Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lãi suất có thể tiếp tục hạ nhiệt
Tin ngân hàng ngày 25/3: Hoạt động gửi tiết kiệm tại phòng giao dịch bưu điện vẫn diễn ra bình thường Tin ngân hàng ngày 24/3: Lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm xuống vùng 1% |
Lãi suất có thể tiếp tục hạ nhiệt
Đây là ý kiến được chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright đưa ra tại hội thảo Chứng khoán 2022: "La bàn giữa vùng biến động" do Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức ngày 25/3.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, lạm phát đã hạ nhiệt, giảm từ 4,9% trong tháng 1 xuống còn 4,3% trong tháng 2/2023. Dự báo lạm phát tháng 3 sẽ tiếp tục giảm so với tháng 2. Nếu từ nay đến tháng 5, lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới 4,5%, đây sẽ là yếu tố thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ.
"Khi đó, xu hướng giảm lãi suất có thể thuận lợi hơn nữa. Một động thái tích cực hiện nay là Ngân hàng Nhà nước đang liên tục mua vào dự trữ ngoại hối, sau khi đã bán ra khoảng 27 tỉ USD trong giai đoạn cuối năm ngoái nhằm hỗ trợ tỉ giá USD/VNĐ. Nếu xu hướng sắp tới VNĐ tiếp tục ổn định, Ngân hàng Nhà nước tăng ngoại tệ dự trữ lên và bơm VNĐ ra sẽ là cơ hội đổi hướng chính sách tiền tệ sang bớt thắt chặt, dù chúng ta vẫn cần thận trọng" - ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét.
Thực tế thời gian qua, lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể từ 1-1,5 điểm % trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, thanh khoản dồi dào và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm chỉ khoảng 0,77% so với mức tăng 2,65% của cùng kỳ năm ngoái.
Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư tại hội thảo về khả năng giảm thêm lãi suất từ nay tới cuối năm, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng dù sẽ khó có xu hướng giảm mạnh nhưng lãi suất có thể giảm tối đa thêm 1 điểm %. Quan trọng đối với lãi suất là không chỉ giảm mà còn khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Moody’s nâng hạng tín nhiệm đối với 8 ngân hàng Việt
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín Moody's mới đây đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng Việt Nam lên 1 bậc, cũng như nâng 1 bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng.
Theo đó, 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn bao gồm Vietcombank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB và VietinBank.
Về chỉ tiêu rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác Việt Nam, cũng có 7 ngân hàng được nâng hạng gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, SHB và MSB.
Đây là một tin vui cho ngành ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là đối với các ngân hàng được nâng hạng.
Moody's cho rằng, việc cải thiện sức mạnh tín dụng độc lập và đánh giá tín dụng cơ bản có thể giúp MSB, ABBank, LienVietPostBank và SHB nâng cao xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của mình.
Tuy nhiên, việc nâng xếp hạng cho Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank khó có thể xảy ra do các ngân hàng này đã đạt cùng mức xếp hạng chủ quyền Ba2 của Việt Nam.
Trong khi đó, TPBank, OCB, SeABank và VIB cũng cần nâng cấp để nâng cao xếp hạng của mình.
Moody's đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng của Agribank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank từ "ổn định" sang "tích cực".
Riêng các ngân hàng ABBank, LienVietPostBank và MSB vẫn giữ được mức xếp hạng "ổn định", trong khi SHB vẫn được đánh giá tín nhiệm ở mức "tích cực".
Đặc biệt, Moody's cảnh báo rằng nếu Chính phủ hỗ trợ cho các ngân hàng suy giảm hoặc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam bị hạ, tổ chức này có thể sẽ hạ bậc xếp hạng tiền gửi của 12 ngân hàng này.
Trước đó, Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, đưa Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody's nâng bậc tín nhiệm trong năm 2022.
Theo Moody's, việc nâng xếp hạng này cũng phần nào phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm. Khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế vĩ mô bên ngoài cũng được cải thiện và các chính sách cũng được đánh giá là hiệu quả hơn.
LienVietPostBank được Tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s nâng hạng tín nhiệm
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) đã công bố kết quả đánh giá đối với một số ngân hàng tại Việt Nam. Theo đó, chỉ tiêu Rủi ro đối tác dài hạn bằng nội tệ, ngoại tệ và chỉ tiêu Đánh giá rủi ro đối tác dài hạn của LienVietPostBank được Moody’s nâng hạng từ B1 lên Ba3 với triển vọng "ổn định". Đây là mức xếp hạng cao của Moody’s và chỉ có một vài ngân hàng tại Việt Nam được nâng xếp hạng trong đợt đánh giá này.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Việc Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm là một sự ghi nhận đối với những nỗ lực không ngừng của LienVietPostBank trong việc cải thiện chất lượng tài sản, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro và khả năng sinh lời.
LienVietPostBank được tăng xếp hạng ngay sau khi Moody’s nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2, triển vọng ổn định. Theo Moody’s, việc nâng xếp hạng các Ngân hàng trong đợt đánh giá này phản ánh năng lực mạnh mẽ hơn của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các Ngân hàng trong đó có LienVietPostBank vào những thời điểm thị trường căng thẳng.
Ngoài ra, theo Moody’s, trong trường hợp sức mạnh tín dụng độc lập của LienVietPostBank được cải thiện dẫn đến việc nâng cấp đánh giá tín dụng cơ sở, Moody’s có thể sẽ nâng hạng xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của LienVietPostBank.
Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, trong những năm qua, công tác quản trị, điều hành được LienVietPostBank thực hiện theo hướng linh hoạt, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và quyết liệt nhằm khai thác triệt để các cơ hội kinh doanh thông qua các chương trình, sản phẩm mới với nhiều ưu đãi cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm trọng tâm như cho vay sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn.
FED tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp
Ngày 22/3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cho vay thêm 0,25% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, bất chấp những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là lần tăng thứ 9 liên tiếp của Ngân hàng này kể từ tháng 3/2022.
Quyết định tăng lãi suất của FED được đưa ra đúng như dự đoán trước đó của các nhà phân tích. Trong một tuyên bố sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, FED thông báo mức tăng lãi suất 0,25%, nâng lãi suất tham chiếu lên mức 4,75 - 5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Trong thông báo, quan chức FED thừa nhận các biến động tài chính gần đây đã gây sức ép lên lạm phát và nền kinh tế. Tuy nhiên, các quan chức vẫn tự tin vào ngành ngân hàng Mỹ cho rằng "hệ thống ngân hàng Mỹ rất vững mạnh".
Quyết định này được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi thị trường tài chính bắt đầu hỗn loạn do sự sụp đổ của 2 ngân hàng lớn tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank. Các chuyên gia kinh tế đã thúc giục FED ngừng tăng lãi suất vì cho rằng sự hỗn loạn của thị trường ngân hàng gần đây do tác động của việc FED liên tiếp tăng lãi suất.
Tuy nhiên, quyết định này của FED đã gửi đi thông điệp rõ ràng, việc ổn định giá cả vẫn là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng này. Quan chức FED dự báo, lãi suất tại Mỹ sẽ vào khoảng 5,1% cuối năm nay.
FED cũng lưu ý, những căng thẳng gần đây trong ngành ngân hàng “có thể dẫn đến việc thắt chặt điều kiện tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời tác động đến hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát”. Tuyên bố của FED cũng đánh giá, lạm phát ở Mỹ hiện vẫn đang ở mức cao.
FED dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 4,5% vào cuối năm, thấp hơn so với mức dự báo 4,6% đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng được điều chỉnh giảm nhẹ xuống mức 0,4% so với mức 0,5% được đưa ra trong các dự báo trước đó. Lạm phát được dự báo ở mức 3,3% vào cuối năm, cao hơn so với mức 3,1% trong các dự báo gần nhất.
Ngành ngân hàng hỗ trợ phát triển vùng đồng bằng sông Hồng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đưa ra kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08/02/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Một trong những nội dung của kế hoạch hành động là rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Trong đó, ngành Ngân hàng tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động giữa các tổ chức tín dụng với nhau như cho vay, gửi tiền, mua bán giấy tờ có giá...; theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ để có các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, kịp thời nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ.
Nội dung đáng quan tâm khác là điều hành tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước cũng có định hướng cho các ngân hàng phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế; phát triển mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị và cung ứng sản phẩm, dịch vụ; tiếp tục tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên địa bàn vùng đồng bằng sông Hồng.
Nguồn:Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lãi suất có thể tiếp tục hạ nhiệt