Tin ngân hàng ngày 8/3: Giao dịch qua phương thức QR code tăng vọt
Tin ngân hàng ngày 7/3: HDBank hỗ trợ nhóm khách hàng nông nghiệp Tin ngân hàng ngày 6/3: Agribank hạ lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến |
Giao dịch qua phương thức QR code tăng vọt
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số tiếp tục đạt được kết quả tích cực.
Tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Ảnh minh họa |
Các chỉ số thanh khoản không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá. Trong tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và tăng 13,65% về giá trị. Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị, số liệu trên cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 6,02% về số lượng và tăng 54,42% về giá trị; qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 51,0% về số lượng và 34,96% về giá trị.
Đến cuối tháng 01/2024, thị trường có 20.986 ATM giảm 1,70% so với cùng kỳ năm 2023, 554.580 POS tăng 32,68% so với cùng kỳ năm 2023.
Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, NHNN cho biết đã đã khuyến khích các TCTD triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa.
Các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực.
Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số..
FE Credit đang cho vay lãi suất bao nhiêu?
Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Tài chính TNHH Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC ("FE Credit") vừa công bố công khai lãi suất cho vay bình quân. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân trong tháng 02/2024 tại FE Credit là 23,4% /năm.
FE Credit là công ty tài chính đầu tiên công bố công khai lãi suất cho vay bình quân sau chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN. Đồng thời là một trong những tổ chức tín dụng đầu tiên công bố số liệu này bên cạnh một số ngân hàng.
Mới đây, tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.
Trước đó, NHNN đã có Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm 2024, trong đó có chỉ đạo các TCTD công bố công khai và chịu trách nhiệm về lãi suất cho vay bình quân của từng TCTD và chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên website của từng TCTD.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 mới đây, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cũng cho biết, thời gian tới, khi tổng hợp các ý kiến từ các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN dự kiến sẽ lập một website để các TCTD gửi đường link công bố lãi suất bình quân liên kết với website của NHNN. "Để tránh hiểu lầm khi công bố lãi suất bình quân, NHNN không giới hạn các TCTD công bố chi tiết các nhóm khách hàng, phân loại khách hàng... đó là thẩm quyền các TCTD".
Còn Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, việc công khai là chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo Chính phủ và ngành ngân hàng phải thực hiện, đó là kỷ cương điều hành.
"Đây là lãi suất bình quân, không phải lãi suất cho vay với từng đối tượng, từng doanh nghiệp hay từng loại hình thì không có gì vi phạm. Vì vậy, trách nhiệm khi cho vay, huy động là phải công bố lãi suất. Đề nghị các ngân hàng thực hiện tốt. Chúng ta phấn đấu để có sự công bằng, khách quan trong cạnh tranh thì các ngân hàng đều phải phấn đấu, việc này công bố không có gì khó khăn", lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.
Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát việc kinh doanh vàng
Tổng cục Thuế vừa yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát toàn bộ doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý. Cơ quan thuế nhấn mạnh tới hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Theo đó, cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, đề xuất phương án, phối hợp với sở ban ngành để tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như: Công an, quản lý thị trường, ngân hàng , hải quan… để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng, bạc, đá quý, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.
“Qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an. Từ đó, cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Tổng cục Thuế yêu cầu.
Thị trường vàng thời gian qua liên tục biến động. Ngày 7/3, giá vàng trong nước lên mức cao nhất trong lịch sử, vàng SJC 81,8 triệu đồng/lượng, nhẫn tròn trơn gần 69 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới 17 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn 4 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng. Trước đó, khi vàng SJC chạm mức 80 triệu đồng/lượng, doanh nghiệp vàng gần như tạm dừng mua vào, hoặc để giá mua vào thấp hơn giá bán ra tới 6 triệu đồng/lượng.
Tại mỗi doanh nghiệp vàng niêm yết mức giá mua vào - bán ra khác nhau, có thể chênh lệch 500.000 - 6.000.000 đồng/lượng (tuỳ theo doanh nghiệp).
Thủ tướng sắp chủ trì bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn hỏa tốc gửi lãnh đạo các ngân hàng thương mại về việc chuẩn bị nội dung tham dự hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì để bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng.
Ảnh minh họa |
Theo công văn của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức hội nghị, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng và giảm lãi suất cho vay.
Các ngân hàng thương mại được yêu cầu báo cáo đánh giá nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Đồng thời, các ngân hàng cũng được yêu cầu cung cấp thông tin, số liệu tín dụng, lãi suất, đánh giá thực trạng, nguyên nhân tín dụng tăng thấp với từng ngành, lĩnh vực. Đánh giá tình hình thực hiện giảm lãi suất cho vay thời gian qua và giải pháp cụ thể đã triển khai, sẽ triển khai tiết giảm chi phí, lợi nhuận để chia sẻ và giảm mặt bằng lãi suất.
Cùng với đó, các ngân hàng báo cáo khó khăn, vướng mắc từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể, thực chất để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ cũ vẫn còn duy trì lãi suất cao và dư nợ phát sinh mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trước đó, ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Thủ tướng yêu cầu đảm bảo cung cấp đủ nguồn vốn tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; để có thể có những biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất sao cho hiệu quả nhất.
Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 8/3: Giao dịch qua phương thức QR code tăng vọt