Việt Nam giữ vững vị thế số 1 về xuất khẩu gạo tại thị trường Philippines
Đẩy mạnh xuất khẩu gạo gắn với bảo đảm an ninh lương thực Xuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục tăng trưởng mạnh |
Kể từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã vượt Thái Lan để trở thành nhà cung ứng quan trọng và giữ vị trí số 1 xuất khẩu gạo vào Philippines. Thị trường này vẫn còn nhiều dự địa để các doanh nghiệp gạo nước ta tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo sang Philippines tăng mạnh
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kết thúc tháng 4/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 1 triệu tấn với trị giá khoảng 619,88 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình là 618,6 USD/tấn.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu gần 3,17 triệu tấn, tương đương gần 2,04 tỷ USD, tăng 33,5% về kim ngạch và tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân của mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm nay lên tới 644 USD/tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong lúc giá neo cao, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường hầu hết đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Ba thị trường nhập khẩu gạo Việt lớn nhất gồm Philippines, Indonesia và Malaysia.
Cụ thể trong tháng 4/2024, Philippines đã chi 286,8 triệu USD để mua 478.700 tấn gạo, tăng 21% về lượng và tăng mạnh 45% về giá trị so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, quốc gia Đông Nam Á này đã nhập khẩu 1,49 triệu tấn gạo từ Việt Nam, giá trị đạt 935,6 triệu USD. Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy kim ngạch gạo xuất khẩu của nước ta tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo Philippines nhập từ Việt Nam chỉ tăng 15,5%, nhưng giá trị tăng tới 44,5%. Thị trường Philippines chiếm gần 47% giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng năm 2024.
Gạo Việt Nam được ưa chuộng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines
Trả lời cho câu hỏi, tại sao Việt Nam trở thành "bạn hàng" gạo uy tín của Philippines từ năm 2019 đến nay. Ông Phùng Văn Thanh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines.
Thứ hai, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp đến các tầng lớp giàu có, giá cả cạnh tranh.
Thứ ba, nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines.
Thứ tư, Việt Nam tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, như Hiệp định Thương mai Hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP),...trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippines (như Ấn Độ, Pakistan) không có.
"Gạo Việt Nam thứ nhất là đưa ra sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Philippines. Thứ hai, các thương nhân Việt Nam cũng đã có chuẩn bị đầu tư hạ tầng, máy móc thiết bị công nghệ cao. Và xay xát đó thì làm cho thị trường Philippines ưa chuộng", ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết.
Cơ hội để gạo Việt tăng trưởng tại thị trường tiềm năng
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu quan trọng đảm bảo an ninh lương thực đối với Philippines. Mặc dù có nền sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nên quốc gia này phải nhập khẩu gạo từ nhiều nước khác.
Hàng năm, tùy điều kiện canh tác, sản xuất nội địa của Philippines đạt được từ 19 đến 20 triệu tấn lúa, tương đương 12 đến 13 triệu tấn gạo. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo hàng năm của quốc gia này lên tới 15 triệu tấn gạo và dự trữ tối thiểu đảm bảo lương thực đầy đủ cho 30 ngày là 1 triệu tấn.
Theo đó, tổng nhu cầu hàng năm của Philippines lên đến 16 triệu tấn gạo. Vì vậy, mỗi năm trung bình quốc gia này phải nhập khẩu gần 3 triệu tấn gạo.
Thậm chí, mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) nhận định, lượng nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay có thể lên tới 4,1 triệu tấn.
Thái Lan và Ấn Độ, 2 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới chiếm tỉ trọng lớn thị phần nhập khẩu gạo của Philippines. Thế nhưng hiện tại, Ấn Độ đang trong tình trạng cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong khi Thái Lan chỉ cạnh tranh ở phân khúc gạo cấp cao. Đây là cơ hội tốt để gạo Việt Nam tăng trưởng mạnh tại thị trường tiềm năng này.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ cho biết: "Hiện nay chúng ta là nhà xuất khẩu lớn nhất vào Philippines với sản lượng hàng năm đạt gần 3 triệu tấn, đây là 1 thị trường quan trọng, chúng ta có thể điều tiết, điều phối dựa vào cung cầu cũng như chất lượng lúa gạo Việt Nam để chúng ta tăng giá trị và mang về kim ngạch cho quốc gia".
Gạo Việt Nam xuất khẩu vào Philippines năm nay sẽ vượt mức 4 triệu tấn. Việc chủ động thích ứng với phương thức mới của thị trường, vượt các rào cản xuất khẩu sẽ là giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp giữ vững 80% thị phần tại thị trường nhập khẩu gạo lớn vùng Đông Nam Á.
Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được khoảng 8,13 triệu tấn gạo để xuất khẩu nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực. Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn; trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn. |