Từ thấp nhất đi lên CEO
Dành hơn 30 năm sự nghiệp cho một công ty xem chừng là một quan điểm trái ngược với xu hướng nhảy việc hiện nay. Không ai phủ nhận những lợi ích của việc nhảy việc, chẳng hạn giúp một người có thêm kỹ năng mới, quyền hành mới, giúp họ thăng tiến nhanh hơn. CEO Brian Niccol của Starbucks cũng từng nhảy từ P&G sang Pizza Hut, đến Taco Bell, Chipotle rồi sau đó mới đặt chân đến chuỗi cà phê này.
Bà Mary Barra mất 34 năm để đi từ vị trí thực tập sinh đến CEO |
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, gắn bó và từ từ đi lên ở một công ty giúp những người lãnh đạo thấu hiểu sâu sắc tổ chức của mình, phát triển mạng lưới quan hệ nội bộ vững chắc và xây dựng danh tiếng. Trên thực tế, có rất nhiều công ty tên tuổi sở hữu những vị CEO như vậy. Câu chuyện từ nhân viên “chân đất” phấn đấu trở thành CEO cũng không hiếm trong làng kinh doanh.
Thế nhưng cái gì cũng cần có thời gian, và hành trình này không dành cho những người không kiên nhẫn. Bởi các thống kê cho thấy phải mất trung bình 33 năm thì các CEO mới đi từ mặt đất đến vị trí này.
Chẳng hạn Bob Iger, CEO của Walt Disney, mất 31 năm để từ một nhân viên dự báo thời tiết thành CEO của Nhà Chuột. Rodney McMullen mất 36 năm để từ một nhân viên chứng khoán bán thời gian thành CEO Kroger. CEO Mary Barra của General Motor mất 34 năm. CEO Doug McMillon của Walmart mất 30 năm. Thậm chí CEO Ron Vachris của Costo mất đến 42 năm.
Xuất phát điểm của họ tại công ty mình gắn bó lâu dài thường là vị trí nhỏ nhất, cơ bản nhất, thậm chí còn chẳng phải nhân viên chính thức.
CEO Elliott Hill gắn bó với Nike từ năm 1988, lúc đó ông mới 19 tuổi, là thực tập sinh phòng kinh doanh. Đây cũng là bộ phận ông công tác lâu dài nhất. Hoặc Enrique Lores bắt đầu sự nghiệp ở HP từ chương trình thực tập sinh kỹ sư điện. Hay Vachris của Costco lúc đầu là tài xế của Price Club, công ty sau này được mua bởi Costco.
Trong quá trình làm việc tại công ty, họ đảm nhận nhiều vị trí và phòng ban khác nhau. Chẳng hạn Lores của HP từng thực tập ở phòng kỹ thuật điện, sau đó là phòng in ấn, hình ảnh, kinh doanh, vận hành hệ thống và cả chăm sóc khách hàng.
Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là các vị trí về vận hành và chiến lược
Trước khi trở thành CEO Kroger năm 2014, McMullen giữ chức phó chủ tịch chiến lược, kế hoạch và tài chính từ năm 2000, sau đó trở thành chủ tịch và giám đốc vận hành năm 2009.
Hoặc CEO Barra của GM từng đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau trước khi trở thành vị nữ CEO trong ngành công nghiệp xe hơi năm 2014, bao gồm phó chủ tịch điều hành phát triển sản phẩm toàn cầu, nơi bà giám sát các nhà cung cấp và công ty con của GM.
Hay CEO Raj Subramaniam của FedEx bắt đầu công việc tại công ty chuyển phát này bằng một dự án hướng đến mở rộng quốc tế dù chỉ là nhân viên quèn. Thế nhưng ông đã tận dụng tốt cơ hội ấy để lấy uy tín tại công ty. Đến năm 1996, ông thăng chức phó chủ tịch tiếp thị khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Từ đó ông giữ chức chủ tịch khu vực Canada từ 2003 đến 2006 và phó chủ tịch cấp cao FedEx Service từ 2006 đến 2013, cũng như CEO và chủ tịch FedEx Express.
Hoặc John Stankey trước khi trở thành CEO của AT&T cũng thu nhặt nhiều kinh nghiệm từ các vị trí về chiến lược và vận hành. Ông được chỉ định giữ chức giám đốc chiến lược năm 2012, CEO của AT&T Entertainment Group năm 2015 và CEO của WarnerMedia năm 2018.
Một “nơi sản xuất” CEO phổ biến không kém trong các công ty là bộ phận về công nghệ
Ví dụ tiêu biểu nhất là Arvind Krishna của IBM. Ông bắt đầu sự nghiệp tại IBM năm 1990 và gắn bó 18 năm trong đội nghiên cứu Watson (hiện nay chuyên nghiên cứu AI). Năm 2009, ông trở thành tổng quản lý mảng phần mềm quản trị thông tin, rồi phó chủ tịch cấp cao mảng điện toán đám mây. Năm 2020, ông được chỉ định làm phó chủ tịch mảng phần mềm đám mây và nhận dạng. Tại đây, ông là một trong những nhân tố chính tạo nên thương vụ mua lại Red Hat lớn nhất trong lịch sử IBM. Trước khi trở thành CEO IBM năm 2023, ông có nhiều đóng góp trong những công nghệ then chốt của công ty, từ AI, điện toán đám mây, điện toán điện tử cho đến blockchain.
Hoặc CEO Bob Jordan của Southwest Airlines bắt đầu gắn bó với hãng bay này từ một lần phỏng vấn vị trí chuyên viên phân tích lập trình. Trong 20 năm đầu tiên tại công ty, ông giữ nhiều chức vụ giám đốc và phó chủ tịch, bao gồm phó chủ tịch điều hành chiến lược và công nghệ.
Dù bắt đầu và phát triển theo nhiều con đường, nhiều phương hướng khác nhau, nhưng hành trình của những vị CEO đi lên từ “nhân viên quèn” này đều giao nhau ở một điểm, đó là kiên trì và nỗ lực không ngừng. Bởi vì nếu không có kiên trì, họ không thể gắn bó và dành tâm huyết với một công ty hơn 30 năm để đạt được vị trí cao nhất này.
Nguồn: Từ thấp nhất đi lên CEO