Tin ngân hàng ngày 9/11: Hoa Kỳ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
Tin ngân hàng ngày 8/11: Lãi suất tiết kiệm cao nhất quanh mức 6% Tin ngân hàng ngày 7/11: 22 ngân hàng cho các dự án giao thông vay hơn 92.000 tỷ |
Hoa Kỳ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngày 7/11/2023, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (BTC Hoa Kỳ) ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tại Báo cáo kỳ này, BTC Hoa Kỳ xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ trên cơ sở ba tiêu chí: (1) thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; (2) thặng dư cán cân vãng lai; và (3) can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài. Theo đó, BTC Hoa Kỳ đưa 06 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam vượt ngưỡng 2 tiêu chí là thặng dư thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ với Hoa Kỳ (đạt 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD) và thặng dư cán cân vãng lai (đạt 19 tỷ USD, tương đương 4,7% GDP, vượt ngưỡng 3% GDP).
Theo NHNN, trong thời gian qua, tại các cuộc làm việc song phương, BTC Hoa Kỳ đã đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam do đã thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ và duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để duy trì hợp tác chặt chẽ và thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên, có hiệu quả với BTC Hoa Kỳ; qua đó, tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh mà hai bên cùng quan tâm.
Nhiều ngân hàng phát hành thẻ tín dụng lãi suất thấp
Tùy thuộc vào từng ngân hàng và hạn mức thẻ tín dụng mà mức lãi suất thẻ tín dụng khác nhau. Nhìn chung, mức lãi suất thẻ tín dụng của các ngân hàng đang trong khoảng 0-3,3%/tháng.
Mức lãi suất thấp nhất hiện là 0%. Đây là lãi suất được VIB áp dụng cho các giao dịch mua sắm bằng thẻ VIB Zero Interest Rate. Lãi suất áp dụng cho các giao dịch rút tiền là 3,12%/tháng cho 3 kỳ sao kê đầu tiên từ ngày phát hành thẻ lần đầu và 2,46 - 3,29%/tháng cho các tháng tiếp theo.
Ngoài ra, ngân hàng VIB còn có một số loại thẻ khác mức lãi suất dao động trong khoảng 2,5 - 2,83%/tháng, đi kèm với đó còn là nhiều ưu đãi, dịch vụ khác.
Lãi suất thẻ tín dụng của VietinBank cũng chỉ 18,5%/năm (tương đương 1,54% tháng) là một trong những ngân hàng có mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất.
Lãi suất thẻ tín dụng BIDV cũng khá thấp, dao động từ 1,25 - 1,5%/tháng, tùy từng sản phẩm thẻ tín dụng.
Mức lãi suất thấp nhất đối với thẻ tín dụng Sacombank là 1%/tháng và cao nhất là 2,77%/tháng. Loại thẻ có khung lãi suất thấp nhất (1-2,6%/tháng) là hai loại thẻ dành cho doanh nghiệp Visa Business Gold và Visa Corporate Platinum. Với thẻ tín dụng của khách hàng cá nhân, khung lãi suất áp dụng từ 1,25 - 2,77%/tháng.
Lãi suất thẻ tín dụng Eximbank dao động từ 1 - 2,35%/tháng.
Lãi suất thẻ tín dụng là khoản phí mà chủ thẻ phải trả khi thực hiện rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, hoặc chậm thanh toán một phần tối thiểu/toàn bộ số dư nợ thẻ tín dụng của tháng liền kề trước.
Tại từng thời kỳ, lãi suất áp dụng với dư nợ của từng loại thẻ sẽ dựa vào bảng lãi suất do ngân hàng quy định. Trong thời gian quy định, nếu khách hàng thanh toán đầy đủ số tiền đã chi tiêu trước hoặc đúng ngày thanh toán sẽ không phải bị tính thêm lãi suất và phí trả chậm.
Techcombank ghi nhận kết quả kinh doanh quý III khả quan
Ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank cho biết xu hướng này khá đồng nhất với dự báo và phản ánh tình hình sức khỏe tài chính của ngân hàng.
Theo đánh giá của JP Morgan về kết quả kinh doanh quý III của Techcombank, thu nhập lãi thuần (NII) tăng 16%, đảo ngược chu kỳ giảm của 3 quý gần nhất, nhờ tăng trưởng tài sản và chi phí vốn được cải thiện. Thu nhập ngoài lãi tăng 4% so với quý trước, nhờ thu nhập từ hoạt động trading (kinh doanh chứng khoán đầu tư và ngoại hối), cùng thu nhập từ hoạt động dịch vụ.
Cùng chung đánh giá trên, UBS cho rằng lợi nhuận của Techcombank phù hợp với dự báo của tổ chức này, với quý III đạt 5.800 tỷ đồng nhưng cao hơn mức dự báo trung bình của thị trường khoảng 17%. Theo UBS, NIM hồi phục mạnh mẽ, tăng hơn 40 điểm cơ bản trong quý III so với quý trước đó. Nhận định này trùng hợp với Maybank về NIM theo năm của Techcombank, tính trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng lên 4,19%, so với 4,08% trong 6 tháng đầu năm, nhờ lãi suất cho vay ổn định ở mức 8,8% và chi phí vốn giảm xuống mức xấp xỉ 4,96%.
Theo các chuyên gia phân tích tại Maybank, kết quả kinh doanh này cho thấy những dấu hiệu phục hồi khả quan. ROE theo năm ở mức 15,2%, xét về chỉ số ROA, Techcombank vẫn duy trì mức đầu ngành, đạt 2,4%. Cùng với đó, cơ cấu CASA duy trì ở mức tốt 33,6%, nhờ số dư CASA tăng trưởng ổn định, do ngân hàng tích cực đẩy mạnh thu hút khách hàng mới.
Maybank cho rằng chất lượng tài sản của Techcombank duy trì ở mức khá, với số dư nợ xấu tuyệt đối tăng 29% theo quý và 113% so với đầu năm lên 6.500 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu 1,36%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 93%. Trong khi đó, dư nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) giảm 35% theo quý và 32% so với đầu năm, chiếm 1,3% tổng dư nợ. CIR được duy trì ở mức 33,2%, dù ngân hàng tiếp tục đầu tư vào tài sản cố định (như tòa nhà văn phòng mới) và công nghệ.
Maybank ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Techcombank sẽ đạt 23.000 tỷ đồng.
Ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank đánh giá ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định trong quý III, theo sát dự báo trong bối cảnh nền kinh tế đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh, thu hút 2,2 triệu khách hàng mới trong 9 tháng đầu năm.
Agribank giảm lãi suất từ 3%-4% đối với toàn bộ dư nợ hiện hữu
Dự kiến trong đợt giảm lãi suất lần này, khách hàng sẽ được điều chỉnh lãi suất giảm từ 3% đến 4% và ước tính Agribank sẽ dành tối đa khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH2015 của Quốc hội, từ nay đến hết ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay để đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19.
Theo đó, Agribank thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay đang áp dụng theo từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng, loại cho vay… giảm tối đa đến mức sàn lãi suất cho vay hiện hành và không áp dụng lãi suất phạt quá hạn, lãi chậm trả, phí (nếu có) đối với khách hàng trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày 1/11/2023.
Như vậy, trong 2 tháng cuối năm 2023, Agribank nơi cho vay thực hiện điều chỉnh lãi suất áp dụng đối với dư nợ hiện hữu của các khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2, nợ xấu nội bảng về tối đa đến mức sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank, trong đó sẽ có khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm từ 3% đến 4%. Ước tính, trong đợt giảm lãi suất lần này, Agribank sẽ dành tối đa khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ khách hàng.
Đây là lần thứ 7 liên tiếp từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, giúp giảm thiểu chi phí để tập trung tái cơ cấu, khôi phục hoạt động kinh doanh.
Agribank cũng đồng thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và các chương trình tín dụng lãi suất thấp nhằm tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi như: Triển khai Thông tư 02, Nghị định số 31, Nghị quyết 33, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp... góp phần hiện thực hóa chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 9/11: Hoa Kỳ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ