“Vượt lên nghịch cảnh” để khởi nghiệp
Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP S-Furniture, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Phía Nam bắt đầu câu chuyện của mình từ những ngày đầu khởi nghiệp với nguồn lực hạn chế và nhiều rủi ro. Những ngày đầu không hề dễ dàng ấy đã là nguồn cảm hứng để ông viết cuốn sách “Vượt lên nghịch cảnh”. Tác phẩm đã mô tả chân thực về hành trình nỗ lực vượt qua những trở ngại mà bất kỳ ai trên con đường khởi nghiệp đều có thể gặp phải. Phóng viên Doanh Nhân đã có cuộc trò chuyện cùng ông về cuốn sách này.
- Công việc kinh doanh khá bận rộn nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian để viết sách? Phải chăng đó là tâm huyết, là tinh thần muốn lan tỏa khởi nghiệp tới các bạn trẻ, thưa ông?
Tôi viết cuốn “Vượt lên nghịch cảnh” thì “nghịch cảnh” ở đây hiểu một cách đơn giản là những tình huống éo le, khó khăn và thách thức trong cuộc sống mà con người phải đối mặt. Trong kinh doanh, một khi đã xác định theo đuổi nó, các doanh nhân sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nếu ai vượt qua được thì sẽ thành công, không vượt qua được thì đồng nghĩa với thất bại.
Bản thân tôi cũng vậy, sinh ra vốn nghèo khó. Đó là một dạng của nghịch cảnh, nếu không nỗ lực vươn lên thì giờ vẫn nghèo mà thôi. Trong kinh doanh cũng không ít lần, tôi bị chơi vơi trước nghịch cảnh như cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế năm 2007 - 2008, đại dịch Covid-19, hay như giai đoạn 2022 - 2023 vừa qua, khó khăn chồng chất khi đơn hàng sụt giảm rất mạnh. Tuy nhiên nhờ có sự chuẩn bị tốt và kịp thời đưa ra những giải pháp hợp lý, linh hoạt, tôi và các cộng sự đã đưa S Furniture vượt qua, phát triển ổn định.
Mỗi người có cách nhìn nhận và đối diện với nghịch cảnh khác nhau. Tôi tâm đắc câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Chúng ta có xu hướng chạy trốn khỏi đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc, nhưng thực tế, nếu bạn chưa đau khổ, bạn sẽ không có cơ hội trải nghiệm hạnh phúc thực sự”. Vì vậy, tôi luôn nhìn nhận mọi việc ở góc nhìn tích cực, lạc quan, coi nghịch cảnh là một món quà, là bài học, giúp cho mình vững vàng, bản lĩnh, thành công hơn. Những điều này tôi đều đưa vào trong sách một cách nhẹ nhàng với mong muốn mang đến nguồn năng lượng tích cực cho mọi người.
Cuốn sách này không chỉ dành cho những ai đang khởi nghiệp, mà còn dành cho tất cả những ai đang đối mặt với thử thách trong cuộc sống. Tôi cố gắng viết sách với một giọng điệu chân thành, gần gũi, giúp người đọc cảm thấy như đang lắng nghe lời khuyên từ một người bạn đã từng trải qua những khó khăn giống mình.
Gấp lại cuốn sách, tôi nhận ra rằng “Vượt lên nghịch cảnh” không chỉ viết về kinh doanh, mà còn là một hành trình đầy cảm hứng về ý chí, lòng kiên trì và sự quyết tâm. Nó nhắc nhở mọi người rằng, dù khó khăn bộn bề, chỉ cần giữ vững niềm tin và không ngừng nỗ lực, chúng ta sẽ tìm thấy con đường dẫn đến thành công.
- Vừa điều hành doanh nghiệp, vừa tham gia rất nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, có khi nào ông cảm thấy mệt?
Nói không mệt thì không đúng vì phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Nhiều người còn nói, tôi toàn đi làm chuyện bao đồng, “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng tôi nghĩ, cuộc sống có Cho và Nhận. Ngày xưa, mình khởi sự kinh doanh, gặp biết bao khó khăn, nhận biết bao sự giúp đỡ của mọi người mới có được ngày hôm nay thì hà cớ gì bây giờ mình lại không cho đi.
Ở một khía cạnh khác, nói là cho đi nhưng thực sự tôi nhận được rất nhiều khi tham gia hoạt động khởi nghiệp, đó là niềm vui, năng lượng tích cực và cũng học hỏi được rất nhiều từ các bạn trẻ.
Tôi luôn đặt mình vào tâm thế: Khi đi làm diễn giả chính là lúc tôi đi học kỹ năng, chứ không phải đi dạy đời. Nhờ giao lưu, chia sẻ với các bạn trẻ mà tôi biết được giới trẻ đang có nhu cầu gì, từ đó về phổ biến cho công ty sản xuất sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu đó. Hay nhờ hiểu được các bạn trẻ mà tôi có thể định hướng cho phòng nhân sự, không bỏ lỡ cơ hội tuyển dụng các bạn trẻ, nhất là thế hệ Gen Z.
- Để khởi nghiệp không là “phong trào”, theo ông, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay cần làm gì thêm để thiết thực, hiệu quả hơn?
Đây là vấn đề mà chúng tôi rất trăn trở khi nhà nhà, người người nói về khởi nghiệp, hô hào khởi nghiệp ở khắp nơi. Nhưng các bạn nên nhớ, khởi nghiệp mà chưa có đủ nền tảng, kiến thức rất dễ thất bại, chẳng những không giúp ích được gì cho bản thân mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Như tôi đã nói, để một dự án khởi nghiệp thành công cần rất nhiều yếu tố. Ở góc độ nhà nước, các chính sách cần hỗ trợ thiết thực hơn, cụ thể hơn về thuế, về tín dụng cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp. Còn các chủ dự án cần hết sức thận trọng, chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt trước khi khởi sự kinh doanh, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm.
- Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam do ông làm Chủ tịch vừa kỷ niệm 10 năm thành lập. Điều gì khiến ông cảm thấy ấn tượng nhất trong hành trình này?
Trong 10 năm qua, chúng tôi đã kiến tạo được nhiều giá trị thiết thực, hoạt động của hội đồng đã vượt ra khỏi khu vực mà lan tỏa ra khắp cả nước. Ý nghĩa nhất có lẽ là nhiều dự án khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp sau khi nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ hội đồng đã phát triển lớn mạnh và chính các chủ doanh nghiệp này đã quay lại, tham gia vào hội đồng để giúp đỡ người khác.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: “Vượt lên nghịch cảnh” để khởi nghiệp