và giá bán ở mức 25.450 VND/USD. Đây là giá bán can thiệp mà NHNN thông báo bán USD cho các nhà băng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0 kể từ ngày 19/4.
Ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB nhận định, khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối năm nay có thể giúp giảm bớt sức mạnh của USD, hỗ trợ sự phục hồi của VND. Do lạm phát tăng cao hơn dự kiến trong năm nay, Fed đã phát tín hiệu rằng, họ cần duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn.
“Tuy nhiên, quan điểm của UOB là, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12. Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng, NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay. Do đó, sức mạnh của USD sẽ giảm bớt trong những tháng tới và tỷ giá VND/USD sẽ phục hồi về mức 24.000 VND/USD vào cuối năm”, ông Abel Lim cho biết.
Chia sẻ thêm về sự mất giá của VND từ đầu năm đến nay, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ UOB Việt Nam cho rằng, việc lãi suất USD neo ở mức rất cao trên 5% gây áp lực mất giá lên hầu như toàn bộ đồng tiền chính trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, trong đó có VND.
Theo ông Quang, nhìn vào dữ liệu tổng hợp của các đồng tiền từ các nền kinh tế lớn và quan trọng nhất trong hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu, sẽ thấy mức giảm giá từ đầu năm 2024 đến nay của VND nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình. Báo cáo của UOB cho thấy, VND và cả các đồng tiền khác có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau năm 2024, khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, trong khi lãi suất VND hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại.
SeABank và Visa hợp tác chiến lược phát triển thanh toán số
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Tổ chức thẻ quốc tế Visa đã ký kết thỏa thuận Hợp tác chiến lược nhằm mang đến các giải pháp thanh toán số, năng lực dữ liệu và chuyên môn tốt nhất để giúp SeABank nâng cao hiệu quả và hoàn thành chiến lược phát triển mạnh mẽ dịch vụ thanh toán.
Hoạt động hợp tác này tiếp tục thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Visa và SeABank, đồng thời mở ra những bước tiến mới để thúc đẩy phát triển sản phẩm thẻ, từ đó góp phần đẩy mạnh các giải pháp thanh toán số của Ngân hàng.
Theo đó, trên nền tảng hoạt động thanh toán đã được xây dựng, Visa sẽ hỗ trợ SeABank tiếp tục định hướng và triển khai các chiến lược hiệu quả để thúc đẩy phát triển sản phẩm thanh toán mạnh mẽ hơn, đặc biệt ưu tiên triển khai trên nền tảng số, góp phần đẩy mạnh thanh toán số thông qua việc tập trung vào 5 trụ cột chính gồm: Cải tiến hành trình trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ thẻ trên nền tảng số; Cải tiến sản phẩm, dịch vụ thẻ; Tối ưu hóa hệ sinh thái dịch vụ thẻ trên nền tảng số; Cải tiến hiệu quả và tính sáng tạo trong truyền thông về sản phẩm, dịch vụ thẻ; Nâng cao quản trị rủi ro và gian lận trong hoạt động phát hành, thanh toán thẻ.
Nghiên cứu của Visa năm 2023 ghi nhận 56% người tiêu dùng tham gia khảo sát mang ít tiền mặt hơn so với năm 2022, cho thấy xu hướng chuyển dịch nhanh chóng từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán số tiện lợi tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm dịch vụ thẻ.
Trong những năm qua, hoạt động hợp tác giữa SeABank và Visa đã tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trong dịch vụ thẻ của SeABank. Với sự đồng hành của Visa, SeABank đã cho ra mắt các dòng thẻ gồm: Signature, SeATravel, SeALady, SeAEasy, SeAGolf, BRG Elite với nhiều đặc quyền dành cho mọi phân khúc khách hàng. Tổng doanh số giao dịch thẻ của Ngân hàng tăng trưởng đều qua các năm, trung bình mỗi năm đạt tỷ lệ tăng trưởng 125%. Đồng thời, SeABank cũng vinh dự nhận nhiều giải thưởng cho sản phẩm dịch vụ thẻ, tiêu biểu như: Ngân hàng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh số giao dịch thẻ nhiều năm liên tiếp (Visa); PCI - DSS 3.2 về an toàn, bảo mật cho hệ thống thẻ thanh toán (Tổ chức Control Case).
Việc mở rộng hợp tác kỳ vọng sẽ giúp SeABank tạo nên bứt phá về dịch vụ thẻ và thanh toán số thông qua cải thiện hệ thống sản phẩm dịch vụ theo hướng đa dạng, an toàn, thân thiện với người dùng, từ đó, mở ra nhiều cơ hội hướng tới tương lai của thanh toán kỹ thuật số, đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Chưa trình phương án chuyển giao bắt buộc DongABank, SCB
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đầu năm 2023 đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, cơ quan này cho biết Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc ba ngân hàng.
SCB vẫn trong diện kiểm soát/Ảnh minh họa |
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện kiểm soát đặc biệt DongABank và SCB. Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ giám sát tăng cường đối với Ngân hàng Quốc Dân (NCB).
Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Khó khăn trong việc cơ cấu nhóm ngân hàng này là việc tìm kiếm ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc. Việc này "kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào sự tự nguyện tham gia và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài", theo Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, cơ chế, nguồn lực để xử lý các ngân hàng yếu kém, xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc còn nhiều bất cập. Năng lực một số cán bộ, công chức thanh tra giám sát còn hạn chế, trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ.
Trước đó, theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ đã hoàn thành định giá ba ngân hàng và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5, gồm Ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Các nhà băng này sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.
DongABank được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1992, với số vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này, thời điểm đó Đông Á có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tổng tài sản gần 90.000 tỷ đồng.
Còn SCB vốn được hợp nhất bởi ba ngân hàng: SCB, Đệ Nhất (FCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TNB). Nhà băng này có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân và nằm trong nhóm 5 tổ chức tín dụng có quy mô tài sản lớn nhất thị trường. Từ giữa tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đưa đơn vị này vào diện kiểm soát đặc biệt.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 30/5: Eximbank ưu đãi cho vay bất động sản