Tin ngân hàng ngày 6/1: Ưu tiên chất lượng tài sản hơn tăng trưởng lợi nhuận
Tin ngân hàng ngày 5/1: HDBank dành 10.000 tỷ đồng cho công nhân vay với lãi suất cực thấp đón Tết Tin ngân hàng ngày 4/1: Mạo danh ngân hàng huy động gửi tiền với lãi suất hơn 16%/năm |
Ngân hàng ưu tiên chất lượng tài sản hơn tăng trưởng lợi nhuận
Theo VNDirect, trích lập dự phòng của các ngân hàng quý III/2022 đã tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 1,1% so với quý trước chủ yếu do khoản trích lập của Sacombank cho trái phiếu VAMC và của FE Credit để chuẩn bị cho khả năng nợ xấu tăng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng trên cho vay của 15 ngân hàng niêm yết đã giảm về mức trước dịch.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Chất lượng tài sản của ngân hàng đã bị ảnh hưởng bởi việc Thông tư 14/2021 hết hạn vào cuối tháng 6/2022. Tỷ lệ nợ xấu trung bình của ngành tăng lên mức 1,44% vào cuối quý III/2022 từ 1,34% vào cuối quý III/2022 và 1,28% cuối năm 2021.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trung bình của ngành đã tăng lên mức 168,7% vào cuối quý III/2022, thấp hơn so với mức 172,6% vào cuối quý II/2022 nhưng vẫn cao hơn mức 159,6% vào cuối năm 2021.
Sang năm 2023, bên cạnh vấn đề "căng thẳng thanh khoản" trong hệ thống ngân hàng, VNDirect nhận thấy một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.
Các DN Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao (do USD tăng giá và lãi suất tiền đồng tăng cao), và việc này sẽ gây ảnh hưởng lên khả năng trả nợ của các DN. Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các DN đang gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn bị hạn chế trong khi thị trường TPDN gần như đã đóng băng.
Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DN và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Nhìn chung, áp lực tăng trích lập dự phòng sẽ quay trở lại và dẫn tới việc chi phí dự phòng có thể tăng trong 2023-2024. VNDirect tin rằng những ngân hàng với chất lượng tài sản ổn định sẽ ở một vị thế tốt để đương đầu với rủi ro nợ xấu tăng cao.
MSB thanh lý tàu biển có giá 88,084 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) chào bán tàu biển THANH VAN 16 đã qua sử dụng với giá từ 88,084 tỷ đồng.
Mức giá chào bán 88,084 tỷ đồng là mức giá đã bao gồm VAT và chưa bao gồm các loại thuế, phí liên quan đến việc chuyển nhượng và giá trị nguyên liệu, vật tư khai thác trên tàu tại thời điểm bàn giao (nếu có). Tài sản được chào bán cạnh tranh theo hình thức trả giá một lần thông qua Đơn chào mua tài sản gửi trực tiếp qua đường bưu điện tới MSB trước 17h ngày 13/01/2023. Quyền mua ưu tiên sẽ được tính theo thứ tự ưu tiên: Giá cao nhất, thời hạn thanh toán sớm nhất.
Tàu biển Thanh Van 16 là tàu chở dầu/hóa chất thuộc quyền sở hữu của MSB, có hô hiệu/Số IMO: 3WPQ9/9748942 được đóng năm 2015, hoán cải năm 2016 và đăng ký tại Cảng Hải Phòng, đăng kiểm tại Việt Nam. Tàu có tổng công suất máy chính là 1765 KW, trọng tải toàn phần là 4979.50 MT, tổng dung tích 3173 GT, dung tích thực dụng là 1615 NT. Tàu có chiều dài lớn nhất là 96.84 M, và chiều rộng 15.30 M, mớn nước 6.20 M.
Khách hàng xem và nhận bàn giao tàu tại Nhà máy đóng tàu Bình An, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.
Số tiền đặt trước tham gia đấu giá là 13,3 tỷ đồng và thực hiện theo hình thức ký quỹ. Số tiền ký quỹ phải được ghi Có vào tài khoản của MSB chậm nhất tới 17h ngày 16/01/2023. Các đơn vị không trúng quyền mua sẽ được MSB hoàn lại số tiền đã ký quỹ trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày mở niêm phong chào mua. Thời gian tổ chức buổi mở niêm phong là 16h00 ngày 18/01/2023 tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, số 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đại diện các đơn vị đến buổi niêm phong phải mang theo bản gốc Giấy giới thiệu của đơn vị, giấy tờ tùy thân liên quan và Uỷ nhiệm chi/Lệnh chuyển tiền ký quỹ.
Ngân hàng rao bán tài sản của Hoa hậu doanh nhân thành đạt
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Sài Gòn rao bán một lô đất có diện tích 285,2m2 tại địa chỉ số 45 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM. Mức giá khởi điểm cho tài sản trên là 6 tỷ đồng. Lô đất này thuộc sở hữu của bà Lý Thị Minh Nguyệt từ tháng 1/2017, được bà Nguyệt đem thế chấp cho khoản vay của Công ty TNHH Ô tô Minh Nguyệt tại Agribank Sài Gòn.
Cùng lúc, Agribank Sài Gòn cũng rao bán một tài sản khác thuộc sở hữu của Ô tô Minh Nguyệt là lô đất có diện tích gần 50 nghìn m2, bao gồm nhà kho, nhà văn phòng, nhà ở công nhân, tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Lô đất có diện tích lên đến 47.407,3 m2, thuộc sở hữu của Ô tô Minh Nguyệt từ tháng 1/2018 theo hình thức sử dụng riêng, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Mức giá khởi điểm cho tài sản này là 85 tỷ đồng. Đây là tài sản thế chấp tại Agribank Sài Gòn. Trước ngày mở cuộc đấu giá, nếu Ô tô Minh Nguyệt thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với ngân hàng, hoặc ngân hàng đồng ý giải chấp tài sản thì chủ tài sản có quyền nhận lại tài sản đó.
Agribank không cho biết chi tiết về các khoản vay của Ô tô Minh Nguyệt tại ngân hàng.
Trước đó, bà Nguyệt khởi nghiệp bằng việc kinh doanh gas với thương hiệu Gas Minh Nguyệt, một doanh nghiệp chuyên cung cấp gas cho các khu công nghiệp, nhà hàng và khách sạn tại TP.HCM.
Công ty TNHH Ô tô Minh Nguyệt thuộc Tập đoàn Minh Nguyệt, do nữ doanh nhân Lý Thị Minh Nguyệt sáng lập năm 2005. Đây là doanh nghiệp chuyên mua bán, sửa chữa ô tô, địa chỉ tại 241 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM. Doanh nghiệp này đang sở hữu hai garage kinh doanh, sửa chữa ô tô tại Bình Thạnh, TP HCM có diện tích lên tới 3.000m2.
Tập đoàn Minh Nguyệt cũng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, với việc sở hữu các dự án tại quận 2, quận 9 (TP.HCM). Doanh nghiệp này còn sở hữu nhà máy thu mua chế biến nông sản tại tỉnh Bình Phước và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Không dừng lại ở đó, tập đoàn tham gia các lĩnh vực khác như nhà hàng, khách sạn, kinh doanh mua bán ca nô, du thuyền, bảo hiểm.
Bà Lý Thị Minh Nguyệt còn là Phó chủ tịch đối ngoại câu lạc bộ Doanh nhân Tiên Phong Việt Nam (VBC Việt Nam).
Dư nợ tín dụng lần đầu vượt tiền gửi dân cư sau 10 năm
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại hội nghị trực tuyến ngày 3/1, dư nợ tín dụng năm 2022 ước tăng khoảng 14,5% so với đầu năm. Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2022 - là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay xét về giá trị tuyệt đối.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong năm qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ngay từ nửa đầu năm khiến họ cạn room (hạn mức) tín dụng được cấp. Suốt nhiều tháng sau đó, thị trường bị "đứt gãy" tín dụng, các nhà băng và doanh nghiệp đều trông chờ vào quyết định nới hạn mức của Ngân hàng Nhà nước để giải tỏa "cơn khát" vốn.
Dù vậy, cơ quan quản lý đã không vội nới room trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng và thanh khoản thị trường chịu tác động tiêu cực sau vụ việc SCB. Mãi tới đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước mới có đợt cấp thêm room giúp việc vay vốn trở nên "dễ thở" hơn.
Trong khi tín dụng cả năm tăng mạnh, giới nhà băng lại gặp khó trong việc huy động tiền gửi. Cụ thể, tính tới 21/12, tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư đạt 11,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 5,99% so với đầu năm, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất của hệ thống ngân hàng trong chục năm trở lại đây.
Điều này kéo theo dư nợ tín dụng vượt số dư tiền gửi từ dân cư (không tính số tiền gửi liên ngân hàng) chảy vào hệ thống ngân hàng. Trong suốt chục năm qua, số dư tiền gửi của tổ chức và dân cư tại hệ thống ngân hàng luôn lớn hơn dư nợ tín dụng chảy ra nền kinh tế. Lần gần nhất, huy động tiền gửi thấp hơn tín dụng là vào 2012 - thời điểm thanh khoản hệ thống căng thẳng dẫn đến cuộc đua lãi suất "nóng".
Có nhiều nguyên nhân khiến huy động vốn của ngân hàng gặp khó trong 2022, xuất phát từ cung tiền thấp, một phần tiền của dân cư "kẹt" trong trái phiếu, doanh nghiệp rút tiền đưa vào trang trải chi phí sản xuất kinh doanh.
Theo Công ty chứng khoán Yuanta, tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động) của nhiều nhà băng đã chạm trần. Nhiều nhà băng phải tăng cường huy động trên thị trường liên ngân hàng hoặc các định chế tài chính nước ngoài để bù đắp khoản thiếu hụt từ tiền gửi của dân cư. Việc huy động có được cải thiện trong hai tháng cuối năm khi lãi suất tiền gửi lên cao nhưng giới chuyên gia dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 6/1: Ưu tiên chất lượng tài sản hơn tăng trưởng lợi nhuận