Tin ngân hàng tuần qua: Agribank hạ 50% giá nhà mặt tiền phố cổ Hà Nội
Tin ngân hàng ngày 16/12: SCB giảm mạnh lãi suất huy động Tin ngân hàng ngày 15/12: Nợ xấu sẽ tăng vào đầu năm sau |
Agribank hạ 50% giá nhà mặt tiền phố cổ Hà Nội
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa thông báo bán đấu giá ngôi nhà tại số 19 Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Thửa đất có diện tích 160m2, là nhà ở riêng lẻ, được xác định là đất ở tại đô thị và có thời hạn sử dụng lâu dài, tổng diện tích sàn là 287m2.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đây là tài sản thế chấp cho khoản vay của Công ty TNHH TM XD Đại Việt tại Agribank CN Hà Thành theo hợp đồng tín dụng được ký kết vào giữa năm 2018. Giá đấu khởi điểm cho ngôi nhà này là 54 tỷ đồng.
Mức giá khởi điểm trên đã giảm 50% so với rao bán lần đầu vào tháng 8 năm ngoái. Như vậy, từ mức giá khởi điểm lên đến gần 700 triệu đồng/m2, Agribank đã “đại hạ giá” xuống chỉ còn hơn 337 triệu đồng/m2 nhưng cũng chưa chắc đã có người “xuống tiền”.
Trong lần thông báo bán đấu giá gần nhất vào tháng 6/2023, Agribank rao bán ngôi nhà này với giá khởi điểm 71 tỷ đồng.
Ngoài ngôi nhà số 19 phố Hàng Chiếu, Agribank đang tìm đối tác mua lại ngôi nhà phố cổ Hà Nội tại số 110 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Thửa đất tại 110 Hàng Buồm có diện tích 100,8m2, sử dụng riêng, đất ở tại đô thị, tổng diện tích sàn là 205,2m2.
Đây là tài sản được thế chấp tại Agribank chi nhánh Hà Thành để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH AJMAL Việt Nam.
Đáng chú ý, trong thông báo bán đấu giá lần thứ 7 vào tháng 11/2023, giá khởi điểm cho ngôi nhà này chỉ còn 30,6 tỷ đồng, tương đương mức giá 303 triệu đồng/m2.
Giá khởi điểm trong lần đầu tiên Agribank rao bán tài sản này (tháng 8/2022) lên tới 60,5 tỷ đồng, tương đương 605 triệu đồng/m2.
Theo Quyết định 30/2019 của UBND Hà Nội về Quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn áp dụng từ 1/1/2020-31/12/2024, phố Hàng Thiếc giá đất ở khoảng 102 triệu đồng/m2; đất ở tại phố Hàng Ngang, Hàng Đào đều có giá cao nhất hơn 187 triệu đồng/m2; Hàng Bông, Hàng Gai có vị trí lên tới 134-139 triệu đồng/m2.
Nhà phố cổ vốn được xem như là một loại tài sản khó có thể đong đếm bằng tiền. Thời gian gần đây, những ngôi nhà phố cổ liên tục bị ngân hàng rao bán.
Không chỉ ở Hà Nội, Agribank đang rao bán 12 ngôi nhà phố cổ thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Phần lớn những ngôi nhà này thuộc sở hữu của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Lam Huy, một đại gia trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.
Giám đốc Kho bạc lừa của người phụ nữ hàng tỉ đồng
Ông Cao Mạnh Thắng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang bị bắt tạm giam với cáo buộc chiếm đoạt hơn 2,3 tỉ đồng của một phụ nữ.
Ngày 15/12, phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Cao Mạnh Thắng (SN 1973, trú tại phường Nông Tiến, TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, là Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ Luật Hình sự.
Kết quả điều tra của cơ quan chức năng đã xác định, khoảng tháng 6/2021, Cao Mạnh Thắng với cương vị là Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Mê đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với bà Phạm Thị Long, trú tại tổ 15, Phường Minh Khai, TP.Hà Giang, tỉnh Hà Giang.
Thắng đã đưa ra thông tin gian dối liên quan đến việc khai thác mỏ đá tại thôn Nà Viền, xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Long với số tiền trên 2,3 tỉ đồng. Hiện vụ án đang được cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra, làm rõ.
Đây là chiến công mở màn đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm của phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hà Giang, thể hiện tinh thần quyết liệt đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý ngân sách nhà nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Công điện nhấn mạnh, công tác thu ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều ngành, địa phương có tiến độ thu đạt thấp. Nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương.
Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tuy tăng so với cùng kỳ, song mới đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, vẫn còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao năm 2023.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý thu NSNN, phấn đấu tăng thu hơn nữa NSNN.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn. Nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu...
Kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách Nhà nước. Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Tăng cường công tác thanh tra thuế, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế, hoàn thuế, phát hiện, xử lý kịp thời gian lận thuế, hóa đơn.
Thực hiện việc tái cấu trúc, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình cơ cấu lại…
Đề nghị ngân hàng Nhật tham gia quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém
Trong khuôn khổ chương trình song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Masahiko Kato, Chủ tịch Ngân hàng Mizuho, cùng ông Ishiguro Norihiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).
Thủ tướng cho biết, Chính phủ và các cơ quan Việt Nam đã ghi nhận các đề xuất từ Mizuho và cam kết xử lý nhanh chóng theo quyền hạn của mình. Ông cũng đề nghị Mizuho hỗ trợ và tham gia vào việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam. Đây là một phần trong nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để cải thiện tình hình của các ngân hàng này.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã thừa nhận khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư tự nguyện tham gia quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. NHNN sẽ hoàn thiện đề án chi tiết để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện tái cơ cấu này.
Hiện tại, có 5 ngân hàng tại Việt Nam đang được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GP Bank, DongABank và SCB.
Thủ tướng cũng đã đề nghị Mizuho hỗ trợ việc phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội.
Mizuho, một trong 3 ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản cùng với SMBC và MUFG, hiện có 461 chi nhánh trong nước và 82 chi nhánh ở các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu, Singapore và Trung Quốc. Với hơn 24.000 nhân viên, doanh thu năm 2022 đạt hơn 15 tỷ USD và tổng tài sản (kể từ năm 2022) là hơn 1.700 tỷ USD.
Mizuho hiện có 2 chi nhánh tại Việt Nam, tại Hà Nội và TP.HCM. Năm 2011, Mizuho đã mua 15% cổ phần của Vietcombank (VCB) với giá khoảng 567,3 triệu USD.
DIC Corp muốn vay 2.000 tỷ đồng từ BIDV
HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã chứng k) vừa thông qua chủ trương vay vốn tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với tổng hạn mức vay 2.000 tỷ đồng, bắt đầu từ quý 4/2023; thời hạn vay 5 năm. Công ty sẽ dùng số vốn này để thanh toán chi phí liên quan đến phát triển đầu tư.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tại thời điểm cuối quý 3/2023, DIC Corp có tổng nợ vay là 2.809 tỷ đồng, chiếm 20% tổng nguồn vốn. So với thời điểm đầu năm, nợ vay của công ty đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là giảm nợ trái phiếu.
Công ty còn gần 900 tỷ đồng nợ trái phiếu, còn lại hầu hết là các khoản vay ngân hàng, riêng tại BIDV ghi nhận hơn 600 tỷ đồng.
Liên quan đến việc huy động vốn, DIC Corp từng có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhưng đến nay vẫn bỏ ngỏ.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 hồi tháng 4/2022, công ty thông qua phương án phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán 30.000 đồng/cp. Sau đó, tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 diễn ra hồi tháng 10/2022, công ty thông qua phương án điều chỉnh giá chào bán xuống còn 15.000 đồng/cp.
Gần đây nhất, trong tháng 2/2023, DIC Corp công bố dời thời gian chào bán 100 triệu cổ phiếu từ quý 1/2023 sang quý 2 đến quý 3/2023. Công ty cũng điều chỉnh phương án sử dụng vốn với toàn bộ số tiền thu dự kiến 1.500 tỷ đồng được sử dụng cho đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Long Tân.
Trên thị trường, cổ phiếu DIG kết phiên 15/12 ở mốc 25.200 đồng/cp, tăng 25% so với thời điểm giữa tháng 10. So với vùng đáy hồi tháng 11/2022, mã đã tăng gần 130%.
Nguồn:Tin ngân hàng tuần qua: Agribank hạ 50% giá nhà mặt tiền phố cổ Hà Nội