Việt Nam tích cực ủng hộ nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu
Trách nhiệm bảo vệ hành tinh xanh Làm dày “lá phổi xanh” trước tác động của biến đổi khí hậu |
Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu chính là thách thức hàng đầu của thế kỷ XXI, cần cộng đồng quốc tế tăng cường hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường nguồn lực hỗ trợ các nước chịu tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác đa phương trong nỗ lực này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 13/6 đã tổ chức Phiên thảo luận mở về “Biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Biến đổi khí hậu và môi trường của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) - nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 6/2023.
Theo đánh giá của các diễn giả và đại diện các quốc gia, biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố tác động ngày càng lớn tới hòa bình và an ninh quốc tế.
Thậm chí, có tới 9 trong số 16 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu đang đối mặt với xung đột và cần có sự hiện diện của các Phái bộ gìn giữ hòa bình hoặc Phái bộ chính trị đặc biệt của Liên Hợp Quốc.
Biến đổi khí hậu có thể gây làm trầm trọng thêm căng thẳng ở những nơi đang có xung đột, tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố phát triển, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, gây mất an ninh lương thực và nguồn nước, thậm chí có thể dẫn tới xung đột quốc tế do cạnh tranh nguồn lực khan hiếm.
Về giải pháp, nhiều ý kiến cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng Bảo an cũng như tăng cường năng lực cho các Phái bộ của Liên Hợp Quốc để nâng cao hiệu quả đánh giá rủi ro an ninh do biến đổi khí hậu gây ra, làm cơ sở để Hội đồng Bảo an giải quyết tốt hơn các xung đột và xây dựng hòa bình.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa) |
Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề trọng tâm, cấp bách, vừa là thách thức, vừa là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, bền vững. Tuy là nước đang phát triển, song Việt Nam vẫn nỗ lực thực hiện mức cam kết giảm phát thải tương đương các nước phát triển.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đánh giá biến đổi khí hậu là thách thức đa chiều, tác động đến môi trường, kinh tế và xã hội, cũng như tác nhân làm gia tăng rủi ro đối với hoà bình và an ninh ở cấp độ toàn cầu.
Đại diện Việt Nam khẳng định Hội đồng Bảo an, với trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cần tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu. Trước hết, Hội đồng Bảo an cần có cách tiếp cận toàn diện để giải quyết gốc rễ của xung đột, cân bằng giữa các thách thức an ninh truyền thống và ninh phi truyền thống, đưa phân tích rủi ro về biến đổi khí hậu vào chức năng, nhiệm vụ của các phái bộ gìn giữ hòa bình và phái bộ chính trị đặc biệt.
Bên cạnh đó, theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Hội đồng Bảo an cần ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với các cơ chế liên quan như Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris; tăng cường hợp tác với các sáng kiến ở cấp quốc gia và khu vực về biến đổi khí hậu để ứng phó phù hợp và hiệu quả hơn với các vấn đề và tình huống phát sinh.
Nhấn mạnh những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP-26, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ và tham gia tích cực vào các cuộc thảo luận và sáng kiến liên quan đến biến đổi khí hậu, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh "tham vọng khí hậu" của Liên Hợp Quốc và Hội nghị COP28 tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất trong năm nay.
Trước đó, vào tháng 3/2023, Ngày 29/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
Nghị quyết được đệ trình theo sáng kiến của Vanuatu và Nhóm nòng cốt gồm 18 nước, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, việc tích cực tham gia Nhóm nòng cốt xây dựng Nghị quyết giúp đề cao các chính sách và nỗ lực tích cực của Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cam kết giảm phát thải ròng về mức bằng 0 vào năm 2050, cũng như vai trò tích cực của Việt Nam trong các cơ chế, diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu, góp phần chung cùng các nước tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này, từ đó tranh thủ thêm hỗ trợ của quốc tế đối với các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu của ta.
Lâu dài hơn, việc ICJ đưa ra ý kiến tư vấn có khả năng giúp có thêm những biện pháp, nguồn lực mạnh hơn cho ứng phó biến đổi khí hậu, vừa giúp giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, vừa giúp thúc đẩy hỗ trợ trực tiếp cho các nước đang phát triển như Việt Nam trong ứng phó ở cấp độ quốc gia.
Biến đổi khí hậu và các tác động tới hòa bình – an ninh quốc tế là chủ đề nhận được sự quan tâm tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Từ năm 2007 đến nay, Hội đồng Bảo an đã tổ chức 09 cuộc họp để thảo luận vấn đề này và đã thông qua một Tuyên bố Chủ tịch (PRST) tại cuộc Thảo luận mở năm 2011 về “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Tác động của biến đổi khí hậu” do Đức chủ trì tổ chức. |
Nguồn:Việt Nam tích cực ủng hộ nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu trên toàn cầu