Tin ngân hàng ngày 4/4: Nợ xấu của Sacombank còn bao nhiêu ở VAMC?
Tin ngân hàng ngày 3/4: Sau kiểm toán, lợi nhuận của Vietbank tăng lên 656 tỷ đồng Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN hạ trần lãi suất huy động |
Nợ xấu của Sacombank còn bao nhiêu ở VAMC?
Theo báo cáo tài chính năm 2022 sau kiểm toán của Sacombank cho thấy, nợ xấu của ngân hàng, bao gồm nội bảng và trái phiếu đặc biệt VAMC đều giảm mạnh trong năm vừa qua.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, nợ xấu nội bảng của Sacombank là 4.299 tỷ đồng, giảm 1.533 tỷ so với cuối năm 2021. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh 1.520 tỷ xuống còn 3.007 tỷ đồng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Sacombank từ 1,5% xuống 0,98%. Đây cũng là năm đầu tiên Sacombank đưa được tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1% sau 7 năm sáp nhập Ngân hàng Phương Nam.
Sacombank cho biết, trong số dư nợ có khả năng mất vốn có một số khoản cho vay với tổng dư nợ là 46,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với 1.689 tỷ (2021), đang được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dựa trên năng lực tài chính theo Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập và các kiến nghị của Ngân hàng tại Đề án cơ cấu và trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt.
Về nợ xấu tại VAMC, Sacombank cũng đang tiến dần đến việc tất toán số trái phiếu đặc biệt. Trái phiếu này do VAMC phát hành nhằm mục đích mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng, có thời hạn từ 5-10 năm, lãi suất 0%. Cuối năm 2022, mệnh giá trái phiếu đặc biệt mà Sacombank nắm giữ là 21.514 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, Sacombank đã trích lập dự phòng 14.639 tỷ đồng, tăng thêm hơn 8.600 tỷ trong năm 2022.
Báo cáo cũng cho thấy, Sacombank đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ và thanh lý tài sản, giúp lãi thuần từ hoạt động khác tăng gấp 6 lần lên 2.745 tỷ đồng.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021, không thay đổi so với báo cáo trước kiểm toán. Lãi sau thuế của ngân hàng đạt 5.040 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản Sacombank đạt 491.907 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 438.627 tỷ, tăng 13%. Tiền gửi khách hàng đạt 454.740 tỷ đồng, tăng 6,4%.
HDBank tiếp tục nhận giải thưởng chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc
Vừa qua, ngân hàng Wells Fargo đã trao giải thưởng đặc biệt chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc năm 2022 (The 2022 Special Recognition Award - Crystal Trophy) cho HDBank.
Giải thưởng danh giá này đến từ một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới với lịch sử 171 năm có trụ sở chính tại Mỹ, ghi nhận những thành tích đặc biệt của HDBank trong hoạt động thanh toán quốc tế.
Giải thưởng Wells Fargo trao tặng cho HDBank lần này dựa trên tiêu chuẩn STP (Straight Through Processing) và các các tiêu chuẩn chất lượng toàn diện như tốc độ xử lý giao dịch, tuân thủ quy trình, mức độ xử lý giao dịch an toàn và thông suốt.
Với tỷ lệ xử lý điện thanh toán quốc tế chuẩn đạt gần như tuyệt đối 99,9% và không phát sinh tra soát, cho thấy được chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế của HDBank vượt trội, cũng như hệ thống công nghệ hiện đại, năng lực nghiệp vụ xuất sắc của đội ngũ cán bộ nhân viên HDBank đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính của khách hàng trên thế giới.
Ngoài Wells Fargo, nhiều năm liền, HDBank đã nhận Giải thưởng chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc do Ngân hàng Mỹ JP Morgan Chase trao tặng. Riêng trong năm 2022, hoạt động thanh toán của HDBank năm 2022 được ngân hàng Mỹ JP Morgan Chase đánh giá cao bằng giải thưởng chất lượng điện toán thanh toán quốc tế xuất sắc với tỷ lệ điện chuẩn là 100%.
Các giải thưởng nhận được từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới là minh chứng khẳng định sự lớn mạnh và uy tín của HDBank trong lĩnh vực thanh toán quốc tế.
Trong năm 2022, HDBank là ngân hàng tiên phong triển khai thành công Sản phẩm SWIFT Go dịch vụ mới của SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu). SWIFT Go cho phép các tổ chức tài chính cung cấp trải nghiệm thanh toán cho các giao dịch giá trị thấp (dưới 10.000 USD) do các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thanh toán cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và cá nhân gửi tiền cho gia đình ở nước ngoài.
ADB tăng gấp đôi hạn mức tài trợ thương mại cho SeABank lên 60 triệu USD
Vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố tăng gấp đôi hạn mức tài trợ thương mại cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) lên 60 triệu USD, đồng thời nâng hạn mức vay tuần hoàn từ 5 triệu USD lên 10 triệu USD.
Để được cấp hạn mức tham gia chương trình này, SeABank đã đáp ứng được các tiêu chí do ADB đặt ra như: Hoạt động hiệu quả và lành mạnh, quản trị rủi ro tốt, thông tin minh bạch, định hướng phát triển rõ ràng, đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược.
Việc nâng hạn mức tài trợ thương mại thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của ADB đối với SeABank về uy tín, sự minh bạch, hoạt động lành mạnh cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn và luôn hướng tới sự phát triển bền vững. Điều này cũng giúp khẳng định và nâng cao sức mạnh của SeABank trong lĩnh vực thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, giúp Ngân hàng tiếp cận và thiết lập quan hệ giao dịch với nhiều hơn các ngân hàng trên thế giới.
SeABank cam kết sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và chuỗi cung ứng của họ, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo việc làm cho người lao động. Hạn mức tín dụng mới của ADB sẽ giúp SeABank phát triển các hoạt động tài trợ thương mại với quy mô ngày càng được mở rộng.
Trước đó tháng 11/2020 SeABank chính thức tham gia Chương trình Tài trợ thương mại (TFP) của ADB nhằm hỗ trợ hoạt động thương mại tại Việt Nam thông qua việc cung cấp các khoản vay và các công cụ tài chính khác với hạn mức lên đến 18 triệu USD bảo lãnh và 5 triệu USD vay tuần hoàn, giúp SeABank tiếp cận và thiết lập quan hệ giao dịch với nhiều ngân hàng trên thế giới, đồng thời nâng vị thế của SeABank trên thị trường quốc tế về tài trợ thương mại.
Tháng 6/2021, ADB quyết định nâng hạn mức bảo lãnh thực hiện các giao dịch thương mại với tổng giá trị giao dịch tại một thời điểm lên đến 30 triệu USD, đồng thời tiếp tục cấp hạn mức 5 triệu USD vay tuần hoàn kỳ hạn 6 tháng cho SeABank.
Sau khi được cấp hạn mức, SeABank đã hỗ trợ hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, đẩy mạnh giao dịch tài trợ thương mại, do đó ADB đã quyết định tiếp tục nâng gấp đôi hạn mức tài trợ thương mại cho SeABank lên 60 triệu USD và hạn mức vay tuần hoàn cũng được tăng lên 10 triệu USD.
Ngân hàng TMCP Bắc Á ưu đãi “Chào bạn mới - Nhận quà cực chất”
Tính năng định danh điện tử (eKYC) được Ngân hàng TMCP Bắc Á ( BAC A BANK) triển khai trên ứng dụng Mobile Banking nhằm tạo thuận tiện tối đa cho người dùng. Chỉ với một chiếc Smartphone và vài phút thao tác trực tuyến, khách hàng có thể nhanh chóng sở hữu tài khoản thanh toán mới, cùng lúc trải nghiệm nhiều tiện ích tài chính, công cụ thanh toán “không tiền mặt” hiện đại và cực kỳ tiện lợi.
Ảnh minh họa |
Chương trình “Chào bạn mới - Nhận quà cực chất” kéo dài trong 3 tháng, tương ứng với 3 giai đoạn xét thưởng. Mỗi tháng, BAC A BANK gửi tặng ưu đãi tới 1.000 khách hàng sớm nhất thực hiện định danh eKYC lần đầu để mở tài khoản trực tuyến và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đồng thời đáp ứng điều kiện duy trì số dư bình quân tháng từ 1.000.000 VND trở lên.
Mỗi khách hàng không những nhận 100.000 VND về tài khoản thanh toán, mà còn được tận hưởng Combo ưu đãi phí dịch vụ thẻ & ngân hàng điện tử. Theo đó, khách hàng được miễn phí hoàn toàn phát hành, duy trì và giao dịch thẻ ghi nợ nội địa BAC A BANK; miễn phí dịch vụ ngân hàng điện tử (chuyển tiền trong và ngoài hệ thống). Đặc biệt, dịch vụ SMS Banking cũng sẽ không tính phí đến hết ngày 30/09/2023.
BAC A BANK tin rằng, khi việc tiếp cận các giải pháp tài chính hiện đại trở nên thân thiện, đơn giản, lại tối ưu về chi phí và mang đến những quà tặng thiết thực, hấp dẫn như thế này, khách hàng có thể dễ dàng hòa nhập vào xu hướng không tiền mặt đang ngày càng phổ biến hiện nay.
Sau gần 1 năm ra mắt, eKYC đã trở thành phương thức phổ biến để định danh khách hàng mới tại BAC A BANK, giúp số lượng tài khoản thanh toán năm 2022 gia tăng nhanh chóng - xấp xỉ 40% so với năm 2021, số lượng giao dịch tài chính qua kênh ngân hàng điện tử cũng ghi nhận mức tăng trưởng hơn 20%/năm.
Với việc liên tục triển khai các chương trình ưu đãi dịch vụ khi ứng dụng eKYC, BAC A BANK đã và đang nỗ lực thay đổi thói quen khách hàng, góp phần nâng cao hiệu quả "thanh toán không dùng tiền mặt".
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 4/4: Nợ xấu của Sacombank còn bao nhiêu ở VAMC?