Tin ngân hàng ngày 8/11: 74 nghìn tỷ đồng được bơm ròng vào hệ thống thông qua hoạt động OMO
Tin ngân hàng ngày 7/11: SCB tiếp tục gửi thư ngỏ về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp Tin ngân hàng ngày 5/11: VPBank sắp lấy ý kiến cổ đông về việc mua cổ phiếu quỹ |
74 nghìn tỷ đồng được bơm ròng vào hệ thống thông qua hoạt động OMO
Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm ròng 74 nghìn tỷ đồng thông qua hoạt động OMO. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh ở kỳ hạn qua đêm.
74 nghìn tỷ đồng được bơm ròng vào hệ thống thông qua hoạt động OMO/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần của SSI Research, nghiệp vụ mua kỳ hạn được sử dụng xuyên suốt tuần với tổng khối lượng lên đến 58 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày nhằm cấp thanh khoản trong ngắn hạn. Phương thức đấu thầu khối lượng được duy trì và lãi suất trúng thầu đạt 6%.
Tín phiếu NHNN cũng được phát hành trong giai đoạn đầu tuần, với khối lượng 20 nghìn tỷ đồng và lãi suất 6%. Kết tuần, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 106,8 nghìn tỷ đồng và trên kênh tín phiếu là 20 nghìn tỷ đồng.
Tổng cộng, NHNN đã tiếp tục bơm ròng 74 nghìn tỷ đồng thông qua hoạt động OMO. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh ở kỳ hạn qua đêm (6,35%, tăng 180 điểm so với tuần trước đó). Lãi suất kỳ hạn 1 tuần - 1 tháng tăng nhẹ hơn (26 - 75 điểm cơ bản), dao động từ 7,03% - 7,84%.
NHNN đã đưa ra một số thông điệp quan trọng liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. Về tổng thể, NHNN cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và biến động trong tháng 10 chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý. Trên thực tế, trong cuộc họp với các NHTM gần đây, NHNN ghi nhận về điểm nghẽn thanh khoản của thị trường, và yêu cầu các NHTM nên tăng cường hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống và của từng ngân hàng.
NHNN khẳng định các NHTM trong hệ thống đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, nhằm giải đáp những lo ngại của thị trường trong thời gian qua. Về định hướng trong thời gian tới, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm. Đặc biệt, việc đẩy mạnh sử dụng công cụ tài khóa cũng được nhắc đến nhằm giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
TP HCM yêu cầu SCB giải thích rõ ràng, không né tránh người dân
Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng và Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Minh Châu tại cuộc họp về tình hình liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Theo đó, hai Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng và Ngô Minh Châu đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về tình hình liên quan đến ngân hàng SCB.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến từ các cơ quan, đơn vị dự họp, lãnh đạo TP HCM đề nghị SCB phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động bố trí địa điểm tiếp người dân rộng rãi, thông thoáng; cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng, ân cần, lịch sự, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng từng trường hợp để hỗ trợ, đối thoại; tuyệt đối không né tránh.
Theo lãnh đạo TP HCM, người dân cần bình tĩnh, thực hiện đúng quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại.
Lãnh đạo UBND TP HCM cũng yêu cầu ngân hàng SCB phải có cơ chế trao đổi thông tin nhanh chóng để báo cáo lãnh đạo thành phố, lãnh đạo địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; phối hợp với các lực lượng chức năng vận động, giải thích cho người dân, giải quyết những vấn đề liên quan ngay tại cơ sở.
BIDV tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất
Sau khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN được ban hành, BIDV đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để thực hiện đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 và năm 2023 với số tiền 3.820 tỷ đồng. Theo đó ngày 13/6/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho BIDV là 1.060 tỷ đồng.
Để kịp thời triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, BIDV đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, ngân hàng tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ trong toàn hệ thống về quy định hỗ trợ lãi suất, giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai bảo đảm thực hiện theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Một nội dung quan trọng khác được BIDV tập trung nguồn lực để thực hiện đó là xây dựng và vận hành chương trình quản lý khoản vay hỗ trợ lãi suất, giúp tính toán và thực hiện hỗ trợ lãi suất được minh bạch, góp phần tiết kiệm thời gian tác nghiệp. Đối với công tác truyền thông về chương trình hỗ trợ lãi suất, BIDV đã công bố thông tin công khai minh bạch về Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN đến khách hàng, đồng thời chủ động tiếp cận, tư vấn và hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ vay hỗ trợ lãi suất.
Tính đến thời điểm ngày 30/10/2022, BIDV là một trong các ngân hàng thương mại tích cực nhất trong việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, xét về cả quy mô dư nợ được hỗ trợ lãi suất và số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN là chương trình có ý nghĩa lớn đối với sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó vai trò của BIDV nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung trong việc triển khai là rất quan trọng.
BIDV yêu cầu các đơn vị trong hệ thống phối hợp chặt chẽ để kịp thời triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định, đối tượng, mục đích và an toàn. Bên cạnh đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất và công tác truyền thông đến khách hàng, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
VPBank tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức kịch trần 1%/năm
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi trên tài khoản thanh toán - Casa) áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức “kịch trần” 1%/năm, áp dụng từ ngày 1/11/2022. Đây là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố tăng lãi suất ở loại hình tiền gửi này.
VPBank tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức kịch trần 1%/năm/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, khách hàng cá nhân có số dư tiền gửi bình quân dưới 100 triệu đồng trên tài khoản thanh toán sẽ hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,2%/năm; số dư tiền gửi bình quân từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ hưởng lãi suất 0,5%/năm.
Đặc biệt khách hàng cá nhân có số dư tiền gửi bình quân từ 500 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn kịch trần với mức 1%/năm.
Việc VPBank tăng kịch trần lãi suất không kỳ hạn được thực hiện sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng các loại lãi suất điều hành nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ. Theo đó, riêng đối với tiền gửi không kỳ hạn, Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất tối đa từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm, áp dụng từ ngày 2/10/2022.
Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, VPBank là một trong số ít ngân hàng đầu tiên công bố tăng lãi suất ở loại hình tiền gửi không kỳ hạn, áp dụng với khách hàng cá nhân.
Theo đại diện VPBank, việc ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất không kỳ hạn trên tài khoản thanh toán nhằm tri ân và gia tăng lợi ích tối đa cho khách hàng đã tin tưởng và đồng hành với VPBank, đặc biệt là các khách hàng thường xuyên duy trì và sử dụng tài khoản thanh toán để nhận lương, chi tiêu thanh toán, hay thực hiện các giao dịch tài chính khác.
“Khoản lãi suất không kỳ hạn này sẽ được trả vào tài khoản của khách hàng theo định kỳ hàng tháng, dựa trên số dư tiền gửi bình quân mỗi tháng của khách hàng tại tài khoản thanh toán. Khách hàng duy trì số dư trên tài khoản thanh toán càng nhiều, lãi suất sẽ càng cao”, đại diện VPBank chia sẻ.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 8/11: 74 nghìn tỷ đồng được bơm ròng vào hệ thống thông qua hoạt động OMO