Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Cầm cự qua “cơn bĩ cực”, sức khỏe các đại gia chăn nuôi heo hiện ra sao? Ngành chăn nuôi gia cầm kiến nghị nhiều giải pháp cấp bách |
Tây Ninh có tổng đàn gia cầm khoảng 9,1 triệu con với sản lượng 49.000 tấn thịt, trong đó có 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con (chiếm tỷ lệ hơn 70% tổng đàn gia cầm). Riêng gà đẻ trứng thương phẩm có 7 trang trại với 2,8 triệu con, sản lượng hơn 2,1 triệu quả trứng gà/ngày. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chăn nuôi an toàn sinh học là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong; không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi; và đây là giải pháp tối ưu để phát triển chăn nuôi bền vững. Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 cơ sở chăn nuôi gà được cấp giấy chứng nhận VietGAHP và 48 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh; huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà, tỉnh đang tiếp tục xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại huyện Gò Dầu.
Trên địa bàn tỉnh tiếp tục hình thành vùng chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh. Ảnh: BTN. |
Những năm qua, ngành chăn nuôi ở huyện Gò Dầu đã có bước phát triển mới theo hướng chăn nuôi an toàn và bền vững, đạt được kết quả tích cực. Nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học với bảo vệ môi trường đã được thực hiện trên địa bàn. Năm 2021, ngành chăn nuôi huyện bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm và bệnh Newcastle tại 3 xã: Cẩm Giang, Hiệp Thạnh và Phước Trạch.
Tính đến nay, huyện có tổng cộng 6 xã được công nhận là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (tăng thêm 3 địa phương so với năm 2021, gồm: Thạnh Đức, Phước Thạnh và thị trấn Gò Dầu). Dự kiến trong năm 2023, huyện sẽ hoàn thành xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại 3 xã: Thanh Phước, Phước Đông và Bàu Đồn với hai bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm. Đến tháng 6.2023, toàn huyện có khoảng 30.000 con gia cầm (gồm 250.000 con gà và 5.000 con vịt) chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ và 5 trang trại chăn nuôi vịt.
Huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm. Theo số liệu thống kê, tổng đàn gia cầm của huyện là 1.271.482 con gà (tăng 18,95% so năm 2012) và 31.600 con vịt. Trong đó, nuôi trang trại là 1.187.200 con, chiếm 93,3% tổng đàn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại bảo đảm an toàn sinh học. Toàn huyện có 21 cơ sở chăn nuôi gà và 11 xã, thị trấn được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle; có 10 trang trại gà đã được cấp chứng nhận chăn nuôi VietGAHP.
Để duy trì vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên đàn gà tại địa bàn, thời gian tới UBND huyện xây dựng các kế hoạch, chương trình phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh đến tận xã, ấp một cách đồng bộ và liên tục. Trong đó, mạng lưới thú y cơ sở thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh tại các hộ, trang trại chăn nuôi để phát hiện sớm và báo cáo kịp thời dịch bệnh trên gia cầm, giúp các cơ quan chức năng xử lý nhanh dịch bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho vùng; vận động các hộ, trại chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.
Thực tế cho thấy, những mô hình chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, chuồng trại được thiết kế hiện đại, khoa học, phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, chủ động kiểm soát vật nuôi, giảm phát sinh dịch bệnh, giảm rủi ro trong chăn nuôi, có hệ thống vệ sinh tiêu độc sát trùng và quy trình xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Dự kiến đến năm 2025, Tây Ninh hoàn thành xây dựng hai vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm (gà) và sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến khích hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ gia cầm theo hướng công nghệ cao.
Theo Sở NN&PTNT Tây Ninh, việc xây dựng vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm dịch, vận chuyển khi xuất bán, đủ điều kiện cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tích cực xây dựng và củng cố thương hiệu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngành gia cầm phát triển ổn định và trứng thương phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung ứng dụng công nghệ cao về chuồng trại, về con giống, phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, an toàn sinh học, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo ra lượng sản phẩm hàng hoá tốt, đủ lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia cầm nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; đây là vấn đề sống còn bởi vì để xảy ra các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh gây thiệt hại cho bản thân mình.
Phát triển các mô hình chuỗi giá trị khép kín gắn với truy xuất nguồn gốc, đặc biệt phát triển mô hình chuỗi giá trị khép kín vì đây là mô hình có thể kiểm soát tốt nhất an toàn thực phẩm, chất lượng đầu vào và đầu ra. Đồng thời, cần tăng cường hiệu quả và kiểm soát an toàn thực phẩm đối với chuỗi liên kết với nhiều tác nhân tham gia (trang trại, cơ sở giết mổ, cửa hàng phân phối). Tăng hiệu quả quản lý nhà nước về chuỗi.
Phát triển chăn nuôi tuần hoàn là hoạt động sản xuất ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi. Tập trung xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhân rộng ra để tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Thú y Việt Nam và của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
Hoạt động chăn nuôi trên cả nước hướng tới việc mở rộng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phục vụ xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. |
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi nước ta dù có những bước phát triển khá mạnh những còn thiếu một số điều kiện quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu. Vì vậy cần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học. 8 tháng qua kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 325 triệu USD, tăng tới 26,1%. Trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm, việc tăng trưởng 2 con số của ngành chăn nuôi là một điểm sáng. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi còn quá khiêm tốn, với quy mô của ngành chăn nuôi đang chiếm tới 27% GDP của toàn ngành nông nghiệp. Đặc biệt các sản phẩm chăn nuôi lợn gần như vắng bóng trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong xuất khẩu gia súc, gia cầm và cũng là nội dung được đưa vào đàm phán các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước khác. Thực tế Việt Nam vẫn chưa hình thành được các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn đủ lớn và quy mô được thế giới công nhận. Việt Nam hiện có 67 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao từ 10 đến 20%.
Theo Kế hoạch quốc gia phát triển ngành chăn nuôi của Chính phủ mới phê duyệt thì đến 2030 các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh là trung tâm chăn nuôi an toàn dịch bệnh của cả nước. Hiện nay tại các địa phương, ngành nông nghiệp đang tiến hành những bước đầu tiên. Năm 2022 Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước có sản lượng thịt lợn cao nhất thế giới, chiếm 2,5% tổng sản lượng thị lợn toàn cầu. Ngoài phục vụ nhu cầu 100 triệu dân trong nước thì theo các doanh nghiệp tiềm năng xuất khẩu thịt lợn là rất lớn. Việc hình thành trung tâm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, có ý nghĩa quan trọng trong việc biến tiềm năng này thành kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Nguồn:Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh