Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 2/7: Hà Nội dự kiến chi hơn 55 tỷ USD làm gần 600km đường sắt đô thị
Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 1/7: Bất động sản tồn kho hơn 11 tỷ USD Tin Xây dựng - Bất động sản tuần qua: TPHCM thu hồi gần 288.000 m2 đất của cơ quan, đơn vị |
Hà Nội dự kiến chi hơn 55 tỷ USD làm gần 600km đường sắt đô thị
Thông tin này được Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường chia sẻ tại tờ trình đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô vào sáng 1/7.
Ảnh minh họa |
Theo đó, đề án được lập trên quan điểm thống nhất nhận thức về vai trò của đường sắt đô thị (metro), là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố. Phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới. Phát triển đường sắt đô thị gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô.
Mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.
Giám đốc Sở GTVT cho biết, để hoàn thành mục tiêu đó, Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư".
Phân kỳ 1, từ nay đến năm 2030, hoàn thành 96,8km metro với tổng vốn 14,602 tỷ USD, gồm các tuyến số 2, 3 và các đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Nội Bài - Nam Thăng Long.
Phân kỳ 2, từ 2031-2035, hoàn thành 301km metro với tổng vốn 22,572 tỷ USD, gồm các tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên, Gia Lâm - Dương Xá, và nhiều tuyến mở rộng khác.
Phân kỳ 3 từ 2036-2045, hoàn thành 200,7km metro với tổng vốn 18,252 tỷ USD.
Như vậy, trong 3 giai đoạn đầu tư tổng thể các tuyến metro, Hà Nội sẽ cần số vốn lên tới hơn 55,4 tỷ USD để hoàn thành 598,5km metro.
Để triển khai, UBND TP Hà Nội đưa ra nguyên tắc xây dựng cơ cấu nguồn vốn theo từng giai đoạn và cho từng tuyến. Theo đó, các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA thì các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA, các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.
Đồng Nai hủy bỏ việc giao hơn 80ha đất vàng không qua đấu giá
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 1895/QĐ-UBND về việc hủy quyết định trước đó từng giao hơn 80 ha đất tại xã Long Đức, huyện Long Thành cho một doanh nghiệp tư nhân để làm dự án thương mại.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, dự án khu Trung tâm thương mại dịch vụ và dân cư có quy mô khoảng 82,77 ha nằm tại xã Long Đức, huyện Long Thành. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Lộc Thịnh được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất vào tháng 10/2025 không thông qua đấu giá theo Quyết định số 3170.
Đến cuối tháng 6/2024, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định bãi bỏ việc giao đất này, đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu, giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để quản lý, thực hiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao các sở, ban, ngành và huyện Long Thành khẩn trương triển khai các công việc tiếp theo liên quan đến việc hủy bỏ pháp lý dự án, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, khu đất nói trên là đất công, từng được giao cho Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý, khai thác. Vị trí khu đất rất đắc địa, nằm ngay khu vực đi vào trung tâm thị trấn Long Thành.
Thái Nguyên tìm nhà đầu tư Khu đô thị Nam Tiến hơn 3.800 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên vừa thông báo mời nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị Nam Tiến 2 tại phường Nam Tiến, TP. Phổ Yên
Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 3.403,16 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 421,73 tỷ đồng; tổng diện tích 352.862 m2; quy mô dân số khoảng 7.800 người.
Sản phẩm của Dự án bao gồm nhà ở liền kề (xây thô, hoàn thiện mặt ngoài); chung cư hỗn hợp (thương mại dịch vụ, căn hộ chung cư).
Dự án dành quỹ đất tái định cư với diện tích 21.268 m2; quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội với diện tích 32.225 m2.
Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm xây dựng khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu nhà ở trên địa bàn.Quảng Bình tìm nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 1.600 tỷ đồng
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình ra thông báo tìm nhà đầu tư cho dự án khu đô thị Cồn Két tại phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn có tổng chi phí thực hiện là 1.648 tỷ đồng. Dự án có diện tích đất sử dụng khoảng hơn 50ha.
Dự án sẽ có 729 lô đất ở, với diện tích sử dụng đất 146,9 nghìn m2. Trong đó, xây thô, hoàn thiện mặt ngoài khoảng 99 căn (41 căn biệt thự, 7 căn nhà ở hỗn hợp, 51 căn nhà ở liền kề); đất phân lô 536 lô đất; quỹ đất ở phục vụ đền bù, tái định cư khoảng 94 lô đất ở. Thời gian thực hiện dự án 9 năm, từ năm 2023 - 2031.
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu nhà đầu tư muốn đăng ký thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 271 tỷ đồng. Nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự trong vai trò thành viên liên danh, hoặc đối tác cùng thực hiện dự án với tư cách là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu của 1 dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 902 tỷ đồng đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 7 năm trở lại đây. Trong đó, nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu giá trị tối thiểu 136 tỷ đồng.
Trước đó, tỉnh này cũng thông báo về việc mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị cao cấp Quán Hàu (thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh). Trước đó, dự án này được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 29/12/2023 theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 798 tỷ đồng.
Công ty Ao Vua chưa được khai thác nước khoáng nóng tại Thanh Thủy
Mới đây, Cục Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác nước khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) của Công ty cổ phần Ao Vua (Hà Nội).
Ảnh minh họa |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây là khu vực doanh nghiệp đang vận hành, khai thác Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, nằm trên bãi nổi sông Đà (giáp ranh giữa huyện Ba Vì, Hà Nội và huyện Thanh Thủy, Phú Thọ). UBND tỉnh Phú Thọ cũng thông báo "dự án chưa được cấp phép khai thác nước khoáng nóng".
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Cục Khoáng sản Việt Nam, đơn vị này đã lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp giữa công suất khai thác nước khoáng nóng theo dự án (200m3/ngày) do Công ty cổ phần Ao Vua lập. Với công suất quy định trong Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2023 (350-450 m3/ngày giai đoạn 2021-2030 và 338-450m3/ngày giai đoạn 2031-2050).
"Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu quan điểm công suất khai thác 200m3/ngày chưa phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Từ cơ sở đó, Cục Khoáng sản Việt Nam đề nghị Công ty cổ phần Ao Vua lập lại dự án đầu tư khai thác nước khoáng nóng phù hợp với quy hoạch và đảm bảo nguyên tắc, điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản quy định tại Luật Khoáng sản", văn bản của Cục Khoáng sản Việt Nam nêu.
Trước đó, vào năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt Công ty cổ phần Ao Vua 240 triệu đồng do khai thác nước khoáng nóng sai phép ở Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (giấy phép là thăm dò nước khoáng nóng).
Khu du lịch này được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, quy mô 67ha; tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Phú Thọ mới đây xác định dự án thuộc nhóm đang gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài và đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chủ đầu tư để tìm cách tháo gỡ.