Tin ngân hàng tuần qua: Nợ xấu tăng trong quý IV/2023
Tin ngân hàng ngày 27/1: Lợi nhuận của ACB vượt 20.000 tỷ trong năm 2023 Tin ngân hàng ngày 26/1: BVBank tăng trưởng tín dụng gần 14% trong năm 2023 |
Nợ xấu của hầu hết các ngân hàng tăng trong quý IV/2023
Vừa qua, loạt ngân hàng đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2023, theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng có chiều hướng gia tăng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, chất lượng tín dụng của BaoVietBank đi lùi khi nợ xấu lên đến 1.654 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023, tăng 49% so với đầu năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,34% đầu năm lên 4%. Nhà băng này trích dự phòng rủi ro đến 91%, với 1.072 tỷ đồng, nên lãi trước thuế chỉ đạt gần 90 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của Saigonbank tính đến ngày 31/12/2023 là 404 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm 2023. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm đến 57% tổng số nợ xấu, với 232 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ 2,12% đầu năm xuống còn 2,03%.
Tại BacABank, tổng nợ xấu tại thời điểm 31/12/2023 gần 916 tỷ đồng, tăng đến 78% so với đầu năm 2023. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều gấp 4 lần đầu năm. Điều này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,55% đầu năm lên 0,92%, song đây được xem là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp trong hệ thống hiện nay.
Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 của PGBank là 906 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3 lần, nợ nghi ngờ gấp 2 lần đầu năm, còn nợ có khả năng mất vốn sụt giảm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 2,56%.
Chất lượng nợ vay của TPBank đi lùi khi tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2023 ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Đáng chú ý, tất cả nhóm nợ xấu đều tăng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 0,84% đầu năm lên 2,05%.
Kiều hối về TP HCM nhiều kỷ lục
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước TP HCM, kiều hối chảy về thành phố cả năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước đến nay 9,46 tỷ USD, tăng 43% so với 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất thập kỷ, một phần do nền thấp của năm 2022.
TP HCM tiếp tục là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. So với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố năm 2023, lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Khu vực châu Á là nơi đóng góp hơn một nửa lượng kiều hối chảy về thành phố và tăng hơn 140% so với 2022. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM, thị trường lao động, dịch vụ và du lịch mở cửa tại các nước châu Á, cùng môi trường kinh tế, chính trị ổn định là yếu tố tác động tích cực đến kiều hối từ khu vực này trong năm 2023 và thời gian tới.
Trong khi đó, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Phi và châu Mỹ đều giảm. Đặc biệt, kiều hối từ khu vực châu Mỹ thường chiếm tỷ trọng cao, sau khu vực châu Á (chiếm 29%), song năm nay giá trị kiều hối chuyển về lại giảm 10%.
Kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất và lạm phát.
Ngoài đóng góp của các đồng bào sinh sống ở nước ngoài, theo Phó chủ tịch TP HCM Võ Văn Hoan, lượng kiều hối ghi nhận một phần đến từ hoạt động đối ngoại khi tập trung vào xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư cũng như thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Những nguồn lực tài chính này, theo lãnh đạo thành phố, ngoài phục vụ phát triển kinh tế, còn góp phần tạo nguồn lực, mở rộng, thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính TP HCM.
ACBS được chấp thuận tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng
Vừa qua, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đã nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, lên thành 7.000 tỷ đồng, đưa ACBS trở thành công ty chứng khoán xếp thứ 5 trong những công ty có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
ACBS được chấp thuận tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Việc tăng vốn của ACBS nhằm đáp ứng cho nhu cầu nâng cấp hệ thống giao dịch lõi (core), chiếm lĩnh thị phần môi giới cơ sở/ phái sinh và kinh doanh margin.
Trong năm 2023, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng ACBS đã hoàn thành chỉ tiêu được giao. Trong đó, quy mô tổng tài sản tăng cao, hơn gấp đôi so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 12.000 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi đi vào hoạt động tới nay.
Về mảng cho vay margin, ACBS chứng kiến dư nợ cho vay tăng vượt trội, tăng hơn 123% so cùng kỳ, đạt kỷ lục xấp xỉ 4.600 tỷ đồng. Nguồn cung vốn cho ACBS đến từ đa dạng các tổ chức tài chính với tổng dư nợ vay vốn đạt xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, đáp ứng đầy đủ và linh hoạt nhu cầu sử dụng vốn của công ty trong năm 2023.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc ACBS, hoạt động kinh doanh của ACBS được xây dựng vững chắc trên 3 nền tảng là Môi giới chứng khoán, Tự doanh chứng khoán và Tư vấn tài chính doanh nghiệp. Trong đó, mảng Môi giới chứng khoán bao gồm hoạt động cho vay ký quỹ là hoạt động cốt lõi, đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của công ty trong cả năm 2023. Lợi nhuận trước thuế của ACBS trong năm 2023 đạt 486,8 tỷ đồng, gấp hơn 4,4 lần so với năm 2022.
Bắt giữ nhóm cho vay lãi nặng chuyên gắn thiết bị theo dõi người vay
Ngày 27/1, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ khác phá thành công chuyên án cho vay lãi nặng với số tiền cho vay lên đến 35 tỉ đồng.
Công an đã bắt giữ đối tượng cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng là Lương Hoàng Nhật Nam (SN 1996; ngụ phường Vỹ Dạ, TP Huế) và Huỳnh Văn Trường Phát (SN 1996; ngụ phường Thuận Hòa, TP Huế).
Tại hai địa điểm các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng ở Tỉnh lộ 10, phường Phú Thượng, và trên đường Điện Biên Phủ, phường Trường An (TP Huế), công an đã phát hiện và thu giữ 1 ô tô, 39 máy tính, điện thoại, camera các loại, nhiều tài khoản ngân hàng, thẻ sim và 2 thùng thiết bị định vị cùng một số tài liệu có liên quan đến hoạt động cho vay.
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2020, hai đối tượng Nam và Phát đăng quảng cáo hoạt động cho vay trên mạng xã hội Facebook để câu "con mồi" muốn vay tiền. Nội dung đăng tải, hai đối tượng này thường cam kết vay với lãi suất thấp, giải ngân nhanh, không cần thẩm định, vay với hạn mức tối đa, hỗ trợ nợ xấu… với tiền lãi cho vay từ 3.000đồng đến 11.500 đồng/triệu/ngày, tức lãi suất 109.5%/năm đến 419.75%/năm.
Để thực hiện hành vi cho vay, các đối tượng đã sử dụng phần mềm Mecash để quản lý các hợp đồng cho vay tiền cũng như tính toán lãi suất, nhắc nợ. Nam và Phát còn dùng thủ đoạn chia nhỏ lãi suất vay bằng 2 hợp đồng và phân chia tiền lãi thành nhiều khoản phí khác nhau để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, trong quá trình cho vay, nếu các trường hợp đến hạn chưa trả kịp, các đối tượng này sẽ thuê người đe dọa, theo dõi vị trí xe và về tận nhà để dọa siết xe, đòi nợ…
Từ năm 2020 đến thời điểm bị bắt giữ, các đối tượng đã lập hơn 2.000 hợp đồng vay tiền với số tiền cho vay lên đến 35 tỉ đồng, thu lợi bất chính trên 7 tỉ đồng.
ABBank tăng trưởng tín dụng gần 16% trong năm 2023
Thông tin này được công bố trong báo cáo tài chính quý IV/2023 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – mã chứng khoán ABB).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong suốt năm 2023, ABBank đã ghi nhận sự tăng trưởng về quy mô hoạt động, dư nợ tín dụng, và chỉ số huy động. Đồng thời, ngân hàng này cũng tập trung vào việc củng cố năng lực và đổi mới chiến lược ngân hàng.
Tổng tài sản của ABBank đạt 161.966 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 24,5% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng là 102.448 tỷ đồng, tăng 15,7%, trong khi huy động từ khách hàng đạt 115.654 tỷ đồng, tăng 25,9%. Số dư CASA cũng tăng 5,7%.
ABBank đã ghi nhận tăng trưởng đáng kể trong số lượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là 22% và 15% tương ứng. Để đạt được điều này, ABBank đã triển khai nhiều chiến dịch, từ phân tích thị trường đến việc cải thiện trải nghiệm khách hàng qua ứng dụng AB Ditizen.
Trong năm 2023, ABBank đã tập trung vào giảm phụ thuộc vào tín dụng và đã đạt thu nhập từ dịch vụ là 992 tỷ đồng, tăng 125%. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần từ việc điều chỉnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ là 2.833 tỷ đồng, giảm so với năm trước.
Các chỉ số an toàn của ABBank cũng được đánh giá cao, với hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 11,1%, cao hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 là 2,17%.
ABBank đã dành 1.489 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 513 tỷ đồng, không đạt được mục tiêu, và đại diện ABBank lý giải rằng khó khăn của thị trường và hiệu suất tổ chức là nguyên nhân chính.
Trong bối cảnh này, ABBank đã hợp tác với McKinsey để triển khai Dự án trọng điểm trong năm 2024, nhằm củng cố nền tảng và tạo cơ sở cho tăng trưởng trong tương lai. Nguồn lực sẽ được tập trung vào việc tái thiết kế chi nhánh và cải thiện dịch vụ ngân hàng số để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các điều chỉnh mạnh mẽ cũng sẽ được thực hiện về cơ cấu tổ chức và mô hình quản trị để hỗ trợ phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Nguồn:Tin ngân hàng tuần qua: Nợ xấu tăng trong quý IV/2023