Tin ngân hàng ngày 29/5: Hơn 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán
Tin ngân hàng ngày 28/5: Sacombank hạ giá 19 căn hộ dự án Xi Grand Court Tin ngân hàng ngày 27/5: Kiến nghị gói vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 3-5% |
Hơn 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán
Theo thông tin từ Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.
Ngoài ra, đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…
Ảnh minh họa |
Số liệu 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá: tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị. Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toàn không dùng tiền mặt.
Nhiều ngân hàng cũng công bố số liệu cho biết số người dùng và lượng giao dịch trên kênh ngân hàng số tăng mạnh đầu năm nay. Chẳng hạn như tại VietinBank, kết thúc quý I/2024, ứng dụng VietinBank iPay Mobile dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục thu hút gần 8,1 triệu khách hàng sử dụng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2023; đạt 409 triệu giao dịch, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng giao dịch qua kênh iPay đạt 90,6% tổng giao dịch khách hàng cá nhân, tăng từ mức 87% tại thời điểm quý I/2023. Đối với khách hàng doanh nghiệp, ứng dụng VietinBank eFAST được xem như trợ lý tài chính số với hơn 130 tính năng đã thu hút 234.000 doanh nghiệp sử dụng; số lượng giao dịch trong quý I/2024 đạt 9,5 triệu giao dịch, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng giao dịch qua kênh VietinBank eFAST tăng lên 83% (từ mức 81% cùng kỳ năm 2023).
SCB tiếp tục đóng cửa nhiều phòng giao dịch
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch ở TPHCM và các tỉnh khác. Cụ thể, SCB chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Thủ Đức - chi nhánh Đông Sài Gòn (705, Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TP HCM) kể từ ngày 20/5.
Trước đó, SCB chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Tân Sơn Nhì - chi nhánh Tân Bình (211, Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP HCM), phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng - chi nhánh 20/10 (1401-1403, khu phố Mỹ Toàn 2-H4, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM), phòng giao dịch Tây Sài Gòn - chi nhánh Củ Chi (851, quốc lộ 22, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TPHCM).
Tại tỉnh Bình Dương, SCB chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Bến Cát - chi nhánh Bình Dương (44-46, Hùng Vương, phường Mỹ Phước, Bến Cát) từ ngày 24/5.
Ở Đắk Lắk, SCB chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Nguyễn Tất Thành - chi nhánh Đắc Lắc (87, Ngô Quyền, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột). Sau đó, SCB chi nhánh Đắc Lắc chuyển trụ sở từ 178, Y Jút, phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột về địa chỉ của phòng giao dịch Nguyễn Tất Thành vừa đóng cửa.
Trước đó, SCB đã đóng cửa, dừng hoạt động 47 điểm giao dịch tại 9 tỉnh thành. Trong đó, đóng cửa 33 phòng giao dịch tại TPHCM, 8 phòng giao dịch tại HN, 5 phòng giao dịch tại Đà Nẵng. Các địa phương khác là Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Gia Lai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang mỗi địa phương đóng 1 phòng giao dịch.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng phía Nam, từ tháng 6/2023 đến nay, SCB đã giải thể hoạt động 61 phòng giao dịch tại các tỉnh thành, riêng ở TPHCM là 37 phòng giao dịch.
Cũng liên quan đến SCB, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt ngân hàng này để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank để tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.
Nhân viên ngân hàng tham ô 30 tỷ đồng chuyển cho kẻ lừa đảo
Mới đây, Cơ quan CSĐT CA tỉnh mới đây đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Lệ Chi (nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở Bình Định) vì liên quan đến hành vi tham ô tài sản để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, số tiền mà chị Chi tham ô dùng để chuyển cho các đối tượng lừa đảo.
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, khoảng 14 giờ ngày 21/4, trong lúc lướt Facebook thấy có fanpage "Kun Marathon - 2024" diễn ra vào tháng 6/2024 tại TP Quy Nhơn, chị Chi đã đăng ký cho 2 con và 1 cháu tham gia. Tuy nhiên, thực tế đây là một fanpage lừa đảo. Vì thế, sau khi thấy Chi đăng ký tham gia, trang fanpage này liên hệ lại và đề nghị Chi kết bạn qua Zalo để tiện trao đổi. Sau khi thực hiện theo các bước mà tội phạm lừa đảo hướng dẫn và đăng ký mua sản phẩm, Chi đều được hoàn tiền nhanh chóng.
Sau đó, các đối tượng đưa ra các lý do như sai cú pháp, sai lệnh và yêu cầu phải chuyển tiếp tiền ngay nếu không số tiền đã chuyển trước đó sẽ bị mất. Tổng cộng, chi đã chuyển hơn 30,2 tỷ đồng cho các đối tượng lừa đảo.
Ngoài khoảng 4 tỷ đồng của cá nhân và vay mượn từ gia đình, bạn bè, toàn bộ số tiền còn lại chị Chi đã lấy của cơ quan nơi đang làm việc. Cụ thể, Chi đã sử dụng nghiệp vụ kế toán của mình rồi thực hiện các lệnh chuyển tiền của ngân hàng nơi Chi đang làm việc sang tài khoản cá nhân của mình.
"Vì mong muốn lấy lại tiền, cộng thêm sự hối thúc liên tục của các đối tượng nên tôi đã không kịp suy xét. Tôi đã sử dụng nghiệp vụ kế toán để thực hiện các lệnh chuyển tiền của cơ quan vào tài khoản cá nhân. Thật tâm khi đó tôi chỉ muốn lấy lại phần nào số tiền đã chuyển", chị Chi khai nhận.
Khi biết mình bị lừa, Chi trình báo sự việc đến cơ quan Công an. Vào cuộc điều tra, cơ quan Công an xác định, dòng tiền Chi chuyển cho chủ tài khoản là Công ty TNHH TMDV THE THAO DONG A VIET NAM, đây là công ty ma.
Gần 197.000 tỷ đồng trái phiếu chậm thanh toán
Trong báo cáo thị trường mới công bố, Chứng khoán MB (MSB) cho biết, từ ngày 1 đến ngày 22/5, tổng giá trị TPDN phát hành thành công ước đạt hơn 10,7 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ 2023.
Ảnh minh họa |
Nhóm ngành Ngân hàng tiếp tục tăng huy động qua kênh trái phiếu trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp (lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng của các NH là 4,7% tính đến ngày 21/5), trong đó bao gồm Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 4,8%), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (1 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 3,9%).
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 57,1 nghìn tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ 2023. Lãi suất TPDN bình quân gia quyền trong 5 tháng đầu năm ước khoảng 9.3%, cao hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.
Trong đó, Bất động sản vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 25,3 nghìn tỷ, (tăng 4% so với cùng kỳ 2023 và chiếm tỷ trọng 44%), lãi suất bình quân gia quyền là 12,3%/năm, kỳ hạn bình quân 2,4 năm. Các doanhnghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Vinhomes (10 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup - CTCP (10 nghìn tỷ đồng), CT TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2,5 nghìn tỷ đồng).
Xếp sau là nhóm ngành Ngân hàng có tổng giá trị phát hành đạt 19,9 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 giá trị phát hành là 400 tỷ đồng), tỷ trọng 35%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng vẫn là 5,3%/năm, kỳ hạn bình quân là 4,8 năm.
Trong tháng 5, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 4,2 nghìn tỷ đồng, giảm 67% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 38,4 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 64% so với cùng kỳ 2023.
Dưới áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý II đặc biệt đè nặng lên với các doanh nghiệp bất động sản (khoảng 72 nghìn tỷ đồng TPDN dự kiến đáo hạn), trong tháng 5 đã ghi nhận thêm 5 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, lãi chậm trả bao gồm 4 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản khiến cho tổng số chậm trả lên tới 111 doanh nghiệp.
Hiện tại, tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 196,8 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 29/5: Hơn 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán