Tin ngân hàng tuần qua: NHNN bơm 140.000 tỉ đồng ra nền kinh tế
Tin ngân hàng tuần qua: NHNN cân nhắc giảm lãi suất điều hành Tin ngân hàng tuần qua: Đã xử lý 350 đơn tố cáo liên quan bán bảo hiểm qua ngân hàng |
NHNN bơm 140.000 tỉ đồng ra nền kinh tế
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã bơm ra nền kinh tế khoảng 140.000 tỉ đồng để mua USD, giúp hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng và hạ lãi suất trong nước.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tại cuộc họp mới đây nhất, Fed đã nhất trí thông báo tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, tăng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm phần trăm, nâng phạm vi lãi suất mục tiêu lên 5-5,25%, đúng như thị trường dự kiến. Ngoài ra, sau cuộc họp, Fed đã quyết định loại bỏ một câu có trong tài liệu cuộc họp tháng 3 có nội dung “Ủy ban dự đoán rằng một số chính sách củng cố bổ sung có thể phù hợp để đạt được lập trường chính sách tiền tệ đủ thắt chặt nhằm đưa lạm phát trở lại mức 2%”.
Đây là một thay đổi tích cực vì Fed không còn “dự đoán” về các đợt tăng lãi suất nữa. Thay vào đó, quyết định sẽ phụ thuộc vào số liệu vĩ mô thực tế sắp tới. Điều này gợi ý rằng rằng chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc.
Sau những tuyên bố có phần ôn hòa hơn về chính sách sắp tới, thị trường kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 và cắt giảm lãi suất sớm nhất trong nửa cuối năm 2023 do khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đang gia tăng.
Trong khi đó, ngày 18/5, NHNN điều chỉnh giảm giá mua đồng USD từ 23.450 đồng xuống 23.400 đồng. Tỉ giá USD/VND được giao dịch quanh mức 23.430 trên thị trường liên ngân hàng trong ngày 18/5 (VND đã tăng giá 0,7% so với đầu năm).
Nhờ áp lực tỉ giá giảm, NHNN đã bổ sung thêm khoảng 6 tỉ USD trong 4 tháng 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỉ USD. Nhờ đó, NHNN đã bơm ra nền kinh tế khoảng 140.000 tỉ đồng để mua USD, giúp hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng và hạ lãi suất trong nước.
Đối với quý II/2023, VNDirect cho rằng áp lực tỉ giá USD/VND sẽ giảm do Fed có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất ngay tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023. Do đó, VNDirect kỳ vọng tỉ giá USD/VND sẽ dao động trong vùng 23.400-23.700.
Cũng cần lưu ý, rủi ro tỉ giá gia tăng đến từ áp lực lạm phát cao bất ngờ và lâu hơn dự kiến ở Hoa Kỳ, đồng thời kiều hối và dòng vốn FDI sụt giảm mạnh hơn dự kiến trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trì trệ.
MSB chào bán tàu biển chở hàng 75 tỉ đồng
Tài sản được chào bán cạnh tranh theo hình thức trả giá một lần thông qua Đơn chào mua tài sản gửi trực tiếp qua đường bưu điện tới Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) trước 17h ngày 23/05/2023.
Tàu biển VTB ACE là loại tàu chở hàng rời thuộc quyền sở hữu của MSB, có hô hiệu/số IMO: XVVA/9143049, được đóng vào năm 1996 tại Nhật Bản và đăng ký tại Cảng Hải Phòng, đăng kiểm tại Việt Nam. Tàu có tổng công suất máy chính là 7320 HP, trọng tải toàn phần là 24157.00 MT, tổng dung tích 15354 GT, dung tích thực dụng là 8111 NT. Tàu có chiều dài 158.500 M và chiều rộng 25.800 M, mớn nước 9.400 M. Khách hàng xem và nhận bàn giao tàu tại vùng nước Bãi neo Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.
Giá chào bán 75 tỉ đồng MSB đưa ra đối với tàu VTB ACE là mức giá khởi điểm chưa bao gồm VAT và các loại thuế, phí liên quan đến việc chuyển nhượng và giá trị nguyên liệu, vật tư khai thác trên tàu tại thời điểm bàn giao (nếu có).
Số tiền nộp ký quỹ chào mua cho tàu VTB ACE là 15 tỉ đồng. Số tiền này phải được ghi Có vào tài khoản của MSB chậm nhất tới 17h ngày 25/05/2023.
Thời gian dự kiến tổ chức buổi mở niêm phong đối với các hồ sơ đăng ký mua tàu VTB ACE diễn ra vào 9h00 ngày 26/05/2023 tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, số 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Đại diện các đơn vị đến buổi niêm phong phải mang theo bản gốc Giấy giới thiệu của đơn vị, giấy tờ tùy thân liên quan và Uỷ nhiệm chi/Lệnh chuyển tiền ký quỹ.
Đối với khách chào mua là cá nhân, tổ chức quốc tế/hoặc đại lý được cá nhân, tổ chức quốc tế chỉ định chào mua tàu; không yêu cầu thực hiện đặt trước số tiền ký quỹ chào mua. Các đơn vị không trúng quyền mua sẽ được MSB hoàn lại số tiền đã ký quỹ trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày mở niêm phong chào mua
Shinhan Finance thông tin về việc công an kiểm tra
Công ty Tài chính TNHH Một Thành Viên Shinhan Việt Nam (SVFC) vừa thông tin về việc công an Quận 1, TP HCM tiến hành kiểm tra hành chính công ty vào ngày 19/5/2023.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Shinhan Finance cho biết sáng ngày 19/5/2023 đã phối hợp làm việc với đại diện Công an Quận 1 trong đợt kiểm tra hành chính toàn ngành về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Quận 1. Cuộc kiểm tra kết thúc trong cùng ngày. Kết quả kiểm tra thể hiện SVFC tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của Chính phủ trong hoạt động kinh doanh. Các hoạt động và dịch vụ của SVFC vẫn tiếp tục như bình thường.
Shinhan Finance cho biết là một trong những công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, trong suốt 17 năm đồng hành cùng Việt Nam, tập thể Ban Lãnh đạo và nhân viên luôn hướng tới sự phát triển bền vững và gắn bó lâu dài, đề cao trách nhiệm tuân thủ pháp luật. SVFC luôn đảm bảo mọi quy trình hoạt động và quy tắc ứng xử được xây dựng chặt chẽ. SVFC cũng chú trọng huấn luyện nghiệp vụ song song với kỹ năng phục vụ khách hàng.
Tổng Giám đốc công ty EVNFinance xin từ nhiệm
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật đối với ông Nguyễn Hoàng Hải từ ngày 18/5. Trước đó, ông Hải đã có đơn xin từ nhiệm các chức danh trên vì lý do cá nhân.
Ông Nguyễn Hoàng Hải là một trong những cổ đông cá nhân nắm giữ nhiều cổ phần của EVNFinance, khi sở hữu tới 17,29 triệu cổ phiếu EVF, tương đương 4,93% vốn điều lệ.
Cùng với việc miễn nhiệm ông Hải, HĐQT EVNFinance đã bổ nhiệm ông Mai Danh Hiền, Thành viên Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc EVNFinance giữ chức Quyền Tổng giám đốc.
HĐQT EVNFinance cũng phê duyệt ông Mai Danh Hiền là nhân sự dự kiến được bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Được biết, ông Mai Danh Hiền sinh năm 1984, Thạc sỹ chuyên ngành Kế toán và công tác trong ngành kế toán, kiểm toán.
Ông Mai Danh Hiền gia nhập EVNFinance từ năm 2011. Ông Hiền giữ chức kế toán trưởng nhiều năm liền, trước khi được bổ nhiệm làm giám đốc tài chính EVNFinance năm 2020 và phó tổng giám đốc EVNFinance từ tháng 6/2021. Vị lãnh đạo này phụ trách nhiều lĩnh vực nghiệp vụ khác nhau tại công ty; trong đó, tập trung vào công tác tài chính, kế toán, đầu tư, tín dụng và xử lý nợ.
Năm 2023, EVNFinance đặt mục tiêu tăng tổng tài sản thêm 17%, từ hơn 42.000 tỉ đồng trong năm 2022 lên hơn 49 nghìn tỉ đồng vào cuối năm 2023. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 560 tỉ đồng, tăng 23% so với mức thực hiện năm 2022.
Kết thúc quý 1/2023, EVNFinance báo lãi sau thuế 85,3 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 19% kế hoạch năm.
Đến cuối quý I, tổng tài sản của EVNFinance đạt 44.861 tỉ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 7,7% xuống 22.470 tỉ đồng. tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng nhẹ lên mức 2,42%.
Bên phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tại EVNFinance đạt gần 5.364 tỉ đồng, tăng 29,6% so với đầu năm. Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác ở mức 15.938 tỉ đồng, tăng 5,8%.
UOB: Hoàn tất mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại 4 thị trường
Cùng với việc hoàn tất thương vụ thu mua lại tại Indonesia vào cuối năm 2023, bốn thị trường tại ASEAN ước tính sẽ tạo ra thêm 1 tỉ đô la Singapore (SGD) cho doanh thu của UOB trong cả năm.
UOB Hoàn tất mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại 4 thị trường/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Việc UOB mua lại mảng Ngân hàng Tiêu dùng của Citigroup tại 4 thị trường chính của ASEAN đã thúc đẩy đáng kể hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng.
- Thương vụ UOB hoàn tất việc mua lại các mảng kinh doanh ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã nâng số lượng khách hàng bán lẻ trong khu vực của Ngân hàng vượt qua con số 7 triệu tính đến ngày 31/03/2023.
- Gần đây nhất, việc hoàn tất mua lại tại thị trường Việt Nam cho phép Ngân hàng phục vụ khoảng 200,000 khách hàng trên thị trường này.
- Cùng với việc hoàn tất thương vụ thu mua lại tại Indonesia vào cuối năm 2023, bốn thị trường này ước tính sẽ tạo ra thêm 1 tỉ đô la Singapore (SGD) cho doanh thu của Ngân hàng trong cả năm.
- Nguồn thu ròng từ phí thẻ tín dụng của ngân hàng đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm 2023, trong đó danh mục sản phẩm của Citigroup chiếm 1/4 trong số này và dự kiến tổng thu nhập đến từ hoạt động kinh doanh tín chấp của ngân hàng tăng gần gấp đôi vào cuối năm 2023. Riêng khoản cho vay và tiền gửi tăng lần lượt khoảng 10% và 15% trong quý I/2023 so với năm trước đó.
- ASEAN-4 (Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam) đã đóng góp hơn 35% thu nhập mảng Dịch vụ tài chính cá nhân của Ngân hàng trong quý 1/2023. Tính đến tháng 3/2023, mạng lưới chi nhánh của UOB tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã tăng lên con số là 15.
Sau thương vụ mua lại, UOB đang mở rộng phạm vi hoạt động của mình tại ASEAN để củng cố vị trí của Ngân hàng trong mảng thẻ tiêu dùng Visa và thẻ tín dụng tiêu dùng của Mastercard xét về mặt tổng hóa đơn thanh toán. Số lượng thẻ UOB trong khu vực đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái tính đến ngày 31/12/2022. Tổng hóa đơn thẻ tín dụng trên toàn khu vực cũng tăng hơn 90% trong quý IV/2022 so với 1 năm trước, với con số gần gấp đôi mức trước COVID-19 vào năm 2019.
Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: NHNN bơm 140.000 tỉ đồng ra nền kinh tế