Tin ngân hàng ngày 3/10: NHNN báo cáo về vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Tin ngân hàng ngày 2/10: Sau 3 năm, tăng trưởng huy động vốn cao hơn tín dụng Tin ngân hàng tuần qua: Phát hành gần 94.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu |
NHNN báo cáo về vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Trong báo cáo giữa kỳ vừa gửi tới Quốc hội, bên cạnh vấn đề giải quyết ngân hàng yếu kém và sở hữu chéo, xử lý nợ xấu cũng là vấn đề quan trọng được Ngân hàng Nhà nước đề cập.
NHNN báo cáo về vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trong báo cáo giữa kỳ gửi tới Quốc hội. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng vào cuối tháng 7/2023 là 3,56%, trong khi tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2023 là 5,22%.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 128.800 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, tổng nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn tăng 3,42% so với cuối năm 2022, và tổng cộng hệ thống đã xử lý được khoảng 425.900 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42 từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2023.
Nhân về việc tái cơ cấu ngân hàng, NHNN đã chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, nhưng quá trình này vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và đàm phán với các ngân hàng thương mại phù hợp để nhận chuyển giao. Tái cơ cấu cũng phụ thuộc vào việc thuyết phục cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn và cổ đông chiến lược nước ngoài tham gia.
NHNN đã thúc đẩy việc định giá giá trị doanh nghiệp thông qua tổ chức tư vấn và kiểm toán Nhà nước. Đối với SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB và đang làm việc với các bên liên quan để hoàn thiện phương án.
Tuy nhiên, NHNN cũng cho biết, quá trình tái cơ cấu có nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém, và cơ chế chính sách và nguồn lực tài chính để xử lý vẫn còn nhiều bất cập và vướng mắc.
Hiện, NHNN đang phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Ông Nguyễn Phi Hùng xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT PG Bank
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - PGB) thông báo cho biết, Hội đồng quản trị ngân hàng vừa nhận được Đơn xin từ nhiệm nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT và xin rút khỏi vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Phi Hùng vì lý do cá nhân.
Trong đơn từ nhiệm, ông Hùng cho biết: “Trong thời gian công tác tại PG Bank, tôi đã nhận được sự tin tưởng, đồng hành, hợp tác của toàn thể cán bộ nhân viên và giúp PG Bank đạt được những thành công nhất định. Vì lý do cá nhân, tôi làm đơn này kính gửi Đại hội đồng cổ đông, HĐQT PG Bank cho phép tôi được từ nhiệm nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT và rút khỏi vị trí Thành viên HĐQT PG Bank nhiệm kỳ 2020-2025”.
Đáng chú ý, ông Hùng xin rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT sau khi được bầu lên vị trí này cách đây 3 tháng. Hồi đầu tháng 7, HĐQT PG Bank đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Oliver Schwarzhaupt theo nguyện vọng cá nhân. Ngân hàng cũng miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Phi Hùng và bầu ông Hùng lên làm Chủ tịch HĐQT thay ông ông Oliver Schwarzhaupt. Cũng trong đầu tháng 7, PG Bank bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng làm Quyền Tổng Giám đốc và đến ngày 15/9 mới đây, ông Thắng đã chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc.
Không chỉ ông Nguyễn Phi Hùng mà loạt thành viên HĐQT của PG Bank cũng có đơn xin từ nhiệm thời gian qua. Gần đây nhất, ngày 14/9, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng cũng xin từ nhiệm chức vụ và rút khỏi HĐQT vì lý do cá nhân.
Bên cạnh đó, 2 thành viên HĐQT người nước ngoài là ông Oliver Schwarzhaupt và ông Nilesh Ratilal Banglorewala (thành viên độc lập) cũng đã có đơn xin từ nhiệm khỏi HĐQT hôm 25/8/2023.
Như vậy, trong 6 người thuộc HĐQT PG Bank hiện nay thì đã có tới 4 người xin từ nhiệm, chỉ còn lại 2 người là ông Nguyễn Mạnh Hải và ông Đinh Thành Nghiệp.
Ngày 23/10 tới đây, PG Bank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023. Cuộc họp dự kiến tổ chức tại tỉnh Ninh Bình. Nội dung ĐHĐCĐ là để kiện toàn nhân sự thuộc Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát; tăng vốn điều lệ; thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính. Ngoài ra ĐHĐCĐ cũng sẽ thông qua phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Tổng dư nợ tín dụng của TP HCM tăng 5,9% so với cùng kỳ
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM cho biết, tính đến ngày 30/9/2023, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 2,5% và dư nợ tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Theo thống kê, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đến 30/9/2023 ước đạt 3.350 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ ước đạt 3.089 nghìn tỷ đồng, chiếm 92,2% tổng vốn huy động, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 261 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,8% tổng vốn huy động, giảm 22,0% so với cùng kỳ.
Cùng thời điểm ghi nhận, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 3.365 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VNĐ ước đạt 3.186 nghìn tỷ đồng, chiếm 94,7% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước đạt 179 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,3%, giảm 7,8% so với cùng kỳ.
Trong số đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1.579 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,9% tổng dư nợ tín dụng, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Dư nợ trung hạn, dài hạn ước đạt 1.786 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,1%.
Theo đánh giá chung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM, thị trường tiền tệ trên địa bàn thành phố tiếp tục được điều hành linh hoạt theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, trong đó lãi suất tiếp tục diễn biến theo xu hướng giảm, trong khi tỷ giá VNĐ/USD có xu hướng tăng mạnh trong tháng 8 và lên mức cao nhất vào đầu tháng 9.
Techcombank tung nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp
Ngân hàng liên tục triển khai các gói hỗ trợ tín dụng với những giải pháp toàn diện về vốn, lãi suất, cơ cấu nợ và thủ tục.
Techcombank tung nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp//https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đại diện của Techcombank chia sẻ theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66.800, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; 36.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,9%. Như vậy, bình quân một tháng có 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nắm bắt các khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, Techcombank nỗ lực khơi thông dòng tín dụng. Ngân hàng tăng cường mọi biện pháp để cung - cầu gặp nhau và triển khai theo đúng chủ trương của Chính phủ và ý nghĩa của chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp ở mọi nhu cầu về vốn, từ trung, dài hạn tới ngắn hạn.
Ngân hàng đã điều chỉnh mức lãi suất cho vay xuống còn 9,6%, thấp hơn so với thời điểm cuối năm trước đây, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Họ cũng đã giảm thêm 0,5% lãi suất cho các khoản vay hiện hữu.
Techcombank cũng tăng cường hỗ trợ khách hàng vay vốn thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cung cấp các chương trình cấp tín dụng nhanh và tối ưu hóa quy trình vay trực tuyến thông qua nền tảng ngân hàng số Techcombank Business. Đặc biệt, đối với khách hàng sử dụng phần mềm kế toán MISA, quy trình vay trở nên nhanh chóng hơn.
Bên cạnh đó, Techcombank ra mắt gói giải pháp tín dụng riêng cho nhóm doanh nghiệp thương mại bán buôn có hoạt động nhập khẩu. Gói này cung cấp các đặc quyền tín dụng như hạn mức phê duyệt trước lên đến 20 tỷ đồng và tín chấp 100% nghĩa vụ bảo lãnh lên đến 10 tỷ đồng với quy trình thẩm định và phê duyệt nhanh chóng.
Techcombank cũng đã cam kết đầu tư mạnh mẽ vào ngân hàng số và đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và phát triển cùng nhau trong tương lai.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 3/10: NHNN báo cáo về vấn đề tái cơ cấu và xử lý nợ xấu