Tin ngân hàng ngày 5/7: Khách hàng không nợ xấu 3 năm có thể được cấp tín dụng vượt giới hạn
Tin ngân hàng ngày 4/7:Việt Nam tiếp tục được nâng hạng về minh bạch ngân sách Tin ngân hàng ngày 3/7: HDBank chốt quyền chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu tổng tỷ lệ 30% |
Khách hàng không nợ xấu 3 năm có thể được cấp tín dụng vượt giới hạn
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 9/2024/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ảnh minh họa |
Theo quyết định này, khách hàng vay vốn có thể được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong 3 năm liền kề trước thời điểm đề nghị.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không quá 3 lần theo báo cáo tài chính năm gần nhất.
Nhu cầu vốn phục vụ các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Các dự án, phương án đã được thẩm định và đánh giá khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ, đáp ứng các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện về cấp tín dụng hợp vốn, đã mời ít nhất 05 tổ chức tín dụng khác tham gia nhưng không thành công, và phải tuân thủ các yêu cầu về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Quyết định này nhằm tạo điều kiện cho các dự án, phương án kinh doanh quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng một cách hiệu quả.
16,6 triệu tài khoản hoàn thành xác thực sinh trắc học
Sáng ngày 4/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian qua NHNN và các bộ, ban ngành đã tổ chức nhiều hội thảo về chủ đề này bởi đây là việc vô cùng quan trọng trước tình trạng thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng gia tăng mạnh.
Phó Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp, giải pháp để ngăn chặn lừa đảo, trong đó đã truyền thông mạnh mẽ cảnh báo tới khách hàng.
Đến 17h chiều 3/7, đã có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ công an.
"16,6 triệu tài khoản đó không chạy đi đâu cả, hoàn toàn sạch sẽ. Con số này có thể nói là bằng cả 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Về cơ bản, đa số người có tài khoản có thể xác thực được qua điện thoại có NFC. Số ít có vướng mắc và được các ngân hàng hỗ trợ tài quầy. Hiện có ngân hàng đã làm xong xác thực 2,6 triệu tài khoản khách hàng”, ông Dũng thông tin.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng cho biết, ngày 1/7 khi Quyết định 2345 có hiệu lực có xuất hiện những ách tắc cục bộ, nhưng sang ngày 2-3/7 đã thông suốt hơn. Các vướng mắc khác như ứng dụng chưa mượt thì đang được các ngân hàng xử lý và tin rằng hết tuần này cơ bản xử lý xong. Đa số người làm sinh trắc học thành công, không vướng mắc. Chỉ có khoảng 10% trong số 16,6 triệu tài khoản đã xác thực sinh trắc học là được hỗ trợ tại quầy.
“Đây là một chiến dịch lớn. Là điều bắt buộc phải làm, không thể khác được”, ông Dũng nói.
Xuất hiện kẻ mạo danh ngân hàng hỗ trợ xác thực sinh trắc học để lừa đảo
Công an TP Hà Nội phát cảnh báo thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ xác thực sinh trắc học để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ ngày 01/7/2024, các ngân hàng đã triển khai xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, lợi dụng việc một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ khách hàng đề nghị "hỗ trợ" cài đặt nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của họ.
Thủ đoạn của đối tượng là gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân. Ngoài ra đối tượng còn yêu cầu gọi video xác thực khuôn mặt, thu thập giọng nói, cử chỉ.
Chưa dừng lại, đối tượng còn đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Những thông tin này sau đó sẽ bị các đối tượng sử dụng để mạo danh, chiếm tài khoản hoặc sử dụng vào mục đích xấu khác.
Để phòng ngừa với thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội, đề nghị người dân cảnh giác không cung cấp dữ liệu cá nhân, mã OTP, không bấm vào đường link hay tải ứng dụng theo yêu cầu của người lạ; không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Người dân nên cài đặt bảo mật hai lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
Hiện nay, các ngân hàng thường không liên hệ trực tiếp với người dân để thu thập thông tin sinh trắc học. Nếu không tự thao tác được, người dân có thể trực tiếp đến quầy giao dịch của các ngân hàng để được hỗ trợ.
Sacombank phải trả lại 46,9 tỷ đồng cho khách
Ngày 4/7, Tòa án Nhân dân TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đã ra phán quyết buộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) phải trả lại số tiền 46,9 tỷ đồng và tiền lãi theo quy định cho bà Hồ Thị Thùy Dương, nguyên đơn trong vụ kiện.
Ảnh minh họa |
Theo nội dung bản án, bà Hồ Thị Thùy Dương (SN 1977, phường Cam Phú, TP Cam Ranh) mở tài khoản tại Phòng giao dịch Cam Ranh thuộc Ngân hàng Sacombank chi nhánh Khánh Hòa.
Đến tháng 5/2022, bà Dương đã phát hiện mất số tiền gần 47 tỷ đồng trong tài khoản vào tháng 5/2022 nên yêu cầu ngân hàng trích lục sao kê.
Kết quả kiểm tra sao kê cho thấy có 12 giao dịch rút tiền từ tháng 5 đến tháng 6/2022, trong đó có nhiều giao dịch diễn ra ngoài giờ hành chính. Bà Dương đã gửi đơn khiếu nại đến Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an.
Vào tháng 4/2023, Sacombank đã đồng ý hoàn trả 20 tỷ đồng tạm thời và giữ lại 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Dương. Tuy nhiên, tại tòa, Sacombank yêu cầu bác bỏ mọi yêu cầu của nguyên đơn, cho rằng các giao dịch đều có chữ ký của bà Dương.
Hội đồng xét xử xác định bà Dương không thực hiện các giao dịch rút tiền và chuyển khoản này, và Sacombank phải chịu trách nhiệm về những sai sót trong quá trình giao dịch. Tòa yêu cầu Sacombank trả lại số tiền còn lại là 26,9 tỷ đồng cùng lãi phát sinh và trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Dương.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 5/7: Khách hàng không nợ xấu 3 năm có thể được cấp tín dụng vượt giới hạn