Tin ngân hàng ngày 7/10: 4 ngân hàng nào vừa được điều chỉnh thêm "room" tín dụng?
Tin ngân hàng ngày 6/10: MSB khuyến cáo khách hàng cẩn trọng trước tin nhắn giả mạo Tin ngân hàng ngày 5/10: Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt |
4 ngân hàng nào vừa được điều chỉnh thêm "room" tín dụng?
Trong báo cáo mới phát hành hành, Chứng khoán VnDirect cho biết 4 ngân hàng TMCP gồm có VPBank, HDBank, MB và Vietcombank đã được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022. Đáng chú ý, đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Vietcombank được điều chỉnh nới room tín dụng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo tính toán của nhóm phân tích, sau đợt điều chỉnh này, sẽ có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Đồng thời, tính đến thời điểm hiện tại, hạn mức tăng trưởng tín dụng của 18 ngân hàng (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) đạt khoảng 13,6%.
"Đây là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì", nhóm nghiên cứu tại VNDirect nhấn mạnh.
Nhóm phân tích ước tính VPBank (chỉ tính riêng ngân hàng mẹ) nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng là 27,2% - cao hơn dự báo trước đó là 23% và cao hơn năm ngoái là 20,2%. HDBank và MB dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng tín dụng lần lượt là 23,5% và 23,2% - cao hơn ước tính trước đó là 20%.
Trước đợt nới room trên, hồi trung tuần tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh hạn mức tín dụng cho nhiều ngân hàng.
Cụ thể, VnDirect cho biết có khoảng 18 ngân hàng thương mại đã được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Nhìn chung, trong đợt cấp tín dụng này, NHNN đã ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao - đơn cử như MB, HDBank, VIB, Agribank...
BIC giảm tới 40% phí bảo hiểm trong ngày 10/10
Ngày 10/10/2022 tới đây, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) sẽ triển khai chương trình khuyến mại “Ngày vàng siêu ưu đãi”, tặng tới 40% phí nhiều sản phẩm bảo hiểm.
Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng tham gia bảo hiểm BIC sẽ được nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn: Giảm 40% phí bảo hiểm du lịch; giảm 30% phí bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân - BIC Tâm An (áp dụng với khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC hoặc căn cứ trên thực tế quá trình tham gia bảo hiểm tại BIC của khách hàng); giảm 30% phí bảo hiểm tai nạn con người 24/24; giảm 25% phí bảo hiểm an ninh mạng cá nhân - BIC Bảo An Tài khoản; giảm 20% phí bảo hiểm bệnh ung thư - BIC Phúc Tâm An.
Để tham gia bảo hiểm và tận hưởng các ưu đãi của chương trình, khách hàng có thể mua trực tuyến mọi lúc mọi nơi tại website mybic.vn, ứng dụng BIC Online hoặc BIDV SmartBanking (miễn phí trên iOS và Android).
Toàn bộ quá trình tìm hiểu thông tin sản phẩm, đặt mua, thanh toán và nhận giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, đơn giản, nhanh chóng chỉ trong vài phút.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể mua trực tiếp tại các phòng kinh doanh, công ty thành viên hoặc các đại lý của BIC trên toàn quốc.
Năm 2023, KTNN sẽ kiểm toán một số ngân hàng cổ phần
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn vừa ký báo cáo dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2023 gửi Quốc hội.
Theo đó, năm 2023 cũng sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng, tổng công ty tài chính, bảo hiểm để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; xử lý nợ xấu; việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động...
Ngoài Ngân hàng Nhà nước thì danh sách này có Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương, Tập đoàn Bảo Việt…
Dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của KTNN bao gồm 139 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 39 nhiệm vụ so với kế hoạch năm 2022, Phó tổng KTNN cho biết.
Trong các giải pháp chủ yếu tổ chức thực hiện kế hoạch, KTNN xác định chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để rà soát, kiểm tra và có giải pháp nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động của KTNN và hoạt động của cơ quan thanh tra các cấp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác; xây dựng phương án tổ chức kiểm toán và lồng ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu mối (bộ, cơ quan trung ương và địa phương) có triển khai nhiều Đoàn kiểm toán trong năm 2023 để giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Nhiều tin nhắn giả mạo ngân hàng, thông báo đăng ký quảng cáo trên TikTok
Mới đây, nhiều ngân hàng đã thông báo về việc xuất hiện hình thức lừa đảo mới giả mạo tin nhắn ngân hàng.
Nhiều tin nhắn giả mạo ngân hàng, thông báo đăng ký quảng cáo trên TikTok/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, khách hàng của VietinBank đã nhận được các tin nhắn SMS lừa đảo hiển thị dưới tên của ngân hàng. Từ đó, khách hàng dễ mất cảnh giác và truy cập vào đường link đính kèm có mã độc yêu cầu nhập user/mật khẩu/OTP bảo mật ngân hàng điện tử, vô tình cho phép những kẻ tội phạm chiếm dụng tài sản.
VietinBank cho biết, khách hàng cần thông báo ngay cho ngân hàng nếu nghi ngờ bị mất thông tin tài khoản hoặc phát sinh giao dịch gian lận. Trong trường hợp khách hàng đã lỡ click/cung cấp thông tin tài khoản trên đường link giả mạo, cần liên hệ ngay tới tổng đài hỗ trợ khách hàng để yêu cầu khóa dịch vụ.
SHB cũng cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều tin nhắn giả mạo các ngân hàng Việt Nam, trong đó có SHB để thông báo đăng ký dịch vụ tài chính toàn cầu/ đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, cảnh báo đổi mật khẩu, cảnh báo cập nhật dịch vụ mới với mục đích là để khách hàng cung cấp user/mật khẩu/OTP.
Nội dung tin nhắn thường đính kèm đường link giả mạo gần giống với website chính thức của SHB khiến khách hàng dễ nhầm lẫn, mất cảnh giác. Khi khách hàng đăng nhập đường link giả mạo bằng user/mật khẩu, các thông tin này sẽ được chuyển đến máy chủ của hacker và được dùng để chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Để đảm bảo an toàn, ngân hàng khuyến cáo, khách hàng không truy cập đường link giả mạo. Ngân hàng tuyệt đối không gửi tin nhắn có gắn đường link yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP. Do đó, khách hàng cần nâng cao cảnh giác và cảnh báo tới những người xung quanh về hiện tượng lừa đảo này.
Không chỉ VietinBank, SHB, mới đây, VPBank cũng thông tin đang có hiện tượng kẻ gian gửi tin nhắn giả mạo thương hiệu VPBank và thông báo những dịch vụ liên quan đến tài khoản ngân hàng và yêu cầu khách hàng click vào link gửi trong tin nhắn để xóa/hủy/xác nhận… Đây là tin nhắn giả mạo có gắn mã độc, nếu click vào link thì khách hàng sẽ bị kẻ gian lừa đảo, lấy mất tiền trong tài khoản. VPBank nhấn mạnh khuyến cáo, khách hàng tuyệt đối không click vào link lạ, kể cả tin nhắn gửi từ VPBank để tránh kẻ gian lừa đảo.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 7/10: 4 ngân hàng nào vừa được điều chỉnh thêm "room" tín dụng?