Ứng phó biến đổi khí hậu: Góc nhìn từ mô hình "con tôm ôm gốc lúa"
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh: Đoàn kết, phát huy trí tuệ, kiến tạo vì một Việt Nam phát triển xanh, bền vững “Nông nghiệp xanh” – Giải pháp hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu |
Giải pháp phù hợp
Mô hình canh tác tôm - lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (mặn xâm nhập từ tháng 12 đến tháng 5 hằng năm). Vào mùa mưa là thời vụ trồng lúa vì tận dụng được nguồn nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng. Các tháng còn lại đều bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa lại trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên.
Theo các chuyên gia, mô hình canh tác tôm - lúa, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với sản xuất nông nghiệp, từ đó, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng lên từ 2 - 3 lần so với chỉ trồng cây lúa. Ngoài ra, mô hình này giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ‘lão hóa’ vùng nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, tạo điều kiện giúp nghề nuôi trồng phát triển bền vững.
Mô hình lúa-tôm đang được nhiều địa phương triển khai. |
Đáng chú ý, một trong những ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích chính là làm thay đổi tập quán, tư duy sản xuất theo kiểu truyền thống của nông dân sử dụng vôi hay các loại hóa chất khác trong xử lý ao nuôi. Tập quán và thói quen canh tác này về lâu dài sẽ làm cho đất bị 'vôi hóa' và ô nhiễm môi trường từ các hóa chất không rõ nguồn gốc. Ngược lại, sử dụng các chế phẩm vi sinh sẽ góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm sạch.
Về biện pháp quản lý đất, nước, dinh dưỡng trong canh tác lúa – tôm đạt hiệu quả cao ở ĐBSCL, các chuyên gia nhận định, ưu điểm của mô hình canh tác lúa – tôm không phải muốn xuống giống lúc nào cũng được mà đợi khi mưa già hay còn gọi là thời điểm “đuổi mặn” để trồng lúa. Quy trình “rượt và đuổi” xuất hiện trong mô hình lúa – tôm, bởi vì quy trình sống của cây lúa và con tôm là đối ngược nhau. Đối với con tôm cần nước mặn hoặc nước lợ nên nông dân đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Khi nước mưa xuống hay nước ngọt sông Mekong cho vào đồng ruộng rửa mặn để phục vụ trồng lúa. Ưu điểm tiếp theo đối với mô hình lúa – tôm là nhờ nước mặn ban đầu trong ruộng nuôi tôm trước khi xuống giống đã làm giảm độ phèn chua trong đất, từ đó giúp lúa tăng năng suất so với chỉ trồng lúa mà không kết hợp nuôi tôm.
Theo các chuyên gia, vị trí và vai tò của mô hình lúa – tôm rất quan trọng nên hệ thống canh tác này cần phải được bảo vệ bền vững trong thời gian tới; kết quả nghiên cứu mô hình này là hết sức quan trọng và cần được đưa vào sổ tay cho nông dân vùng sản xuất lúa – tôm áp dụng. Điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn khi người dân thực hiện mô hình này. Tương lai trong tất cả các sản phẩm từ lúa, tôm cần được chứng nhận và khi được chứng nhận thì sản phẩm mới có giá trị, giá bán mới cao, nông dân mới có lợi nhuận. Ngoài ra, mô hình lúa - tôm đang được áp dụng hiện nay có thể sẽ tạo cơ hội thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp cho du khách có nhu cầu. Từ đó, thu nhập của nông dân từ mô hình này sẽ tăng lên rất nhiều.
Mô hình hay nhưng thực tế không đơn giản
Mô hình sản xuất tôm-lúa tuy có nhiều ưu điểm nhưng sau một thời gian canh tác, người dân địa phương dần thấy được thách thức. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương, phần lớn người dân cho biết, để mô hình tôm-lúa phát huy hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải làm được vụ lúa. Cây lúa không chỉ cho thu nhập mà còn góp phần cải tạo môi trường, tạo ra nguồn thức ăn giúp tôm phát triển. Tuy nhiên, để không phá vỡ mô hình, bà con phải tốn thêm nhiều chi phí cho khâu cải tạo đất và phụ thuộc vào lượng nước mưa nên không phải năm nào cũng làm được. Thủy lợi chưa bảo đảm khiến sản xuất tôm-lúa phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên nên trong bối cảnh xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan như hiện nay thì đây là một thử thách với mô hình này...
Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Cùng với nguyên nhân khách quan từ thiên nhiên, qua khảo sát tại các địa phương được biết, đều là mô hình canh tác trên cùng diện tích nhưng lợi nhuận mà con tôm mang lại cao hơn so với cây lúa. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều bà con nông dân không còn mấy “mặn mà” với cây lúa mà chuyển hẳn sang nuôi tôm, gây khó khăn cho những hộ sản xuất lúa lân cận và nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng của ngành chuyên môn...
Cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm-lúa tại nhiều địa phương chưa theo kịp tốc độ phát triển mở rộng diện tích sản xuất; môi trường dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn và các dịch vụ đầu vào biến động khó lường, đe dọa đến tính bền vững của hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là sản xuất tôm-lúa vốn chịu nhiều tác động của thời tiết, dịch bệnh. Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế và chậm thay đổi, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi truyền thống, vì thế, để mở rộng quy mô theo hướng hiện đại và hướng con tôm, cây lúa phát triển lâu dài hay xuất khẩu là tương đối khó. Mặc dù công nhận hiệu quả và nhận định mô hình tôm-lúa không phải nơi nào cũng làm được, tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, mô hình này chưa có tính bền vững; trong nuôi trồng thủy sản, chất lượng con giống là yếu tố quyết định sự thành-bại. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân thả tôm nhiều lần trong vụ, không cách ly được với mầm bệnh, có hộ thả bổ sung hằng tháng, tổng mật độ thả lần đầu và bổ sung (không tính thu tỉa) dày với 16,3 con/m2, điều này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng con tôm.
Với những khó khăn và thách thức trên, để phát triển bền vững, các địa phương cần tính toán kỹ vùng nuôi trồng tôm-lúa để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng, liên kết và ứng dụng khoa học. Từ đó tạo nên những “cú hích” mới, để cây lúa và con tôm không ngừng tăng năng suất, giá trị và trở thành hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia với thương hiệu cạnh tranh là “lúa thơm-tôm sạch”.
Nguồn:Ứng phó biến đổi khí hậu: Góc nhìn từ mô hình "con tôm ôm gốc lúa"