TP. HCM chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon
Cơ hội lớn từ thị trường tín chỉ carbon TP.HCM cam kết đi đầu trong chuyển đổi xanh |
TP. HCM là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế của cả nước, nhưng việc đô thị hóa chủ yếu từ việc chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất, diện tích đất để ở, làm việc tăng nhanh nên tiêu thụ năng lượng rất lớn (chiếm bình quân 9,25% tổng nhu cầu tiêu thụ của cả nước trong giai đoạn 2010-2016). Quá trình công nghiệp hóa nhanh cũng làm tăng phát thải khí nhà kính. Địa phương này hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. TP.HCM đã đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế - tương đương khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới.
Chính sách đặc thù cho TP.HCM là thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thí điểm cơ chế này bao gồm việc ban hành các quy định, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho thị trường tín chỉ carbon, cơ chế tài chính, các hoạt động hỗ trợ xây dựng và vận hành thí điểm các dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia đầu tư và kinh doanh tín chỉ carbon.
Theo đó, giải pháp của TP.HCM tập trung vào nhánh thị trường tự nguyện giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon. Theo đó, TP.HCM xin được sử dụng mái nhà cơ quan công sở, là tài sản công, để đầu tư hệ thống điện mặt trời, chuyển thành tín chỉ carbon và bán ra thị trường carbon, vừa tạo nguồn thu vừa đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Theo tính toán gần đây, nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Bệnh viện đa khoa Củ Chi thì mỗi năm sẽ giảm phát thải khoảng 500 tấn carbon (tương đương 500 tín chỉ carbon). Nếu giá một tín chỉ carbon là 5 USD, doanh thu từ dự án giảm phát thải carbon này sẽ khoảng 2.500 USD/năm.
TP.HCM xin được sử dụng mái nhà cơ quan công sở, là tài sản công, để đầu tư hệ thống điện mặt trời, chuyển thành tín chỉ carbon và bán ra thị trường carbon. |
Theo Nghị quyết 98/2023/QH15, UBND thành phố phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ carbon.
Để triển khai thực hiện thí điểm thị trường giao dịch tín chỉ carbon, gần đây, chính quyền thành phố và các đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm tìm kiếm giải pháp. Trong đó, đề xuất giải pháp cho thành phố, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện tuy chưa có thị trường carbon nhưng TP.HCM bước đầu có thể tạo ra hàng hóa để thí điểm các chính sách. Bên cạnh thực hiện thí điểm thị trường carbon, TP.HCM có thể sử dụng công cụ trái phiếu xanh, bao gồm trái phiếu xanh của doanh nghiệp và của chính quyền địa phương.
Để làm được điều này, TP.HCM cần sớm công bố thông tin danh mục các dự án xanh, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường trái phiếu xanh trên cơ sở vận dụng và cụ thể hóa Nghị quyết 98. Việc đầu tiên là phải có sản phẩm, ưu tiên sản phẩm đặc thù của TP.HCM chứ không dàn trải. Để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp cũng như triển khai rộng rãi tài chính xanh, TP.HCM cần ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, đòn bẩy kinh tế cho thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh để động viên, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất, cam kết mua lại trái phiếu…
Chẳng hạn như công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn xanh, việc huy động vốn, ấn định lãi suất, thời hạn trả nợ trên cơ sở hiệu quả tổng hợp đầu ra của dự án… Từ đó, lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền xanh hay trái phiếu xanh do doanh nghiệp dự án phát hành. TP.HCM có thể phát hành trái phiếu xanh để đầu tư một phần hay toàn bộ cho các dự án năng lượng tái tạo, như điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ; dự án chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo; các dự án đốt rác phát điện; các dự án nạo vét, hồi sinh kênh, rạch, bờ kè; các dự án chống ngập, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, áp dụng công nghệ hướng đến giao thông xanh; hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường…
Phát triển giao thông xanh tiến tới không phát thải đang là mục tiêu TP.HCM hướng đến. Ảnh: MQ. |
Nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, khuyến khích nhu cầu cũng như cơ hội để mua bán. Ngoài thị trường tuân thủ, thì thị trường trao đổi tự nguyện cũng nên tận dụng các sở giao dịch có sẵn. Về phía cơ quan nhà nước, phải nhanh chóng để có được khung chính sách. TP.HCM nên thiết lập một đầu mối hoặc đơn vị để hỗ trợ phát triển cơ chế bù đắp carbon tại thành phố. Chức năng và nhiệm vụ của đơn vị đầu mối này cần có sứ mệnh và cơ cấu quản trị rõ ràng, khác biệt với cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Đơn vị nên tham khảo ý kiến của các bên liên quan chính và thiết lập một bộ tiêu chí về các khoản bù trừ được ưu tiên để mang lại lợi ích lớn nhất cho TP.HCM.
Trong ngắn hạn (dưới hai năm), đơn vị này cần xác định các cơ hội bù trừ carbon "dễ thực hiện" để làm. Tức là TP.HCM sẽ thực hiện các dự án có thể làm nhanh chóng, dễ dàng phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố. Đồng thời nên phát triển một danh sách ngắn các dự án mà đơn vị này có thể giới thiệu tới các nhà đầu tư và nhà phát triển tiềm năng. Về lâu dài, đơn vị này nên phát triển một chương trình xây dựng năng lực để tạo điều kiện cho nhiều bên liên quan ở địa phương tại TP.HCM và các khu vực lân cận.
Tại Việt Nam, phát triển thị trường carbon trong nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đã nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường”; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2016... Tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Do vậy, để vận hành thị trường carbon trong nước, giai đoạn từ nay đến năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các quy định quản lý tín chỉ các-bon, trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng. Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng tạo nguồn tín chỉ carbon, việc xây dựng các công cụ định giá carbon, cũng như thị trường carbon sẽ là động lực mới cho định hướng chuyển đổi kinh tế theo hướng carbon thấp thông qua các nguồn lực tài chính và công nghệ trực tiếp cho các dự án, cơ sở giảm phát thải.
Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khối lượng của khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được thông qua năm 1997. Theo nghị định thư này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Khí CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính khác nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon. Từ đó hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Nguồn:TP. HCM chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon