Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: NHNN sẽ vận động các nhà băng giữ ổn định lãi vay
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Phát hiện, ngăn chặn xuất lậu 1 triệu USD nhuộm đen ra nước ngoài Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh 10 năm |
NHNN sẽ vận động các nhà băng giữ ổn định lãi vay
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là sự xoay trục của chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt, cơ quan điều hành ngành ngân hàng vẫn kiên định với chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và đồng bộ với các mục tiêu vĩ mô. Trong đó, ưu tiên đứng đầu vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá.
NHNN sẽ vận động các nhà băng giữ ổn định lãi vay/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Vừa qua, NHNN đã tăng loạt lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn.
Dù tăng lãi suất điều hành NHNN cho biết sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, tăng năng lực quản trị, từ đó giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.
Trong bối cảnh các nhà băng "khát tiền gửi", việc tăng lãi suất huy động kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng về thanh khoản. Các ngân hàng thương mại hôm nay cũng công bố mức lãi suất huy động mới với biên độ tăng tương ứng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi chi phí đầu vào tăng lên, lãi suất cho vay ra cũng biến động. Mặt bằng cho vay nhiều nhà băng cũng được điều chỉnh. Thực tế này có phần đi ngược với cam kết của Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm, về nỗ lực giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn 2022-2023.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, thực tế quyết định tăng lãi suất của cơ quan điều hành nhằm đảm bảo kiểm soát các cân đối lớn, như lạm phát, vĩ mô, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Về chính sách điều hành tín dụng năm nay, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14%, nhưng sẽ có điều chỉnh tùy theo diễn biến, tình hình thực tế.
Tính đến giữa tháng 9, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế đạt 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tín dụng vẫn tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động, tạo đà phục hồi kinh tế.
SHB bán nợ hơn 1.400 tỷ đồng thế chấp bằng loạt tài sản tại Hà Nội, TP HCM
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa thông báo bán nợ của CTCP Đầu tư tài chính Thành Việt (Công ty Tài chính Thành Việt). Tính đến ngày 16/9 tổng dư nợ của doanh nghiệp nêu trên là hơn 1.406 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 384,9 tỷ đồng, còn lại là dư nợ lãi và lãi phạt.
Ngân hàng cho biết khoản nợ được thế chấp bằng ba tài sản, một dự án bất động sản có quy mô 10 ha tại Hà Nội, 4 bất động sản tại TP HCM và 3,93 triệu cổ phiếu PSI ( HNX: PSI )
Theo đó, tài sản thứ nhất là toàn bộ các tài sản, quyền tài sản đã hình thành và hình thành trong tương lai bao gồm nhưng không giới hạn quyền sử dụng đất, các tài sản gắn liền với đất, các quyền đòi nợ, quyền khai thác kinh doanh đối với dự án thuộc dự án khu nhà ở Machino tại khu A, thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Chủ đầu tư là liên danh giữa Công ty Tài chính Thành Việt và CTCP Xuất nhập khẩu máy Hà Nội (Công ty Máy Hà Nội). Tổng diện tích khu đất lập dự án khoảng 10 ha, bao gồm 3 khu.
Khu thứ nhất là phần đất Công ty Máy Hà Nội đang quản lý 69.824 m2 hiện trạng đã có khu nhà xưởng và khu vườn cây. Trong đó, có khoảng 60.960 m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 8.864 m2 là đất trồng cây lâu năm Công ty Máy Hà Nội hiện đang quản lý chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Khu thứ hai là phần đất đề xuất mở rộng về phía Đông Bắc phạm vi ranh giới lập quy hoạch chi tiết thực hiện dự án là đất canh tác nằm xen kẹt giữa đường Vành đại 3 (dự kiến) và khu đất Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu máy Hà Nội đang quản lý, liên danh giữa Công ty Máy Hà Nội và Công ty Tài chính Thành Việt là 23.500 m2.
Khu thứ ba là phần đất khoảng 7.000 m2 nằm trong phạm vi mở đường Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Tài sản đảm bảo thứ hai là quyền sử dụng đất tại 4 thửa đất nông nghiệp có địa chỉ tại số 265A Lương Định Của, phường An Phú, quận 2, TP HCM. Tài sản thứ ba là 7,5 triệu cổ phần PSI thuộc sở hữu của Công ty Tài chính Thành Việt, tuy nhiên SHB cho biết doanh nghiệp hiện chỉ còn nắm giữ 3,93 triệu cổ phiếu PSI.
SHB không công bố mức giá đấu giá cụ thể, ngân hàng dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 30/9.
Nhiều ngân hàng đổi mới bộ máy nhân sự cấp cao
Song song với việc tuyển dụng mới cán bộ nhân viên ở các đơn vị kinh doanh, nhiều ngân hàng đã tiến hành đổi mới bộ máy lãnh đạo cấp cao nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược hoạt động.
Nhiều ngân hàng đổi mới bộ máy nhân sự cấp cao/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đầu tháng 9, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã thông qua Nghị quyết bổ nhiệm bà Ngô Thu Hà giữ chức vụ Tổng Giám đốc và ông Lưu Danh Đức giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Công nghệ Thông tin.
Cũng trong tháng 9, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Hiếu giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Thị trường Tài chính. Hay SCB vừa bổ nhiệm ông Hoàng Minh Hoàn giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Điều hành và ông Bùi Nhân vào vị trí Phó Tổng Giám đốc.
Hàng loạt ngân hàng khác trước đó cũng thay đổi các nhân sự chủ chốt trong ban điều hành là ACB, SeABank, DongABank, Eximbank...
Xu hướng này cũng diễn ra ở một số ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam bổ nhiệm ông Kang GewWon vào vị trí Tổng Giám đốc; Ông Victor Ngo giữ chức vụ Tổng Giám đốc tại Ngân hàng UOB Việt Nam.
Việc bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao được các ngân hàng thực hiện trong bối cảnh cần bổ sung lực lượng lãnh đạo để thực hiện các yêu cầu trong giai đoạn mới. Đặc biệt, điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, đi cùng đó là yêu cầu đổi mới và phát triển bền vững đối với các ngân hàng hiện nay.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 10,47%
Ngày 23/9, tại cuộc họp báo Thông tin Kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
“Trong bối cảnh hiện nay việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô”, Phó Thống đốc khẳng định.
Theo đó, tín dụng được điều hành nhằm tích cực hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Phó Thống đốc cho biết, đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.
Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Trong điều hành tỷ giá, ông Tú cho biết, trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng; đồng USD quốc tế tăng giá mạnh; Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga - Ukraine…).
Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục chủ động điều hành tỷ giá, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Bản Việt điều chuyển nhân sự
Bà Nguyễn Thị Thu Hà giữ chức vụ thành viên chuyên trách Ủy ban Nhân sự HĐQT và thôi đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc từ ngày 1/10.
Ngân hàng Bản Việt điều chuyển nhân sự/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Bà Nguyễn Thị Thu Hà gia nhập Ngân hàng Bản Việt từ năm 2008 và nhận vai trò Phó tổng giám đốc, phụ trách mảng nhân sự - hành chính. Với kinh nghiệm và những đóng góp trong quá trình phát triển ngân hàng, đặc biệt quản trị nguồn nhân lực, HĐQT đã điều động bà Thu Hà với chức vụ mới, góp phần thực hiện các mục tiêu trong thời gian tới. Như vậy, Ban tổng giám đốc ngân hàng Bản Việt còn lại ba thành viên gồm Tổng giám đốc và hai Phó tổng giám đốc phụ trách.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm lợi nhuận của Bản Việt đạt 355 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 22% kế hoạch đặt ra trong nửa đầu năm. Tính đến 30/6, tổng tài sản cán mốc hơn 82.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2021, đạt 85% kế hoạch của cả năm.
Tổng huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 76.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Tổng số lượng khách hàng mới tăng trưởng hơn 55% so cùng kỳ, đặc biệt nhờ vào sự đẩy mạnh trên các kênh số. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's cũng xếp hạng Bản Việt với triển vọng ổn định. Nhà băng cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.600 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ lên mức 5.300 tỷ đồng.
Ngân hàng Bản Việt thành lập năm 1992. Với định hướng "tăng trưởng - bền vững - chất lượng", Bản Việt theo đuổi mục tiêu trở thành "ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại, hướng đến khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn 2021-2023; chuyển đổi số nhanh chóng và hiệu quả.
Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: NHNN sẽ vận động các nhà băng giữ ổn định lãi vay