Triển khai vùng phát thải thấp - Tín hiệu tích cực giảm ô nhiễm không khí
Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ môi trường.
Vùng phát thải thấp – LEZ là một khu vực có hạn chế hay kiểm soát phương tiện lưu thông dựa trên khí thải với mục tiêu giảm chất gây ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí của đô thị nói chung.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một giải pháp quan trọng nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông gây ra là việc triển khai "vùng phát thải thấp" tại Hà Nội.
Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa |
Thực tế, tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Đáng quan ngại hơn, khi mức độ ô nhiễm có xu hướng ngày càng gia tăng trong 10 năm gần đây.
Riêng tại Hà Nội, theo thống kê, toàn địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu; tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên… Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia ô nhiễm không khí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên toàn thế giới, trong đó riêng Hà Nội xếp thứ 8 về mức độ ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trung bình mỗi năm, người Hà Nội hít thở một lượng bụi mịn PM2.5 gấp 9 lần mức khuyến cáo an toàn cho sức khỏe của WHO.
Nguồn phát thải bụi chính của Thủ đô đến từ các phương tiện giao thông đường bộ và nguồn bụi đường, tiếp đến là nguồn công nghiệp và nguồn đốt rơm rạ. Ngoài ra còn có khí thải từ làng nghề, khói của quá trình đốt rơm rạ tàn phá môi trường không khí...
Triển khai vùng phát thải thấp - Tín hiệu tích cực giảm ô nhiễm không khí |
Theo đó, vùng phát thải thấp là mô hình hoàn toàn mới mẻ, lần đầu tiên được quy định tại Việt Nam, lại có tác động lớn đến các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy.
Theo bà Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, khái niệm về vùng phát thải thấp trong Luật Thủ đô không đề cập đến việc cấm hẳn một loại phương tiện nào mà chỉ nhấn mạnh vào việc hạn chế các phương tiện gây phát thải ra môi trường.
Theo các nghiên cứu mới nhất, nguồn phát thải từ giao thông chiếm khoảng 56% ô nhiễm không khí của Hà Nội, bao gồm cả bụi đường và khí thải. Trong đó, lượng phát thải bụi PM2.5 và hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) chủ yếu đến từ xe tải chạy dầu diesel và xe máy, với VOC từ xe máy chiếm đến 90%.
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội vào tháng 12/2024. Nếu nghị quyết được thông qua, từ ngày 1/1/2025, Hà Nội sẽ có hành lang pháp lý chính thức về các điều kiện và tiêu chí cần thiết, từ đó tạo cơ sở cho chính quyền địa phương đánh giá thực trạng và khả năng để xây dựng hồ sơ kỹ thuật về vùng phát thải thấp.
Sau đó, các cấp có thẩm quyền như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông, Sở Quy hoạch Kiến trúc và các Sở, ngành khác của thành phố đánh giá tổng thể các yếu tố về điều kiện, tiêu chí, giải pháp dựa trên thực tiễn, năng lực thực thi của khu vực được đề xuất.
Để vùng phát thải thấp có thể đi vào thực tế, thành phố Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải áp dụng cho xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành và cũng chưa có hạ tầng cơ sở kiểm tra khí thải đối với các phương tiện giao thông đang lưu hành.
Mạng lưới trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô Hà Nội cũng chưa đầy đủ, vì vậy chưa có số liệu kiểm kê phát thải, cập nhật và thường kỳ, đặc biệt là từ nguồn phát thải giao thông để làm cơ sở đánh giá thực thi chính sách.
Phát biểu tại hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, TP Hà Nội mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các Bộ, ngành Trung ương, sự hợp tác chặt chẽ, đồng lòng với các tỉnh, thành phố lân cận và sự tham gia hành động của chính quyền, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.
“Chúng ta cần có các hành động mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt hơn nữa để mang lại bầu không khí trong lành cho người dân”, ông Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.
6 tiêu chí xác định các khu vực hạn chế phát thải:
Một là thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tiêu chí này bao gồm các quận của Hà Nội hiện nay cũng như năm huyện sắp lên quận và hai thành phố mới sắp được thành lập. Hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ba là chất lượng không khí đánh giá trong tối thiểu một năm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí. Bốn là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông. Năm là các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp. Sáu là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp với tỷ lệ đồng thuận đạt từ 51% trở lên. |
Nguồn: Triển khai vùng phát thải thấp - Tín hiệu tích cực giảm ô nhiễm không khí