Ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Là tỉnh có lợi thế về ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm sinh thái đặc thù, Hậu Giang có điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn loại nông sản mang tính đặc trưng riêng để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, tính đến tháng 5/2024 toàn tỉnh Hậu Giang có 266 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao.
Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đều được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp như: ISO, VietGap, GlobalGap, GMP, HACCP… cùng với công nghệ sản xuất, chế biến ngày càng tiến bộ, các chủ thể OCOP đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm... từ đó tạo ra các sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng vừa mang tính thẩm mỹ cao, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Thông tin từ một số chủ thể của sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, để sản phẩm OCOP đạt chất lượng, các chủ cơ sở, đơn vị đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến, bên cạnh đó sử dụng dây chuyền khép kín, liên kết với đại lý, nông dân trong tỉnh cung cấp nguồn nguyên liệu được sản xuất theo hướng hữu cơ để làm ra các thành phẩm, sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công Thương Hậu Giang cũng đã xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tại thành phố Vị Thanh, nhằm đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hiện sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn, tại các siêu thị. Ngoài ra, một số sản phẩm trái cây đã và đang xuất qua thị trường quốc tế như EU, Hong Kong (Trung Quốc) và sản phẩm từ cá thát lát cũng gián tiếp xuất qua thị trường một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung quốc)...
Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh Hậu Giang có 266 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. (Ảnh minh hoạ) |
Việc triển khai Chương trình OCOP đã góp phần khai thác và phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới của người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Việc xây dựng và thực hiện Chương trình OCOP giúp các địa phương khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, nâng cao thu nhập, đời sống người dân và thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện tại tỉnh Hậu Giang còn nhiều sản phẩm tiềm năng đang hoàn thiện theo tiêu chuẩn quy định để được công nhận OCOP. Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hậu Giang, trong gia đoạn 2021-2025 tỉnh tiếp tục định hướng phát triển nhiều sản phẩm OCOP và xây dựng nhiều mô hình phát triển sản phẩm trên toàn tỉnh.
Bên cạnh đó tỉnh Hậu Giang phấn đấu số lượng sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (bao gồm cả các sản phẩm đã được công nhận trong giai đoạn 2018-2020) là 250 sản phẩm; Số lượng sản phẩm đạt OCOP 5 sao là 08 sản phẩm; Số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên là 125 chủ thể; Tỷ lệ chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định (so với tổng số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận) đạt 40%...
Để đạt được mục tiêu này, Ban Chỉ đạo tỉnh Hậu Giang sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến cho các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất ở nông thôn.
Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện nay, tốc độ phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra ngày càng nhanh, một số đối tượng cây trồng, vật nuôi và hình thức canh tác quen thuộc trước đây đã dần trở nên không còn phù hợp. Thay vào đó là những mô hình nông nghiệp an toàn, mô hình nông nghiệp theo hướng khuyến nông đô thị, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng các thiết bị, công cụ, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đang ngày càng được áp dụng nhiều hơn.
Tỉnh Hậu Giang đang đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp thông minh trong sản xuất thực tiễn, vì vậy, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp đã từng bước tiếp cận, thử nghiệm và nhân rộng các nội dung, mô hình mới phù hợp với tình hình sản xuất thực tế của từng địa phương, đặc biệt là hướng dẫn, khuyến khích nông dân tạo ra các sản phẩm an toàn, đạt chuẩn OCOP.
Nguồn:Ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP